Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu thô tăng sau phán quyết của PCA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá dầu thô tăng sau phán quyết của PCA

Thái Bình

Giá dầu thô tăng sau phán quyết của PCA
Các thanh niên Philippines mừng rỡ khi nghe tòa PCA ra phán quyết có lợi cho vụ kiện của chính phủ Philippines chiều nay 12-7. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Tòa trọng tài thường trực quốc tế (Permanent Court of Arbitration – PCA) đặt tại The Hague, Hà Lan, chiều nay 12-7 đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử nào đối với vùng biển Đông và các hành vi của Bắc Kinh ở đó đã vi phạm chủ quyền của Philippines.

Trên thị trường, giá dầu thô lập tức tăng lên ngay sau khi phán quyết của PCA được công bố. Lúc 17 giờ chiều nay (giờ VN) giá dầu thô Brent giao sau tăng thêm 1 đô la Mỹ, tương đương 2%, lên 47,29 đô la Mỹ/thùng.

>> Tòa PCA bác bỏ chủ quyền của TQ trên biển Đông

Thắng lợi pháp lý của Philippines

“Không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển nằm trong ‘đường 9 đoạn’”, phán quyết của tòa PCA ghi rõ. Trong bản phán quyết cuối cùng dày 497 trang, các thẩm phán của tòa PCA lên án hành động bồi đắp đảo của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa đã gây ra những thiệt hại không thể phục hồi được đối với các rạn san hô dưới lòng biển Đông.

Tòa PCA cũng cho rằng Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động đánh cá truyền thống của Philippines ở bãi cạn Scarborough Shoal – một trong hàng trăm bãi cạn rải rác trong vùng biển Đông, và vi phạm chủ quyền của Philippines qua việc khai thác dầu khí gần đá Reed Bank trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Phán quyết khẳng định, các thực thể (đảo, đá) mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp trong quần đảo Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Hãng tin Reuters nhận định, phán quyết của tòa PCA có ý nghĩa ở chỗ đây là lần đầu tiên cơ chế  pháp lý quốc tế được vận dụng vào một cuộc tranh chấp liên quan tới một vùng biển quan trọng hàng đầu của thế giới, nơi được coi là có nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản nhiều triển vọng.

Vụ xét xử cũng phản ánh sự dịch chuyển cán cân quyền lực ở vùng biển rộng 3,5 triệu ki lô mét vuông – nơi Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện bằng cách chiếm và bồi đắp các đảo nhân tạo, tiến hành tuần tiễu nhằm xua đuổi tàu thuyền đánh cá của ngư dân các nước khác.

Tòa PCA không có thẩm quyền buộc các bên phải thi hành phán quyết của mình nhưng thắng lợi pháp lý của Philippines có thể khuyến khích các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia và Brunei tiến hành những vụ kiện tương tự hay tìm cách giải quyết xung đột chủ quyền với Trung Quốc qua cơ chế pháp lý quốc tế.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh. Philippines khẳng định vững chắc sự tôn trọng đối với quyết định lịch sử này, coi đó là đóng góp quan trọng vào những nỗ lực đang được tiến hành nhằm xử lý các tranh chấp trên biển Đông”,

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay

Trung Quốc, từ lâu đã “tẩy chay” các phiên xét xử của tòa PCA, đã một lần nữa tuyên bố không đếm xỉa gì tới phán quyết và các lực lượng vũ trang của nước này sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông.

Phản ứng của Philippines và các bên khác

“Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu bản phán quyết với sự cẩn trọng và toàn diện mà kết quả của phiên tòa nhiều ý nghĩa này đòi hỏi”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói với phóng viên tại cuộc họp báo ngay sau khi phán quyết của PCA được công bố. “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và điềm tĩnh. Philippines khẳng định vững chắc sự tôn trọng đối với quyết định lịch sử này, coi đó là đóng góp quan trọng vào những nỗ lực đang được tiến hành nhằm xử lý các tranh chấp trên biển Đông”, ông Yasay đọc từ một văn bản in sẵn.

Trước khi phán quyết được công bố, đã có khoảng 100 thành viên một nhóm dân tộc của Philippines tổ chức biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Trung Quốc ở Manila, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của tòa PCA và rời khỏi khu vực bãi cãn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012. Trên các mạng xã hội, thanh niên Philippines “sáng tác” ra từ mới “Chexit” theo mẫu Brexit bên Anh để thể hiện nguyện vọng yêu cầu Trung Quốc rút ra khỏi các vùng biển chiếm đóng của Philippines.

Chính phủ Nhật Bản nói rằng, phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về pháp lý.

Các quan chức ngoại giao, quân sự Hoa Kỳ nói rằng, phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của tòa PCA sẽ quyết định phần lớn cách ứng xử của các bên liên quan khác, kể cả Hoa Kỳ. Ví dụ, nếu Trung Quốc đẩy mạnh hoặc leo thang các hoạt động quân sự trong vùng biển tranh chấp, Hoa Kỳ và các nước khác sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc tiến hành tiếp tục và có thể mở rộng các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không đa quốc gia. “Các kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ đã được hoàn tất hoặc đang trong giai đoạn soạn thảo cuối cùng. Chúng tôi hy vọng không phải dùng tới những kế hoạch đó”, một quan chức Mỹ cho biết.

(theo Reuters, CNBC)

Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA

“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết.

"Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Phillppines đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7.

Ông Bình khẳng định, trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tư Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới