Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá đường có thể tăng vào cuối năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá đường có thể tăng vào cuối năm

Nguyễn Quốc Huân

(TBKTSG) – Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu bao gồm 55 loại hàng hóa đã tăng từ mức 231,4 điểm lên tới 233,8 điểm trong tháng 5 và đang có xu hướng tiệm cận mức kỷ lục 237,7 được thiết lập vào tháng 2-2011. FAO cũng nhận định giá cả các loại thức ăn, thực phẩm có thể sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài năm tới.

Theo ước tính của FAO, tốc độ tăng trưởng sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm xuống chỉ còn 1,7%/năm đến năm 2020, so với mức tăng trưởng bình quân 2,6% trong thập kỷ trước.

Sự tăng giá của các loại hàng hóa, đặc biệt là đường, sản phẩm sữa và thịt đã đẩy chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng cao, gây thêm áp lực lạm phát đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Riêng chỉ số giá đường của FAO đã tăng 15%, lên mức 357,7 điểm trước thông tin sản lượng đường tại Brazil sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA), sản lượng đường ép trong vụ mùa 2011-2012 của Brazil dự kiến chỉ đạt 535 triệu tấn, thấp hơn 40 triệu tấn so với dự báo trước đây và thấp hơn so với vụ mùa năm trước 557 triệu tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15-6-2011, sản lượng đường trong vụ mùa 2010-2011 đạt 1,138 triệu tấn, tăng hơn 252.000 tấn so với vụ mùa trước, có thời điểm đã tạo nên tình trạng dư thừa đường cục bộ.

Tuy nhiên, giá đường bán lẻ trong nước vẫn duy trì ở mức cao trong suốt thời gian qua (xem đồ thị). Trong khi đó, giá bán sỉ tại các nhà máy có lúc đã giảm xuống mức 16.000 đồng/ki lô gam trong quí 2 và sau đó đã phục hồi dần, hiện đang ở mức khá ổn định 18.000-18.500 đồng/ki lô gam.

Sự phục hồi của giá đường tại Việt Nam có sự góp phần không nhỏ bởi sức mua của Trung Quốc. Theo thống kê không chính thức, với mức xuất khẩu 2.000-3.000 tấn đường/ngày, trong suốt quí 2-2011 đã có khoảng 150.000 tấn đường được vận chuyển qua biên giới phía Bắc. Đây được xem là nguyên nhân lớn nhất có thể gây thiếu hụt lượng cung đường trên thị trường nội địa trong các tháng còn lại của năm 2011.

Ở Việt Nam, theo tính chất mùa vụ, quí 3 và quí 4 sẽ là thời điểm nhu cầu tiêu thụ đường tăng cao nhất nhằm phục vụ việc sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu và sau đó là Tết Nguyên đán. Thống kê những năm trước, lượng đường tiêu thụ trong các tháng cuối quí 3 và quí 4 bình quân khoảng 100.000-120.000 tấn/tháng, như vậy nhu cầu đường cho các doanh nghiệp trong nước đến khi vụ mùa mới 2011-2012 bắt đầu (tháng 12-2011) ước tính khoảng 500.000-600.000 tấn đường.

Trong khi đó, theo thông báo mới nhất của Hiệp hội Mía đường và Bộ Công Thương, lượng hàng tồn kho hiện nay tại các nhà máy ở mức 346.700 tấn, lượng quota chưa nhập khẩu 168.000 tấn, tổng cộng khoảng 514.700 tấn để phục vụ nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, hiện tại không có cơ quan nhà nước nào thống kê chính xác lượng đường vào và ra tại thị trường Việt Nam, tạo nên tình trạng lượng đường tồn kho nội địa biến động liên tục, gây khó khăn cho việc hoạch định lượng đường tồn kho để phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp trong nước vào dịp cuối năm. Với quy mô khá nhỏ của thị trường Việt Nam, nếu đường thành phẩm tiếp tục xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc như trong thời gian qua, nguy cơ giá đường nội địa sẽ tăng cao trong các tháng còn lại của năm 2011 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong bối cảnh giá đường thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng giá đường nội địa sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2011. Nhằm góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, kiềm chế lạm phát, rất có thể Nhà nước và các doanh nghiệp sẽ phải quay lại nhập khẩu đường vào thời điểm quí 4-2011, bất chấp giá thế giới thời điểm đó có thể sẽ cao hơn hiện nay, bởi lượng đường rất lớn đã “chảy” sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch suốt thời gian qua.

Theo ước tính, với mức giá giao dịch hiện nay tại sàn giao dịch hàng hóa London, tổng chi phí dự kiến để nhập hết hạn ngạch 168.000 tấn đường còn lại của năm 2011 sẽ lên tới khoảng 120 triệu đô la Mỹ. Điều này có thể dẫn tới tình trạng nhập khẩu lạm phát, gây khó khăn hơn cho chính sách ổn định đời sống kinh tế – xã hội của Chính phủ trong dịp cuối năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới