Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá điện năm 2012 dự kiến tăng 4,6%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá điện năm 2012 dự kiến tăng 4,6%

Minh Tâm- Ngọc Lan

Giá điện năm 2012 dự kiến tăng 4,6%
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định giá điện 2012 chỉ tăng 4,6% so với năm nay. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Giá điện năm 2012 dự kiến sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với giá hiện hành.

Đây là phương án giá được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ công bố tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 24-11.

Theo ông Huệ, liên bộ Tài chính và Công Thương đang tính toán phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2012. Theo đó, kịch bản của giá điện năm tới chắc chắn sẽ tăng nhưng mức tăng ít. Điều này được dựa trên việc nhiều chi phí gần như được giữ nguyên như hiện hành.

Cụ thể, giá thành điện về cơ bản sẽ lấy theo giá sản xuất của thời điểm 15-9-2011 và một số chi phí khác, trong đó không tính lãi của các khâu truyền tải.

Liên bộ tính toán, giá điện của năm 2012 sẽ ở mức 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với hiện nay. Một phần các khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2010, bao gồm 1/4 khoản lỗ do sản xuất kinh doanh khoảng 2.000 tỉ đồng và 1/3 khoản lỗ do tỷ giá với khoảng 5.000 tỉ đồng, sẽ được phân bổ để tính toán giá thành điện năm 2012.

Bên cạnh đó, giá than bán cho sản xuất điện sẽ giữ ở mức từ 57 – 65% so với giá tiêu thụ bên ngoài. Các hợp đồng mua bán điện cũng sẽ được giữ như hiện hành. Các chi phí vốn được EVN hạch toán riêng như chi phí cho thuê cột điện (khoảng 200 tỉ đồng/năm, tiền bán các vật tư khoảng 100 tỉ đồng/năm) thì trong năm 2012 cũng sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện để kéo giảm giá thành.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, giá điện cho hộ nghèo, gia đình khó khăn sẽ vẫn được giữ như hiện nay. kể cả khoản hỗ trợ 30.000 đồng/hộ.

Về câu chuyện điều hành giá xăng, dầu, than, điện được 13 đại biểu Quốc hội đặt ra, ông Huệ khẳng định, nguyên tắc điều hành là kiên trì theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Điều đó có nghĩa là tôn trọng quyền định giá, hạch toán giá của doanh nghiệp, đảm bảo mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có lãi nhất định khi kinh doanh. Đặc biệt là về điện, nếu không làm được điều này sẽ không thu hút được đầu tư và chuyện thiếu điện là điều rất dễ xảy ra.

Cơ chế thị trường nghĩa là không bao cấp, không cho bù giá và bù chéo. Nhưng hiện nay, theo ông Huệ, giá điện vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép và xi măng. Theo kiểm toán Nhà nước, điện dùng cho sản xuất xi măng và thép năm 2010 chiếm 11% tổng lượng điện tiêu thụ, đạt 9,982 tỉ kWh. Giá bán ở mức 914 đồng/kW. Ngành điện đã bao cấp chéo 2.547 tỉ đồng. Điều đáng nói là trong số các doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng được hưởng lợi từ việc bao cấp này, lại có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 543 tỉ đồng. Vậy nên mới có chuyện các doanh nghiệp tận dụng giá điện rẻ, nhập phôi về để sản xuất thép rồi xuất đi nước ngoài.

Petrolimex lãi 3 năm liên tiếp

Riêng về giá xăng dầu, ông Huệ cho biết chưa có kết luận kiểm tra cuối cùng ở 4 doanh nghiệp xăng dầu nên chưa công bố chi tiết vì các đơn vị này đang giải trình. Tuy nhiên ông dẫn lại những thông tin của công ty kiểm toán quốc tế Deloitte cho biết năm 2008, 2009 , 2010 Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex) đều có lãi từ kinh doanh. Năm nay dự kiến lỗ vì phải bình ổn giá chỉnh tỉ giá (mỗi tháng Petrolimex cần 500 triệu đô la để nhập khẩu xăng dầu).

“Nếu doanh nghiệp xăng dầu thực hiện đúng chi phí định mức 600 đồng/lít thì họ có lãi kinh doanh xăng dầu song kiểm tra cho thấy họ thực hiện không đúng những quy định này, chủ yếu tính chi phí đại lý cao hơn”, ông Huệ nói.

Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì nói là Petrolimex luôn lỗ xăng dầu. Hai bộ trưởng cũng có quan điểm trái ngược nhau khi ông Huệ phê bình Petrolimex chưa thực hiện nghiêm việc tiết kiệm chi thường xuyên 10% như yêu cầu của Chính phủ. Trong khi đó ông Hoàng nói Petrolimex đã tiết kiệm chi thường xuyên hàng trăm tỉ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã giải trình thay cho EVN về vấn đề thu nhập 7,3 triệu đồng/tháng trong khi tình hình sản xuất kinh doanh luôn thua lỗ và đầu tư ngoài ngành. Không nói thẳng ra nhưng những giải trình của ông Hoàng nhằm đáp lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã nói với báo giới cách đây 2 ngày rằng sẽ kiểm tra lại vấn đề lương ở EVN.

Ông Hoàng dẫn ra văn bản của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phê duyệt đơn giá và quỹ tiền lương năm 2010. “EVN không quy định được”, ông tỏ thái độ. Và khuyến cáo rằng khi phát biểu lương hay thu nhập cao hay thấp phải so sánh với mức bình quân của người lao động trong cả nước, so sánh với cùng loại hình sản xuất kinh doanh và cùng khu vực doanh nghiệp.

Ông Hoàng nói trong 7,3 triệu đồng/tháng của cán bộ EVN có 1,9 triệu đồng là phụ cấp độc hại được nhà nước quy định.

Tuy nhiên các đại biểu vẫn không đồng tình với ông Hoàng và cho rằng kinh doanh có lãi mà lương cao là bình thường nhưng doanh nghiệp lỗ mà lương vẫn cao khiến người dân búc xúc.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới