Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh

Phúc Minh

Hội chợ Canton Fair ít lạc quan. Ảnh: TL

(TBKTSG) – Từ tháng 7 đến nay, giá nông sản xuất khẩu của Trung Quốc tăng liên tục nhưng tốc độ tăng càng rõ ràng hơn từ sau tháng 9-2010. Không chỉ bông, đường… tăng đáng kể mà các cây lương thực như gạo, lúa mì cũng tăng mạnh.

Giá nông sản tăng từng ngày

Đến ngày 26-10, giá đường, bông, gạo, lúa mì kỳ hạn… tăng hơn 30% so với giá cuối tháng 6-2010; trong đó, giá bông tăng kỷ lục. Một doanh nghiệp dệt may tại Thâm Quyến cho biết: “Tháng 11-2008, giá bông là 12.000 nhân dân tệ (NDT)/tấn (gần 35 triệu đồng Việt Nam/tấn), ngày 25-10 đã là 26.000 NDT/tấn (hơn 75,5 triệu đồng), tăng 116%; năm 2008, giá tơ tằm là 14.000 NDT/tấn (gần 40,5 triệu đồng/tấn), nay đã là 35,5 NDT/tấn (hơn 102,5 triệu đồng/tấn), tăng 153,5%”.

Bà Lý Hồng Đào, đại diện kinh doanh của Công ty Thực phẩm Vạn Hưng (tỉnh Sơn Đông), nói: “Ngoài giá tỏi giảm xuống một chút so với thời gian trước, các loại nông sản khác như gừng, rau, gạo, bột, táo (bom), lê đều tăng mạnh. Năm ngoái, giá gừng là 2 NDT/ki lô gam (gần 6.000 đồng). Năm nay, diện tích trồng gừng thu hẹp khiến giá gừng tăng nhiều lần, đồng thời giá táo cũng tăng hơn gấp đôi”.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác cho rằng hiện nay, giá nông sản không chỉ tăng mà còn tăng mạnh, mỗi ngày một mức giá khác nhau. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp chế biến thực phẩm thuộc thành phố Tháp Lâm (tỉnh Sơn Đông), ông Khúc Học Lỗi, cho biết do biến động giá nông sản, “việc báo giá trong giao dịch xuất khẩu ngày càng khó khăn, doanh nghiệp có thể không tính được giá giao hàng sau đó”.

Giá nông sản của Trung Quốc tăng mạnh là do ảnh hưởng của khí hậu, lạm phát và đầu cơ.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh nông sản Trung Quốc, các yếu tố phức tạp quốc tế như thảm họa khí hậu làm giảm sản lượng nông sản của nhiều nước, đô la Mỹ giảm giá so nhiều loại tiền tệ khác – trong đó có NDT của Trung Quốc – khiến giá nông sản xuất khẩu của nước này tăng lên. Hiện nay, giá nông sản cao khiến các nhà mua nông sản nước ngoài “lùi bước” với nông sản của Trung Quốc.

Lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan cũng cho rằng xu hướng tăng giá nông sản phẩm sẽ tiếp tục kéo dài. Ông Khúc Học Lỗi dự kiến, giá nông sản của Trung Quốc khó mà giảm xuống trước tháng 8-2011.

Ảnh hưởng các ngành công nghiệp

Giá nguyên liệu tăng đang gây áp lực lớn lên ngành công nghiệp thực phẩm trong nước Trung Quốc. Ông Tạ Vạn Tường, giám đốc một công ty thực phẩm tại tỉnh Phúc Kiến, cho biết khi giá nguyên liệu tăng doanh nghiệp thực phẩm phải tăng giá sản phẩm bán ra nhưng lại lo thị trường không chấp nhận. “Thật là tiến thoái lưỡng nan”, ông Tạ Vạn Tường nói.

Một doanh nghiệp dệt may tại Thâm Quyến cho biết hiện tại, doanh nghiệp bị đè nặng bởi “ba tảng đá lớn”: Đầu tiên là biến động tỷ giá NDT – trong thời gian gần đây, NDT không ngừng tăng lên so đô la Mỹ; hai là giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng và ba là rào cản thương mại quốc tế cũng tăng lên.

Lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may Trung Quốc rất thấp, chỉ từ 3 – 5%. NDT tăng giá khiến hầu hết các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa không có lợi nhuận. Do cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng nhưng khó bắt người tiêu dùng gánh chịu phần tăng lên đó, do đó càng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dệt may tại Trùng Khánh cho biết những ngày gần đây, giá bông lên mức cao kỷ lục mới, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, một số loại bông chất lượng cao tăng đến 48.000 NDT/tấn (gần 139 triệu đồng). Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may ít có khả năng dựa vào năng lực của mình để giảm chi phí. Trong tình hình này, biến động tỷ giá NDT vô hình trung càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhiều doanh nghiệp vì vậy mà tổn thất nặng nề hoặc thậm chí phá sản.

Các doanh nghiệp tỉnh Quảng Đông chiếm tỷ lệ đáng kể trong xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc, có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao trong ba quí đầu năm nay, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tăng hơn 30%. Một trong các doanh nghiệp ở Quảng Đông cho biết, trước đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ tăng chủ yếu do bổ sung hàng tồn kho của các công ty châu Âu và Mỹ – một hành vi ngắn hạn, còn về lâu dài vẫn thiếu sự hỗ trợ của người tiêu dùng để phục hồi sức mua.

Ngoài ra, hàng rào thương mại tăng lên cũng tăng độ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm nay, Argentina điều tra chống bán phá giá với quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ áp đặt thuế chống bán phá giá với hộp đựng quà tặng và dây ruy-băng của Trung Quốc… Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động dễ bị tổn hại bởi các biện pháp bảo hộ. Ngành dệt may, sản xuất giày dép, túi xách và các ngành công nghiệp khác có khả năng sẽ bị thêm các cú sốc của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên toàn cầu.

Hội chợ Canton Fair 2010 ít lạc quan

Hội chợ quốc tế hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 2010 (Canton Fair 2010) đợt 3 đang diễn ra từ ngày 31-10 đến ngày 4-11 tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Hội chợ gồm 17 khu và 234 gian hàng, với sự tham gia của 172 công ty từ 26 nước và khu vực trên thế giới, trưng bày chủ yếu sản phẩm dệt may, nông sản và công nghiệp nhẹ khác như quần áo, giày dép, văn phòng phẩm, túi xách, vali, đồ dùng giải trí, trang thiết bị y tế, dược phẩm, vật phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, đặc sản…

Hội chợ Canton Fair được mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10, chuyên quảng bá các loại hàng hóa chất lượng cao có ưu thế xuất khẩu của Trung Quốc; khách hàng của các nước trên thế giới đến Canton Fair tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu tối ưu nhất.

Theo thống kê, tổng giao dịch thương mại tại hội chợ Canton Fair 2009 lên đến 34,3 tỉ đô la Mỹ; nhưng hội chợ năm nay bị bóng đen của sự biến động tỷ giá NDT bao trùm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc thở dài bất lực và ngao ngán. Theo nhận định của tờ China News (Trung Quốc), số hợp đồng tại Canton Fair 2010 không lạc quan.

(Tổng hợp)

Trong thực tế, việc tăng giá nông sản không chỉ xảy ra tại Trung Quốc mà trên toàn thế giới. Tờ Sydney Morning Herald (Úc) cho rằng thời tiết khắc nghiệt và đầu cơ ảnh hưởng đến giá nông sản trên toàn cầu, giá cà chua tại Israel, bắp cải tại Hàn Quốc, tỏi tại Trung Quốc và bánh mì tại Pakistan đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Số liệu của tờ The Guardian (Anh) cho thấy trong sáu tháng qua, giá lúa mì và ngô trên toàn cầu đã tăng 57%, gạo tăng 45%, đường tăng 55%, giá đậu tương tăng đến mức cao nhất trong 16 tháng.

Số liệu của Công ty Tài chính Jefferies thuộc tập đoàn Reuters cho thấy chỉ trong vài tuần qua, giá thịt toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Trong khi đó, giá dầu ăn tăng gần 20%, đường tăng 55%. Giá các nông sản tăng đã trực tiếp khiến giá bánh mì, bánh ngọt, sô cô la, bánh quy tăng. Một số công ty không tăng giá sản phẩm nhưng cắt giảm lượng nguyên liệu để giảm giá thành.

Chính phủ các nước Kenya, Uganda, Nigeria, Indonesia, Brazil và Philippines đã ban hành cảnh báo: thời tiết khắc nghiệt và thương nhân đầu cơ có thể làm xuất hiện tình trạng thiếu lương thực vào năm tới.

Ngoài ra, môi trường ngày càng xấu khiến mỗi năm thế giới mất đi khoảng 5-10 triệu héc ta đất nông nghiệp, công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến mỗi năm mất 19,5 triệu héc ta đất nông nghiệp. Đặc phái viên về quyền thực phẩm của Liên hiệp quốc Olivier Deschutes cho rằng môi trường xấu, đô thị hóa, sử dụng nhiều đất để thu hoạch nhiên liệu sinh học và các yếu tố khác góp phần làm cho giá các loại lương thực chính trên thế giới cao hơn.

Nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) Aba Louisiana cho biết: “Những tuần gần đây, chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu tương tự dấu hiệu dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008. Giá lương thực có thể không cao như trong năm 2008 nhưng mức giá cao sẽ được duy trì trong thời gian dài hơn”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới