Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu tăng vọt – ai mừng, ai lo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu tăng vọt – ai mừng, ai lo?

Triêu Dương

(KTSG) – Giá dầu đã tăng vọt từ cuối tuần trước đến nay, củng cố đà đi lên mạnh mẽ và đưa dầu trở thành một trong những tài sản mang lại suất sinh lời lớn nhất từ đầu năm đến nay. Vậy đà tăng mạnh của giá dầu sẽ tác động thế nào lên thị trường chứng khoán trong nước?

Chỉ báo cho thị trường chứng khoán?

Ngày 4-3, phiến quân Houthi ở Yemen bất ngờ tập kích nhà máy dầu của tập đoàn dầu khí Aramco tại Ảrập Saudi, đẩy giá dầu WTI tăng vọt gần 5% ngay trong ngày và tiếp tục bứt phá 3% trong ngày kế tiếp. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường dầu vẫn đang cho thấy xu hướng đi lên mạnh mẽ, với giá dầu WTI đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2018 tại mốc gần 68 đô la Mỹ/thùng, trong khi giá dầu Brent lên gần 71,4 đô la/thùng.

Sau sự sụp đổ vào tháng 4-2020, tức chưa đầy một năm, ít ai có thể nghĩ rằng giá vàng đen này lại có thể phục hồi một cách mạnh mẽ như thế. Những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông gần đây chỉ như giọt nước tràn ly góp phần đẩy thị trường bứt phá nhanh hơn, còn thực chất xu hướng của giá nhiên liệu này đã cho thấy đà tăng vững chắc trước triển vọng cung cầu có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng.

Đầu tiên, nhu cầu dầu nói riêng và các hàng hóa nói chung đang tăng mạnh trở lại cùng với triển vọng phục hồi kinh tế, nhất là kể từ cuối quí 4 năm ngoái khi vaccin bắt đầu được triển khai tiêm chủng tại các nền kinh tế phát triển. Gói hỗ trợ 1.900 tỉ đô la được Thượng viện Mỹ phê duyệt vào cuối tuần qua và sẽ trình Tổng thống Joe Biden ký trước ngày 14-3 tới càng củng cố cho khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ở phía cung, bên cạnh dự báo nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ có thể bị thắt chặt dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, việc các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc tổ chức OPEC tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng càng làm tăng nguy cơ cung không đủ cầu. Trong cuộc họp mới đây, OPEC và các đồng minh đã quyết định kéo dài thoả thuận hạn chế sản lượng dầu đến hết tháng 4, với Ảrập Saudi – quốc gia chiếm sản lượng nhiều nhất trong nhóm OPEC, quyết định duy trì mức giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.

Trước tình hình này, giới phân tích đã nâng mức dự báo giá dầu, như Goldman Sachs tăng dự báo giá dầu Brent thêm 5 đô la, lên mức 75 đô la/thùng trong quí 2-2021 và 80 đô la/thùng trong quí 3-2021. Trong khi đó, ngân hàng UBS cũng tăng dự báo giá dầu Brent lên 75 đô la/thùng và dầu WTI lên 72 đô la/thùng trong nửa cuối năm 2021.

Những năm trước đây, giá dầu tăng thường gây áp lực không nhỏ lên thị trường chứng khoán, khi dẫn đến lo ngại lạm phát và kéo theo đó là áp lực lên xu hướng lãi suất, nhưng với bối cảnh đặc thù trong tình hình dịch bệnh thời gian qua, hiệu ứng này có thể sẽ không còn quá lớn. Bởi vì giá dầu bật tăng từ mức thấp lần này được xem là một dấu hiệu phản ánh niềm tin vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế ngày càng được củng cố, và do đó không loại trừ khả năng sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Tác động phân hóa

Dù vậy, đối với những nhóm ngành khác nhau cũng sẽ vẫn có những ảnh hưởng trái ngược. Đầu tiên, nhóm cổ phiếu dầu khí dĩ nhiên là được lợi lớn nhất trước đà tăng của giá dầu, mà một số cổ phiếu đã sớm phản ứng trước xu hướng này. Đơn cử như cổ phiếu PVD của Tổng công ty cổ phần (CTCP) Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí đã tăng gần 15% từ cuối tháng 2 tính đến phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng hơn 15%, trong khi PVB của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam tăng hơn 17%.

Giá dầu tăng vọt cũng kéo theo giá các loại nhiên liệu, năng lượng khác đi lên mạnh mẽ, giúp cổ phiếu nhóm ngành năng lượng nói chung hưởng lợi. Cụ thể, cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam thuộc lĩnh vực phân phối khí đốt thiên nhiên đã tăng gần 10% trong cùng khoảng thời gian, trong khi cổ phiếu CNG của CTCP CNG Việt Nam cùng nhóm ngành tăng đến 15%.

Trên sàn UpCom, cổ phiếu OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam – được đánh giá là hưởng lợi nhanh nhất với biến động tăng của giá dầu nhờ cơ chế giá thị trường, và cổ phiếu BSR của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng có lúc tăng gần 40% trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, khi biên độ dao động của sàn UpCom lên đến 15%, gấp hơn 2 lần biên độ sàn HOSE. Ngoài ra hàng loạt cổ phiếu có thị giá nhỏ thuộc nhóm dầu khí trên cả ba sàn cũng chứng kiến không ít phiên tăng trần.

Ngược lại, những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, thứ nhất là nhóm phân bón, khi chi phí nguyên liệu khí chiếm khoảng 50-60% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất phân đạm, như Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí với mã cổ phiếu DPM và Tổng CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (mã DCM). Dù giá cổ phiếu nhóm này thời gian qua vẫn đang đi lên tích cực nhờ khả năng hưởng lợi từ luật về thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi cho ngành phân bón, nhưng nếu giá dầu tiếp tục đi lên, nhóm cổ phiếu này sẽ chịu sức ép không nhỏ.

Nhóm thứ hai là cổ phiếu nhiệt điện khí, với cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 và BTP của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa, khi các doanh nghiệp này thường phụ thuộc vào nguồn cung khí của GAS, nên khi giá khí tăng có thể làm thu hẹp biên lợi nhuận của nhóm này cũng như giảm sức cạnh tranh so với các loại hình phát điện khác. Riêng đối với cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, dù cũng chịu ảnh bởi giá khí tăng nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh trong những ngày gần đây là nhờ vào thương vụ thoái vốn CTCP Máy – Thiết bị dầu khí (PVM) đã được thông qua vào ngày 4-3-2021.

Nhóm thứ ba là cổ phiếu hàng không, vận tải, khi dầu là nguyên liệu đầu vào chính của những doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau một năm 2020 bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu đi lại bị hạn chế, thì với triển vọng các hoạt động kinh tế và xã hội sẽ trở lại về mức bình thường trong năm nay, các doanh nghiệp thuộc ngành này đang có không ít yếu tố hỗ trợ, do đó sẽ không chịu quá nhiều áp lực suy giảm từ xu hướng giá dầu tăng.

Cuối cùng, nhóm cổ phiếu hóa chất cũng chịu tác động bất lợi khi giá dầu tăng, do một số sản phẩm hóa chất đầu vào của ngành như lưu huỳnh, nhựa đường, chất tẩy rửa bề mặt,… có nguồn gốc từ quá trình lọc hóa dầu. Theo đó, khi giá dầu tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm của các sản phẩm hóa chất này tăng lên, cộng thêm chi phí vận chuyển cũng tăng khi phần lớn các sản phẩm hóa chất đầu vào này là hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp hóa chất với các sản phẩm có tính chất tẩy rửa để phòng ngừa dịch bệnh đã hưởng lợi khi nhu cầu sử dụng gia tăng mạnh trong đại dịch năm vừa qua, nay rủi ro lây lan giảm xuống càng khiến nhóm cổ phiếu này chịu áp lực suy giảm. Trong số này, các cổ phiếu như LIX của CTCP Bột giặt Lix và NET của CTCP Bột giặt NET có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi nguyên liệu sản xuất chính của hai doanh nghiệp này là chất tẩy rửa bề mặt, chiếm khoảng 60-80% chi phí giá vốn đầu vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới