Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu leo lên đỉnh mới sau khi OPEC+ hủy cuộc họp về tăng sản lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu leo lên đỉnh mới sau khi OPEC+ hủy cuộc họp về tăng sản lượng

Khánh Lan

(KTSG Online) – Giá dầu thô ở Mỹ leo lên mức cao nhất trong 6 năm vì cuộc họp lần thứ 2 của liên minh OPEC+, bao gồm các thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, các đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu nhằm đàm phán kế hoạch tăng sản lượng dầu đã không diễn ra như dự kiến. Nguyên nhân là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)  và Saudi Arabia chưa thể giải quyết các bất đồng giữa họ.

Giá dầu leo lên đỉnh mới sau khi OPEC+ hủy cuộc họp về tăng sản lượng
Liên minh OPEC+ vẫn chưa thể thuyết phục UAE thay đổi quan điểm về cách tính sản lượng cơ sở nếu gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu đến hết năm 2022. Ảnh: Reuters

Trước tình hình nhu cầu dầu ở các nước phương Tây phục hồi mạnh mẽ, các bộ trưởng OPEC + đã tổ chức phiên họp trực tuyến hôm 2-7 để thương thảo 2 đề xuất được Saudi Arabia và Nga khởi xướng, gồm: (1) Tăng sản lượng dầu lên 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12, tổng cộng là 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu gần 10 triệu thùng/ngày của OPEC+ được ký kết hồi tháng 4 năm ngoái sẽ chỉ còn 3,8 triệu thùng/ngày vì trước đó, nhóm này đã khôi phục sản xuất khoảng 4,2 triệu thùng/ngày; (2) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu còn lại đến hết năm 2022, thay vì tháng 4-2022.

Dù hầu hết các thành viên của OPEC+ tán thành 2 đề xuất trên nhưng phiên họp vẫn bế tắc vì vấp phải sự phản đối của UAE. UAE cho rằng các điều khoản trong các đề xuất mới không công bằng với nước này. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ đề xuất gia hạn giảm sản lượng dầu đến hết năm 2022 vẫn tính mức cắt giảm dựa vào sản lượng cơ sở của mỗi nước vào tháng 10-2018. Tuy nhiên, sản lượng cơ sở hiện nay của UAE hiện nay đã tăng thêm rất nhiều với so với thời điểm đó.

OPEC+ dự định tiếp tục đàm phán vào hôm 5-7 nhưng cuối cùng phiên họp bị hủy bỏ do Saudi Arabia không thể thuyết phục được UAE thay đổi lập trường. Các nguồn tin cho biết UAE tán thành khôi phục sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong 5 tháng cuối năm nhưng vẫn không đồng tình gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng đến hết năm 2022, trừ phi OPEC+ thay đổi thời điểm tính sản lượng dầu cơ sở của nước này.

Dù không tuyên bố công khai nhưng Nga ủng hộ UAE vận động tính mức cắt giảm dựa trên sản lượng cơ sở mới của UAE. Trong khi đó, Saudi Arabia kiên quyết phản đối. Nếu UAE được nhân nhượng về hạn ngạch sản lượng khai thác, điều này có thể khuyến khích các nước như Nga và Iraq đưa ra yêu cầu tương tự.

Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo cho biết OPEC+ vẫn chưa quyết định khi nào sẽ tiến hành phiên họp mới.

Sự thất bại của cuộc đàm phán có nghĩa là sản lượng dầu dự kiến tăng thêm kể từ tháng 8 sẽ không diễn ra.
Tin tức này đã đẩy giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Trong phiên giao dịch 6-7 theo giờ châu Á, giá dầu Tây Texas ở thị trường New York có lúc tăng lên mức 76,98 đô la/thùng, cao nhất kể từ tháng 11-2014. Trong khi đó, giá dầu Brent ở London cũng bứt phá lên mức 77,83 đô la/thùng, cao nhất kể từ cuối năm 2018.

Sự rạn nứt bên trong liên minh OPEC+, đặc biệt giữa UAE và Saudi Arabia, nếu không được hàn gắn sớm, có thể dẫn đến cuộc chiến giá dầu như đã từng xảy ra vào năm ngoái khi các thành viên OPEC+ đua nhau bơm dầu giữa lúc dịch bệnh đang xảy ra, khiến giá dầu sụp đổ.

Giovanni Staunovo, Nhà phân tích ở Ngân hàng UBS cho rằng nếu nguồn cung không tăng thêm sớm, thị trường dầu sẽ thắt chặt hơn và giá dầu Brent có thể leo lên mức 80 đô la/thùng vào tháng 9.

Tuy nhiên, ông cho rằng liên minh OPEC+ sẽ nối lại đàm phán và vẫn có thể đạt được thỏa thuận.

Warren Patterson, Giám đốc Chiến lược Hàng hóa của Ngân hàng ING nhận định, nếu OPEC+ vẫn giữ nguyên sản lượng hiện nay trong tháng 8 tới, giá dầu sẽ tăng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các thành viên của OPEC+ sẽ cố gắng tránh cuộc chiến giá dầu bằng cách nhất trí khôi phục sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12. Vấn đề gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng sẽ tạm gác lại để giải quyết sau.

Fereidun Fesharaki, Chủ tịch Công ty Tư vấn Năng lượng FGE, nói rằng nếu OPEC+ không sớm tăng sản lượng thì giá dầu Brent có thể hướng đến mốc 85-90 đô la/thùng. Nhưng ông dự báo các bên sẽ tìm cách thỏa hiệp trong những tuần còn lại của tháng 7.

Các nhà phân tích của Ngân hàng RBC Capital Markets cho rằng bất đồng giữa UAE và Saudi Arabia dường như không chỉ là về chính sách dầu khi UAE có dấu hiệu muốn thoát khỏi cái bóng quá lớn của Saudi Arabia ở khu vực vùng Vịnh Ba Tư và tự vạch hướng đi của riêng mình trong các vấn đề toàn cầu.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới