Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu rơi sẽ thử thách nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu rơi sẽ thử thách nền kinh tế

Hải Lý

Giá dầu rơi sẽ thử thách nền kinh tế
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang lao dốc, xuống dưới mức 80 đô la Mỹ/thùng. Ảnh TL

(TBKTSG) – Thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc lớn vào dầu thô cả ở hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Đã không ít năm dầu thô cứu ngân sách. Vậy khi giá dầu rơi, và nhiều khả năng sẽ còn chưa dừng lại, sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam ra sao?

Giá dầu thô trên thị trường thế giới lao dốc, tiệm cận 76 đô la Mỹ/thùng ngay sau khi Saudi Arabia cắt giảm giá dầu xuất khẩu cho các khách hàng Hoa Kỳ và lượng dầu dự trữ của Mỹ tăng mạnh 2,3 triệu thùng (barrels) vào tuần trước. Hãng tin Bloomberg cho biết giới đầu tư năng lượng tin rằng Saudi Arabia không ngần ngại tiến vào cuộc chiến thị phần trên thị trường dầu quốc tế.

Không thể nói sự rơi và nhiều khả năng sẽ còn chưa dừng lại của giá dầu không ảnh hưởng tới Việt Nam.  Theo số liệu của Bộ Tài chính, nguồn thu từ dầu chiếm 26% ngân sách năm 2000 và 19% năm 2012. Hãy thử hình dung thế này: mỗi năm Bộ Tài chính đều ước tính một con số nhất định đóng góp vào ngân sách từ xuất khẩu dầu thô. Nếu giá dầu thế giới cao, số thu có thể tăng và ngược lại. Còn để đạt được mức thu dự kiến trong bối cảnh giá dầu biến động, sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu khai thác, xuất khẩu.

Một vấn đề nữa là giá thành khai thác dầu của Việt Nam. Cái này PetroVietnam chưa bao giờ công khai và cũng khó công khai vì vị trí địa lý, sản lượng thương mại của các mỏ khác nhau. Có những phỏng đoán giá thành khai thác dầu của Việt Nam bình quân khoảng đâu đó 40-50 đô la Mỹ/thùng. Số liệu đó chưa bao giờ được kiểm chứng.

Ở chiều nhập khẩu, xăng dầu thành phẩm nhập về cũng là một trong những nguồn thu chủ lực của ngân sách. Trong giá bán lẻ một lít xăng, người tiêu dùng phải “cõng” nhiều thứ thuế. Nay giá bán lẻ giảm theo giá nhập khẩu, nếu giữ nguyên mức thuế và tỷ lệ thuế, ngân sách thu được sẽ ít hơn.

Ai sẽ được hưởng lợi khi giá dầu giảm, mà cụ thể là giá xăng bán lẻ giảm? Tất nhiên là người tiêu dùng và doanh nghiệp. Giá thành sản xuất và dịch vụ sẽ giảm theo, nhờ đó sức mua, sức tiêu dùng có thể được cải thiện. Song điểm này còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ như vận tải, bởi giá xăng giảm, mà không thấy giá vận tải từ đường không, đường sắt đến đường bộ giảm gì cả.

Giá dầu mất thắng đã ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các công ty khai thác, chế biến và phân phối dầu cũng như sản phẩm từ dầu trên khắp các châu lục. Các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng cả về trước mắt và lâu dài. Trong chu trình sản xuất, tất cả phụ thuộc vào giá đầu ra. Một khi giá bán hạ, doanh thu hạ, doanh nghiệp phải tính đến thu hẹp giá nguyên liệu, co lại những khoản chi tài chính, nhân công để đảm bảo năng suất, biên lợi nhuận. Còn nếu không quản lý tốt các yếu tố đầu vào, lợi nhuận sẽ sụt giảm.

Thí dụ những công ty vận tải dầu khí sẽ được lợi khi giá dầu giảm nhìn từ góc độ giá xăng nhiên liệu hạ. Tuy nhiên liệu PetroVietnam, cổ đông lớn và đang nắm quyền chi phối của hầu hết các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, có chịu giữ nguyên giá cước vận tải trong điều kiện lợi nhuận thu về từ một thùng dầu xuất khẩu giảm đi? Khả năng lớn là không. PetroVietnam phải điều tiết các yếu tố để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và nhất là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. PetroVietnam không đơn thuần làm kinh tế. Họ có nghĩa vụ về mặt nào đó trong đời sống kinh tế – chính trị của cả nước.

Sự trỗi dậy của ngành dầu khí – câu chuyện mà chúng tôi đã đề cập mấy tháng trước đây – đang đứng trước thử thách bất ngờ, có thể nói là bất khả kháng, vì nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Với vai trò một nước xuất dầu thô và nhập sản phẩm dầu, Việt Nam không thể nào cưỡng lại trào lưu chung của thế giới về biến động của thứ hàng hóa quan trọng bậc nhất này.

Vấn đề cấp bách là nền kinh tế Việt Nam sẽ tự điều chỉnh và được điều chỉnh, quản lý ra sao trước sự trồi sụt của thị trường năng lượng? Giá dầu không chỉ còn là chuyện liên quan đến sự lên xuống của chứng khoán, mà cần phải nhanh chóng nhìn nhận nó ở bình diện cả nền kinh tế.

Mời đọc thêm

Giá dầu biến động – do đâu?

Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới