Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá gas: Tăng dễ giảm khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá gas: Tăng dễ giảm khó

Minh Tâm

Giá gas duy trì ở mức cao gây khó cho người tiêu dùng. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Từ 1-8, giá gas bán lẻ trong nước lại tăng thêm 8.000 đồng/bình 12 kg, lên mức 365.000 – 370.000 đồng/bình sau hai tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, căn cứ vào mức tăng giảm của giá thế giới thì mức điều chỉnh giá gas trong nước là chưa tương xứng, tăng thì nhiều mà giảm thì nhỏ giọt.

Chị Hồng Phương, ngụ tại đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú dẫn lại “lược sử” của giá gas trong 4 tháng gần đây để làm căn cứ cho nhận định trên. Theo chị, cao điểm là hồi đầu tháng 5, các công ty kinh doanh gas trong nước lấy lý do giá gas trên thị trường thế giới tăng mạnh thêm 87,5 đô la Mỹ/tấn so với giá giao trong tháng 4, lên mức 970 đô la Mỹ/tấn nên đã tăng giá bán lẻ thêm 30.000 đồng/bình 12, lên mức 380.000 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Sang tháng 6 và 7, giá gas trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh nhưng các công ty trong nước chỉ giảm “chút đỉnh”. Cụ thể, tháng 6 giá hợp đồng (giá CP) giảm 80 đô la Mỹ về mức 890 đô la Mỹ/tấn, nhưng giá trong nước giảm phổ biến ở mức 15.000 đồng. Tiếp đó, tháng 7 giá CP giảm thêm 55 đô la Mỹ, về mức 835 đô la thì giá bán lẻ trong nước giảm 10.000 đồng.

“Đem so sánh các con số là thấy rõ sự bất hợp lý. Giá gas trên thế giới tăng 90 đô la, các công ty tăng một mạch 30.000 đồng. Đến khi giá gas thế giới giảm 80 đô la, gần xấp xỉ với mức tăng thì mức giảm chỉ bằng phân nửa mức tăng. Tháng 7, tình hình cũng tương tự. Đến tháng 8 này, giá CP tăng 25 đô la thì ngay lập tức giá trong nước tăng tiếp 8.000 đồng. Sao kỳ cục vậy? Tăng thì nhiều mà giảm lại có vẻ khó vậy?”, chị Phương nêu câu hỏi.

Một thắc mắc được nhiều người đặt ra nữa là: gas là mặt hàng phải đăng ký giá với cơ quan quản lý trước mỗi lần điều chỉnh tăng giảm theo Thông tư 122/2010/TT-BTC, cùng một số mặt hàng khác như sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giấy viết, thức ăn chăn nuôi… nhưng tại sao tần suất tăng, giảm giá trong thời gian qua lại dày đặc và có vẻ cơ quan quản lý không có ý kiến gì.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh ở mặt hàng này thừa nhận, mức giảm của giá bán lẻ trong nước thời gian qua nếu chỉ nhìn vào giá CP thì thấy đúng là chưa tương ứng với mức giảm của giá thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh, điều này lại hợp lý.

Theo đại diện Saigon Petro, chủ sở hữu của thương hiệu gas SP, lấy ví dụ ở tháng 6, giá CP giảm tới 80 đô la Mỹ/tấn nhưng Premium, một yếu tố tính giá bên cạnh giá CP (bao gồm các chi phí như vận chuyển, giao hàng)… lại duy trì ở mức cao, tăng từ 20 – 30 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước đó. Tính chung ra, giá thế giới tháng 6 chỉ giảm chừng 50 đô la Mỹ/tấn. “Các công ty trong nước giảm 15.000 đồng là hợp lý”, ông này nói.

Đến tháng 7, khi mức giảm trong nước cũng có vẻ ít hơn mức giảm của thế giới, các doanh nghiệp cho rằng do nhà máy lọc dầu Dung Quất ngưng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ, nhiều đơn vị nhập khẩu phải mua thêm hàng ngoài những hợp đồng dài hạn đã ký nên phải chịu giá cao. Thành thử, mức giảm giá cho người tiêu dùng không được nhiều như mong đợi.

Theo một đại diện doanh nghiệp có thị phần khá lớn không muốn nêu tên, nguyên nhân của tình trạng trên còn nằm ở chỗ, các doanh nghiệp đang tranh thủ lấy lời, bù cho thời gian lỗ dài trước đó do cạnh tranh giành thị phần. “Trước tháng 5, thú thật là nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas lỗ vì cạnh tranh gay gắt. Sau tháng 5 mới bắt đầu vớt vát lại được chút ít. Tháng 6, tháng 7 giảm không tương ứng với mức giảm của thế giới là để cân đối lợi nhuận”, người này nói.

Về vấn đề đăng ký giá gas theo quy định, theo các doanh nghiệp, quy trình thực hiện như sau: trước thời điểm tăng hoặc giảm giá, các công ty sẽ gửi công văn tới cơ quan chức năng (Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính hoặc Ban vật giá – Sở Tài chính, tùy theo quy định về quản lý) bằng đường fax, thông báo về việc chuẩn bị điều chỉnh giá. Công văn này giải thích lý do tăng hoặc giảm với các thông tin giá tạm tính. “Ngày cuối cùng của mỗi tháng, giá hợp đồng mới được công bố. Đến thời điểm này chúng tôi mới có thể tính toán được giá bán của gas trong tháng tới, qua đó quyết định tăng hay giảm. Thời gian gấp, chỉ có thể gửi bằng fax để thông báo cho cơ quan quản lý biết”, đại diện một công ty nói.

Cũng theo các công ty, trong suốt thời gian áp dụng chính sách trên, hầu như chưa lần nào họ bị cơ quan quản lý giá phản hồi ngay lập tức mà chủ yếu là kiểm tra định kỳ sau đó.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TPHCM lý giải, do giá gas phụ thuộc vào giá thế giới nên nếu kéo dài thời gian tiếp nhận, thẩm định và phản hồi văn bản đăng ký giá sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt. Do đó, Bộ Tài chính đã cho phép cơ quan quản lý giá cứ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và sẽ tiến hành hậu kiểm.Theo ông Chiến, Sở Tài chính TPHCM hiện là cơ quan tiếp nhận thông báo đăng ký giá của 5 công ty kinh doanh gas trên địa bàn. Và trong suốt thời gian vừa qua, qua công tác hậu kiểm, chưa phát hiện trường hợp nào tăng hoặc giảm giá bất hợp lý.

Ông Chiến cho rằng, nói mức giảm tương ứng hay không cũng chỉ là tương đối. Giá trong nước sẽ giảm khi giá nguyên liệu đầu vào giảm. Tuy nhiên, có thể những lúc giá giảm, doanh nghiệp bổ sung thêm các chi phí như tăng lương nhân viên, tăng cước vận chuyển, điều chỉnh lợi nhuận. “Do vậy, nếu mức điều chỉnh lệch nhau 1-2%, ví dụ giá thế giới giảm 5% mà giá trong nước tính ra chỉ giảm 4% thôi thì chúng tôi vẫn chấp nhận, du di cho doanh nghiệp. Chỉ khi có bất thường, cơ quan quản lý giá mới can thiệp. Gas là mặt hàng đặc thù, biến động liên tục và phụ thuộc vào giá thế giới, lại cạnh tranh nhiều nên cũng không thể quá căn ke”, ông Chiến nói.

Giá gas chưa rõ xu hướng

Nhận định về giá gas trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp tỏ ra dè rặt vì diễn biến giá năm nay khác với quy luật thông thường. Theo các doanh nghiệp, thông thường, giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu và tháng 4 thường là giảm giá nhưng năm nay giá lại tăng. Do vậy, diễn biến trong các tháng tiếp theo vẫn “chưa biết nói sao”.

Ở thời điểm hiện tại, đại diện doanh nghiệp cho biết nguồn cung ổn định, hàng hóa không thiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới