Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gia hạn lần 2 điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ sản phẩm đường mía

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Công Thương vừa quyết định gia hạn lần thứ 2 thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng.

Gia hạn lần 2 điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ sản phẩm đường mía. Trong ảnh là thu hoạch mía. Ảnh minh hoạ: TL

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng.

Trước đó, vào tháng 9-2021, Bộ Công Thương đã chính thức điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định được đưa ra lúc bấy giờ do đường từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đi “đường vòng” qua 5 nước ASEAN (gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar).

Quyết định nêu trên của Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất đường mía trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình điều tra, Bộ này nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan về các khía cạnh của vụ việc.

Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21-7-2022.

Lần gia hạn điều tra đầu tiên trong vụ việc này được Bộ Công thương thực hiện từ tháng 3-2022 và kết thúc vào ngày 21-5-2022.

Quyết định điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu bắt nguồn từ việc tháng 2-2021, Bộ áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Đến 15-6-2021, Bộ ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức với mức thuế 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

Số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10-2020 đến tháng 6-2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.

Cụ thể lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.

Ngay sau khi lượng đường nhập khẩu từ một số nước ASEAN (ngoài Thái Lan) có dấu hiệu gia tăng, Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan đã chủ động tham vấn, hỗ trợ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước thu thập thông tin, số liệu, xây dựng Hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía.

Quá trình thu thập thông tin, số liệu trong vụ việc này hiện vẫn đang được ngành chức năng tiếp tục thực hiện.

Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quí 1-2022 đã ghi nhận đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar) vào Việt Nam đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quí 1-2022 đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến (mức tăng từ 187.251 tấn năm 2021 lên 391.468 tấn năm 2022, tức tăng 209%), từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Số lượng nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng Hiệp định ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới