Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá điện có thể điều chỉnh 2 lần/năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá điện có thể điều chỉnh 2 lần/năm

Ngoc Lan 

Giá điện lại lên một mức điều chỉnh mới Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Phát biểu trước đông đảo báo giới sáng nay 26-2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho biết, sau lần tăng giá điện năm 2010, vào các năm tiếp theo, giá điện có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm 2 lần/năm.

Giá điện giờ cao điểm tăng thêm 2% đến 4%

Cuộc họp báo hôm 26-2 do Bộ Công thương tổ chức đã chính thức công bố biểu giá điện 2010, bắt đầu áp dụng từ ngày 1-3-2010, với mức tăng giá bình quân 6,8% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2009, tính ra là 1.058 đồng/kWh (tương đương với 5,54 cent/ kWh).

Theo giá mới, nhóm các ngành sản xuất bị tăng giá mua điện thêm 6,3%, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt bậc thang tăng 6,8%, giá bán điện bình quân cho cơ quan hành chính sự nghiệp và kinh doanh thêm 6,3% và 6,1%. Riêng 50KWk đầu tiên vẫn giữ giá cũ là 600 đồng/kWh. Tính ra mức bù giá cho bậc thang này bằng 43% (cao hơn mức bù giá 37% của năm 2009).

Riêng về giá điện giờ cao điểm, Bộ Công thương cho biết quy định giá điện giờ cao điểm sáng vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, để giúp giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, giá điện giờ cao điểm sẽ có tỉ lệ tăng thấp hơn so với giá điện các giờ khác (chỉ tăng 2% đến 4% tùy vào cấp điện áp sử dụng). Theo Bộ Công thương, trong năm 2009, năm đầu tiên áp dụng quy định tính giá điện giờ cao điểm sáng, tính đến hết 31-12-2009, chỉ có khoảng 1500 đơn vị (chiếm 3,74% tổng số đơn vị sản xuất trong cả nước) thực sự bị ảnh hướng bởi cách tính giá này và sau đó được giảm giá với chi phí tiền điện được giảm trừ là 3,86 tỉ đồng.

Giá điện mới dự kiến sẽ làm cho các ngành sản xuất trong năm nay phải trả thêm khoảng 2.630 tỉ đồng tiền điện, bằng 0,36% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2010. Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 30% đến 40% giá thành sản xuất) sẽ bị tăng giá thành sản phẩm thêm 2,83% đến 3,15%. “Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất phổ biến ở mức dưới 1% giá thành”, Bộ Công thương cho rằng ảnh hưởng như vậy là không lớn đến sản xuất.

Phía dân cư, cũng theo tính toán của bộ này, các hộ sử dụng điện đến 100 kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm tối đa là 7000 đồng/tháng, các hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng phải trả thêm tối đa 16.000 đồng/tháng và các hộ sử dụng 400 kWh/tháng phải trả thêm 36.5000 đồng/tháng.

Tăng giá, ngành điện vẫn “lãi giả, lỗ thật”?

Thông tin: “Ngành điện lãi giả, lỗ thật” là do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết. Theo ông Hiếu, năm 2009 ngành điện lãi gần 2.000 tỉ đồng nhưng cũng lỗ 2.000 tỉ do chênh lệch giá mua – giá bán và giãn khấu hao.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri nói, giá điện áp dụng từ ngày 1-3 tính ra khoảng 5,54 cent/kWh nhưng ở nhiều nhà máy nhiệt điện và điện khí, EVN đã phải mua với giá lên đến gần 6 cent. “Việc gọi vốn đầu tư cho ngành điện hiện gặp khó vì nhiều nhà đầu tư nhiệt điện chạy than và chạy khí tính toán, phải bán được giá 6,8 cent/kWh họ mới đầu tư”.

Ông Tri còn nói, mặc dù giá điện đã được thay đổi nhưng dự tính năm nay EVN sẽ bị lỗ do chênh lệch tỉ giá, ước tính khỏang 11 ngàn tỉ đồng (số lỗ này theo quy định sẽ được hạch toán, chia đều cho 4 năm tiếp theo). Và nếu Chính phủ đồng ý với đề nghị của Tập đoàn Dầu khí, tiếp tục tăng giá bán khí cho ngành điện từ ngày 1-4 tới (đợt tăng giá bán khí trước áp dụng từ ngày 1-6-2009) thì ngành điện sẽ phải trả thêm 1.200 tỉ đồng nữa. Số tiền này sẽ được bù đắp khi EVN tính toán cho các kỳ tăng giá điện sau năm nay.

EVN tính toán, năm 2009, do các thông số đầu vào thay đổi (tỉ giá, giá mua khí, chi phí bảo dưỡng, vận hành, giá dầu DO, FO và lương tối thiếu thay đổi), ước tính tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện cho toàn ngành tăng 2.565 tỉ đồng so với tính toán tại phương án giá điện được duyệt.

“Mặc dù không thể điều chỉnh giá thường xuyên như xăng nhưng sau năm 2010, giá điện có thể sẽ được điều chỉnh 2 lần/năm. Mùa khô phải dùng nhiều điện khí, nhiệt điện chạy than giá cao thì ngành điện phải tăng giá và mùa mưa, dùng nhiều thủy điện giá rẻ thì giá điện có thể giảm đi”, ông Hào nói.

Tuy  nhiên, vẫn Bộ Công thương cho biết tỉ trọng các nguồn thủy điện giá rẻ ngày càng giảm, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng từ 13% đến 15% mỗi năm nên ngành điện vẫn phải tăng mạnh việc dùng các nguồn điện từ than và khí. “Tình hình nước cho các nhà máy điện mùa khô từ nay đến tháng 6 hiện đang căng thẳng và việc thiếu điện cho những tháng sắp tới vẫn diễn biến theo hướng không mấy khả quan”, ông Tri cho hay.

Giá than cho sản xuất điện năm 2010 cũng tăng theo giá điện, với mức tăng không quá 47% đối với than cám 4b và 28% đối với than cám 5 so với giá than cho điện năm 2009. “Việc điều chỉnh giá than chỉ áp dụng cho ngành điện, không áp dụng cho các ngành sản xuất khác và tính ra mức giá này chưa bằng 60% giá thành xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới