Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá điện vừa kinh tế thị trường, vừa hỗ trợ được hộ nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá điện vừa kinh tế thị trường, vừa hỗ trợ được hộ nghèo

Đặng Đình Cung (*)

(TBKTSG) – Chính phủ Việt Nam có chính sách miễn phí 30 kWh/tháng cho các hộ nghèo, nhưng không biết việc lên danh sách các hộ nghèo này được làm như thế nào. Trong bài này, tôi xin đề nghị một mô hình tính giá điện vừa kinh tế thị trường vừa hỗ trợ được cho các hộ nghèo dễ hiểu hơn.

Giá điện vừa kinh tế thị trường, vừa hỗ trợ được hộ nghèo
Theo định luật 20-80 của Pareto thì trong đó sẽ có 80% các hộ tiêu thụ tổng cộng 20% lượng điện gia dụng, và 20% các hộ tiêu thụ 80% lượng điện còn lại. Ảnh: THÀNH HOA

Trong kinh tế thị trường, giá một sản phẩm hay dịch vụ là kết quả của sự dung hòa giữa lợi ích của bên mua và bên bán. Để đạt được mức thỏa thuận này thì hai bên phải có thì giờ thương lượng cộng với khả năng tính toán về kinh tế, điều mà một cá nhân thường không có.

Do đó, kinh tế thị trường thuần túy chỉ dành cho những doanh nghiệp. Còn đối với tư nhân và người kinh doanh dưới dạng cá thể nhỏ thì Nhà Nước, với trách nhiệm bảo hộ dân, phải trực tiếp can thiệp bằng cách quy định tiêu chuẩn về chất lượng và giá cả.

Nội dung bài viết này giới hạn ở thị trường điện bán cho tư nhân và người kinh doanh dưới dạng cá thể nhỏ. Thống kê quốc tế gọi loại thị trường điện đó là điện gia dụng.

Diễn biến thị trường của một sản phẩm thường dao động tương đối tỷ lệ nghịch với giá bán của sản phẩm đó. Khi giá tăng thì thị trường thu hẹp và, ngược lại, khi giá giảm thì thị trường mở rộng. Tỷ lệ đó gọi là chỉ số đàn hồi (elasticity coefficient). Điện là một sản phẩm không có chỉ số đàn hồi. Suy ra giá điện không ảnh hưởng gì đến thị trường điện. Điện giá 1.000 đồng hay 5.000 đồng mỗi kWh thì cũng phải mua điện, chí ít để buổi tối có đèn, có quạt cho con cái ôn bài.

Trong số những định luật của kinh tế thị trường thì có bốn định luật liên quan đến đề tài của bài này: (a) một doanh nghiệp nghiệp phải ít nhất cân bằng thu và chi để tiếp tục kinh doanh; (b) nếu doanh nghiệp cứ bội chi thì một ngày nào đó sẽ phá sản; (c) Nhà nước không có trách nhiệm can thiệp để cứu một doanh nghiệp trên bờ phá sản; (d) một nhà đầu tư (một nhà tư bản) chỉ đầu tư vào một doanh nghiệp “bội thu” tối đa để có tối đa lợi nhuận.

Theo định luật (d) thì người dân phải trả tiền điện nhiều hơn là cần thiết, suy ra từ định luật (a) về cân bằng thu – chi. Do đó, khi Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường điện gia dụng thì: Nhà nước nắm độc quyền bán điện gia dụng chứ không ủy quyền cho nhà kinh doanh thuần túy. Cơ quan hay doanh nghiệp độc quyền này phải có một biểu giá nhằm lúc nào cũng cân bằng thu nhập với tất cả chi tiêu.

Cụ thể thì biểu giá này được xét lại mỗi năm một lần và dựa trên: dự báo lượng điện năm tới sẽ phải cung cấp cho dân; tất cả chi tiêu để tự sản xuất, mua của các doanh nghiệp khác hay nhập khẩu từ nước láng giềng lượng điện đó; cộng với vốn phải ứng ra trong năm đó để tiếp tục thực hiện những dự án mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Cơ quan hay doanh nghiệp độc quyền đó có thể là một công ty con của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá bán trung bình được xác định dựa trên tất cả chi phí Nhà nước sẽ phải chi ra cho năm tới để có điện cung cấp cho dân và để tiến hành những dự án đã khởi công.

Thông thường, người ta sẽ ưu tiên khai thác những nguồn điện năng có chi phí sản xuất rẻ nhất và hiệu quả về môi trường rồi lần lượt, khi nhu cầu tăng, thì dùng những nguồn đắt hơn. Ví dụ, ưu tiên khai thác thủy điện, sau đó là điện gió và điện mặt trời rồi đến điện sản xuất từ năng lượng hóa thạch. Ở khung giờ cao điểm thì phải dùng thêm những nguồn điện đắt tiền, còn ở khung giờ thấp điểm thì có thể dùng nguồn có chi phí sản xuất rẻ hơn để giảm thiểu giá thành trung bình.

Vì vậy, ở khung giờ cao điểm cần bán điện với giá cao và ở thấp điểm thì có thể bán với giá rẻ hơn so với giá thành trung bình hàng năm để khuyến khích người tiêu dùng, doanh nghiệp chuyển nhu cầu về phía thấp điểm. Đồng thời, giá bán điện cũng có thể được điều chỉnh để phục vụ cho chương trình hỗ trợ tiền điện cho những hộ nghèo nhất của Chính phủ.

Trong kinh tế thị trường, để mở rộng thị phần, thì các doanh nghiệp thường hạ giá bán sản phẩm hay dịch vụ để khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn. Ngược lại, để khuyến khích người dân chọn lối sống dè sẻn thì giá bán sản phẩm, dịch vụ phải tăng khi người tiêu dùng muốn mua thêm. Nguyên tắc này có thể thể hiện trong thang biểu giá điện gia dụng. Người giàu trả nhiều, người nghèo trả ít hay được miễn.

Giàu nghèo là những khái niệm chủ quan, không thể dựa vào đó để đề ra một chính sách công bằng. Có người nghèo dùng nhiều điện và có người giàu dùng ít điện. Nhưng đó là những tình huống hiếm hoi.

Nói chung thì người nghèo có ít khả năng mua thiết bị chạy bằng điện nên dùng ít điện và người giàu có nhiều khả năng hơn nên dùng nhiều điện hơn. Người nào có khả năng, dùng nhiều điện thì trả đắt một chút để cho những người có ít khả năng hơn có thể mua điện với giá phù hợp với túi tiền của họ. Xếp các hộ dân vào diện nghèo hay giàu và có chính sách thích hợp là việc của ủy ban nhân dân các địa phương.

Việc của EVN là thiết lập một thang biểu giá cân bằng thu – chi theo yêu cầu của Chính phủ. EVN chỉ cần tính giá điện theo lượng điện mỗi hộ mua chứ không phải đòi xem chứng minh khách hàng thuộc diện nào.

Giả dụ tất cả các hộ ở Việt Nam tiêu thụ 70 tỉ kWh điện gia dụng mỗi năm và giá điện trung bình tính theo phương pháp mô tả ở phần trên là 2.000 đồng/kWh, thì EVN sẽ thu được 140.000 tỉ đồng/năm. Theo định luật 20-80 của Pareto thì trong đó sẽ có 80% các hộ tiêu thụ tổng cộng 20% lượng điện gia dụng, và 20% các hộ tiêu thụ 80% lượng điện còn lại.

Nếu Chính phủ quyết định 80% hộ được mua điện với giá bằng một nửa giá điện trung bình (1.000 đồng/kWh), thì số tiền EVN thu về mỗi năm từ việc bán điện cho những hộ này là 14.000 tỉ đồng. Để cân bằng thu – chi, EVN có thể thiết lập các bậc thang giá bán điện cho 20% số hộ còn lại theo hướng cao dần để bù được con số 126.000 tỉ đồng còn thiếu.

Chẳng hạn như ở bậc thang đầu, với số điện tiêu thụ bằng với mức tiêu thụ bình quân của 80% số gia đình dùng ít, thì áp dụng mức giá 1.000 đồng/kWh, nếu vượt ngưỡng này thì giá sẽ tăng dần. Làm như vậy là để khi mức tiêu thụ đạt đến một ngưỡng nào đó, giả dụ là 400 kWh là mức áp dụng bậc thang giá đắt, thì nó cũng có ý nghĩa như sự cảnh báo người tiêu dùng rằng họ bắt đầu tiêu thụ nhiều đấy và kể từ cái ngưỡng đó EVN phải dùng đến những nguồn điện có chi phí sản xuất cao.

Đồng thời, áp dụng cơ chế giá bậc thang với mức giá như nhau cho mức tiêu thụ bình quân tối thiểu như vậy cũng là để khách hàng sử dụng nhiều điện không cảm thấy bị đối xử bất công.

Tất nhiên, các con số tính toán nêu trên chỉ là giả định và có ý nghĩa tương đối. Bộ Công Thương có thể căn cứ vào tình hình tiêu thụ điện thực tế của các nhóm hộ, để từ đó đưa ra biểu giá phù hợp theo tinh thần của ví dụ trên, trong đó có thể có 2-3 bậc thang giá, nhưng không nên quá nhiều bậc thang vì nhiều quá thì tính toán phức tạp và khó giảng nghĩa để thuyết phục người dân.

(*) Kỹ sư tư vấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới