Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Giá gạo xuất khẩu khó có thể tăng!”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Giá gạo xuất khẩu khó có thể tăng!”

Thùy Dung thực hiện

Ông Trương Thanh Phong – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Giá xuất khẩu gạo bình quân trong những tháng đầu năm khá thấp so với cùng kỳ năm trước, và trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo trên thế giới đang dồi dào thì giá xuất khẩu gạo khó có thể bứt phá.

Đây là nhận định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khi trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online bên lề hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2012, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc bộ năm 2013 diễn ra ngày 26-3 tại Hà Nội.

TBKTSG Online: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm đạt 1,38 triệu tấn, trị giá 616 triệu đô la Mỹ, tuy tăng 34,3% về lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là giá xuất khẩu bình quân 2 tháng chỉ đạt 450 đô la Mỹ/tấn, giảm tới 14% so với cùng kỳ. Tại sao giá xuất khẩu lại giảm như vậy và ông có dự báo gì về diễn biến xuất khẩu gạo năm nay?

– Ông Trương Thanh Phong: Chúng ta cần xác định sản xuất nông nghiệp không ổn định, và không ổn định ở tất cả các nước trên thế giới. Chính vì tính không ổn định trong sản xuất nên tiêu thụ sản phẩm nông sản cũng không ổn định theo.

Hiện cung trên thị trường lúa gạo đang rất lớn. Ví dụ, riêng Ấn Độ, họ chỉ cần dự trữ 14 đến 15 triệu tấn là có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng hiện Ấn Độ đang có 35 triệu tấn gạo tồn kho.

Hay như Thái Lan, nước láng giềng của Việt Nam, hiện quốc gia này cũng có 14 triệu tấn lưu kho và dự kiến vụ thu hoạch tới Thái Lan có thể đạt 12 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo. Như vậy, Thái Lan cũng có thể cung ứng lượng gạo lớn cho xuất khẩu.

Thái Lan vẫn áp dụng chính sách thu mua hết lúa gạo giá cao cho nông dân. Như vậy muốn mua gạo mới thì họ phải bán gạo trong kho để lấy tiền mua gạo mới cho nông dân. Nếu như vậy thì không biết giá gạo sẽ như thế nào.

Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, theo tôi giá gạo xuất khẩu khó có thể tăng. Còn nếu Việt Nam tăng giá quá cao thì sẽ khó cạnh tranh được với các nước khác nên năm nay thu nhập của người nông dân sẽ thấp hơn năm 2012.

Đây là tình hình chung nên vụ hè thu sắp tới nếu Thái Lan không bán gạo trong kho ra thì các doanh nghiệp Việt Nam còn có cửa làm ăn, còn nếu nước này bán ra thì các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ rất vất vả.

Vừa rồi Bộ Công Thương đã cấp cho 100 doanh nghiệp giấy phép xuất khẩu gạo. Vậy hiện nay đã có thêm doanh nghiệp nào được cấp phép, thưa ông?

– Đây không thuộc phạm vi của VFA nhưng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT vẫn tiếp tục xem xét những hồ sơ đã nộp. Những doanh nghiệp đã đầu tư nhiều, công suất lớn, quan điểm của các bộ là vẫn nghiên cứu những trường hợp này.

Năm 2012 có tới 144 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong đó có 71 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đã chiếm tới 91% tổng kim ngạch. Nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp đã vay tiền và đầu tư lớn quá thì nên xem xét cho các doanh nghiệp này. Còn từ nay trở đi thì theo tôi, các doanh nghiệp đừng đầu tư thêm mà gây lãng phí.

Như thế sẽ dẫn đến việc mua bán giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng này thưa ông?

– Hiện nay vẫn chưa có hiện tượng này xảy ra. Có một số trường hợp các doanh nghiệp chưa có giấy phép thì nhờ những doanh nghiệp có giấy phép ủy thác xuất khẩu chứ chưa có hiện tượng mua bán giấy phép này.

Ông có thể cho biết việc thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng (từ ngày 20-2 đến 31-3) diễn ra như thế nào?

– Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc thu mua tạm trữ và giá lúa rất tốt, và tôi cho rằng vụ đông xuân này chúng ta không phải lo nữa. Kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn lúa và kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp đã cơ bản ổn định rồi. Cái lo hiện nay là cho vụ hè thu sắp tới.

Tính đến ngày 25-3, hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt 3,5 triệu tấn, trong đó đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn, tăng lần lượt hơn 20% và hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tuy khó khăn vẫn còn nhưng lượng xuất khẩu vẫn tăng. Trong số 3,5 triệu tấn gạo đã ký này chủ yếu là hợp đồng thương mại, hợp đồng tập trung chỉ chiếm 14%. Ngoài Trung Quốc, châu Phi hiện đang là thị trường tiềm năng của nước ta vì giá xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn Ấn Độ, khoảng 30 đô la Mỹ/tấn.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới