Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá gạo thế giới tăng do dự báo cao về mức cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá gạo thế giới tăng do dự báo cao về mức cầu

Trung Chánh

Giá gạo thế giới tăng do dự báo cao về mức cầu
Thương mại gạo thế giới suy giảm, nhưng giá xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Cho dù nhu cầu về gạo trong những tháng đầu năm tăng yếu, giá chào bán gạo của một số nước xuất khẩu chủ lực vẫn tăng khá do tình hình hạn hán ảnh hưởng đến năng suất và những dự báo về mức cầu sẽ gia tăng trong thời gian tới, theo một báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố.

Cụ thể, báo cáo của VFA cho biết trong ba tháng đầu năm 2016, thương mại gạo của 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan và Mỹ đạt trên 11,9 triệu tấn, tăng chỉ 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan dẫn đầu đạt trên 3,7 triệu tấn, tăng 30,75%; Ấn Độ đạt trên 3,2 triệu tấn, giảm trên 20%; Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, tăng 14,94%; Pakistan đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 14,94% và Mỹ đạt trên 1 triệu tấn, giảm 9,82% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo một nguồn tin TBKTSG Online có được, tính đến ngày 10-5-2016, thương mại gạo của năm nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nêu trên đạt trên 12,5 triệu tấn, nhưng mức tăng giảm xuống chỉ còn 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Thái Lan đạt trên 3,9 triệu tấn, với mức tăng giảm xuống còn 27,48%; Ấn Độ đạt trên 3,4 triệu tấn, giảm 19,93%; Việt Nam đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng chỉ còn 9,34%; Pakistan đạt trên 1,8 triệu tấn, tăng 13,74% và Mỹ đạt trên 1,1 triệu tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Thương mại gạo thế giới tăng yếu được lý giải là do nhu cầu vẫn chưa đáng kể và rõ nét từ những nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia… Thế nhưng, giá bán gạo ở một số nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam vẫn trong xu hướng “tăng nhiệt”.

Cụ thể, đối với Thái Lan, nếu như ngày 6-5-2016, giá gạo chất lượng cao (5% tấm) được chào bán ở mức 395 đô la Mỹ/tấn, thì đến ngày 13-5 đã đạt mức 420 đô la Mỹ/tấn; gạo chất lượng trung bình (15% tấm) ngày 6-5 là 380 đô la Mỹ/tấn, thì đến ngày 13-5 là 395 đô la Mỹ/tấn và loại 25% tấm được chào bán lần lượt là 375 đô la Mỹ/tấn và 390 đô la Mỹ/tấn vào các ngày đề cập ở trên.

Đối với Ấn Độ, trong cùng các mốc thời điểm nêu trên, giá gạo 5% tấm được chào bán tăng từ 370 đô la Mỹ/tấn lên 375 đô la Mỹ/tấn; gạo 15% tấm tăng từ 355 đô la Mỹ/tấn lên 360 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm tăng từ 335 đô la Mỹ/tấn lên 345 đô la Mỹ/tấn. Tương tự, mức giá chào bán gạo các loại của Pakistan cũng tăng 5 đô la Mỹ/tấn.

Riêng đối với Việt Nam, theo VFA, trong tháng 4-2016, giá xuất khẩu gạo bình quân của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt 467,54 đô la Mỹ/tấn, tăng 65,67 đô la Mỹ/tấn so với tháng 3-2016.

Giá xuất khẩu trong xu hướng tăng, theo VFA, chủ yếu do nguồn cung ở những nước xuất khẩu bị hạn chế do sản lượng sụt giảm trong vụ thu hoạch chính xuất phát từ tác động của hiện tượng El Nino.

“Bên cạnh đó, nhu cầu tiềm năng từ các thị trường tập trung trong thời gian tới, bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc đã tác động đến giá chào từ các nguồn cung cấp này”, báo cáo của VFA cho biết.

Cụ thể, đối với Philippines, báo cáo mới nhất của VFA, cho thấy dự kiến quốc gia này sẽ nhập khẩu trở lại sau bầu cử trong tháng 5-2016 với chính phủ mới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo Philippines sẽ nhập khẩu lên đến 1,8 triệu tấn trong năm 2016.

Cũng theo dự báo của USDA, trong năm 2016, Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu tương đương với khối lượng của năm 2015, tức đạt khoảng 5 triệu tấn.

Theo VFA, trong 4 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 33,23% tổng khối lượng xuất khẩu gạo chính ngạch trong khoảng thời gian này là gần 1,9 triệu tấn (số liệu xuất khẩu do VFA thống kê), tăng 25,63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Indonesia, báo cáo của VFA, cho biết giá cả thị trường trong nước của quốc gia này vẫn ổn định và đang chờ đánh giá vụ mùa sau thu hoạch vào tháng 6-2016, cho nên, chưa có kế hoạch nhập khẩu. Thế nhưng, thông thường nước này sẽ nhập khẩu từ quí 3 và USDA dự báo năm 2016 Indonesia sẽ nhập khẩu đến 2 triệu tấn. Vì vậy, đây cũng là một tín hiệu tốt đối với các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, trong đó, có Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới