Thứ Tư, 29/03/2023, 11:56
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giá hàng hóa tiếp tục giảm xuống các mức thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá hàng hóa tiếp tục giảm xuống các mức thấp

Phúc Minh

Giá hàng hóa tiếp tục giảm xuống các mức thấp
Chỉ số Bloomberg Commodities đo lường diễn biến của thị trường hàng hóa chạm mức thấp nhất 13 năm vào ngày 20-7. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Làn sóng bán tháo trên thị trường hàng hóa không có dấu hiệu dừng lại sau khi chỉ số Bloomberg Commodities – đo lường diễn biến của thị trường hàng hóa – tiếp tục trượt dốc sau khi chạm mức thấp nhất 13 năm vào ngày 20-7, thấp hơn cả mức đáy của thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay khủng hoảng nợ khu vực đồng euro (eurozone) năm 2012.

Từ vàng, đồng, dầu đến đường… rất ít hàng hóa có thể thoát được kịch bản lao dốc, xuất phát từ mối lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và đô la Mỹ tăng giá.

Giá vàng gần mức thấp nhất 5,5 năm qua

Sau khi giảm tuần thứ năm liên tiếp và giảm tổng cộng 4,1% vào tuần trước, ngày 27-7 tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm 0,6% so với cuối tuần qua, xuống còn 1.092,36 đô la Mỹ/ounce – gần mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi qua – do thị trường nhận định giá vàng sẽ còn giảm hơn nữa khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, giá vàng dự báo sẽ chật vật từ nay đến cuối năm.

Các quỹ đầu cơ đang bi quan về vàng nhất kể từ năm 2006. Trong bối cảnh giá vàng đi xuống, lượng nắm giữ vàng của Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã giảm 7 ngày liên tiếp vào ngày 27-7, xuống còn 21,87 triệu ounce – mức thấp nhất kể từ tháng 9-2008.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Đức cũng đã cắt giảm lượng nắm giữ vàng 2,395 tấn vào tháng trước, trong khi Nga và Kazakhstan tiếp tục mua thêm để dự trữ.

Giá dầu chạm mức thấp nhất 4 tháng

Giá dầu thô kỳ hạn chạm mức thấp nhất 4 tháng vào nggày 27-7, với giá dầu thô WTI giao tháng 9-2015 còn 47,39 đô la Mỹ/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 9-2015 còn 53,47 đô la Mỹ/thùng. Tuần trước, giá dầu thô WTI giảm 5,4%, tuần thứ tư liên tiếp giảm. Từ mức đỉnh trong tháng 6-2015, giá dầu thô WTI đã giảm hơn 20%.

Giới đầu cơ đang tháo chạy khỏi thị trường dầu do mất dần niềm tin vào khả năng hồi phục của giá dầu. Theo số liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC), trong vòng 7 ngày tính đến ngày 21-7, số hợp đồng đầu cơ giá lên tại thị trường Mỹ giảm 5,2%, xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Sản lượng dầu của Mỹ vẫn ở gần mức cao nhất 40 năm, trong khi các nước thành viên lớn nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Ả-rập Saudi đang khai thác dầu với sản lượng kỷ lục… khiến thị trường dầu tiếp tục thừa cung. Ngoài ra, giá dầu còn giảm theo xu hướng giảm chung của giá các loại hàng hóa cơ bản,

Theo nhận định của ngân hàng Morgan Stanley, có khả năng đợt sụt giảm này của giá dầu sẽ nghiêm trọng hơn những gì đã xảy ra vào năm 1986, thời điểm giá dầu rơi vào đợt sụt giảm mạnh nhất trong 45 năm. Trong khi đó, chuyên gia Deutsche Bank cho rằng sớm nhất phải đến nửa cuối năm 2017, thị trường dầu toàn cầu mới có thể cân bằng trở lại nếu OPEC tiếp tục khai thác dầu với tốc độ hiện tại và sản lượng dầu của Mỹ đi ngang.

Giá hàng hóa đã chạm đáy chưa?

Ngoài vàng, dầu, trong tuần trước, giá đồng cũng giảm hơn 6%, xuống mức thấp nhất 6 năm qua, còn 5.191,5 đô la Mỹ/tấn.

Hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu giá hàng hóa đã chạm đáy chưa và khi nào sẽ chạm đáy?

Bloomberg trích dẫn báo cáo tổng quan viết cho khách hàng của nhà kinh tế Mark Smith thuộc ANZ: "Chúng tôi dự báo Fed tăng lãi suất vào tháng 9-2015 nhưng xét đến các rủi ro toàn cầu, con đường bình thường hóa lãi suất của Fed sẽ lâu hơn một chút".

Nếu Fed tăng lãi suất, giá các loại hàng hóa dự báo sẽ giảm hơn nữa – theo các nhà phân tích.

Giá dầu kéo đồng rúp Nga xuống mức thấp nhất 4 tháng

Trong phiên giao dịch ngày 27-7 tại thị trường Moscow (Nga), tỷ giá đồng rúp so với euro là 66,27 rúp/euro – mức thấp nhất 4 tháng qua. Đồng rúp cũng mất giá so với đô la Mỹ, với 59,86 rúp đổi 1 đô la Mỹ. Nguyên nhân chính được các chuyên gia kinh tế Nga cho là do tác động của giá dầu giảm.

Từ cuối năm ngoái, nền kinh tế và đồng rúp Nga đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong quí 1-2015, nền kinh tế Nga suy giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev khẳng định nền kinh tế Nga đã chạm đáy và sẽ có những điều chỉnh theo hướng tích cực từ quí 3-2015. Ông đánh giá đến hết năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ giảm ở mức 2,6-2,8%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới