Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá hồ tiêu còn xuống thấp đến đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá hồ tiêu còn xuống thấp đến đâu?

Phạm Kỳ Anh

(TBKTSG Online) – Thời gian cận trước và sau Tết âm lịch thường là giai đoạn thu hoạch hồ tiêu đại trà. Các phương tiện truyền thông báo rằng chính quyền nhiều vùng trồng hồ tiêu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải huy động lực lượng bộ đội đến hái giúp nhà vườn như một trong những cách ‘’giải cứu’’ giúp nông dân hồ tiêu tại chỗ giảm giá thành, thu được bao nhiêu đỡ xót bấy nhiêu vì giá hồ tiêu xuống quá thấp, càng thu càng lỗ nặng. Nhiều người cứ tưởng đó chỉ là trường hợp cá biệt.

Giá hồ tiêu còn xuống thấp đến đâu?
Chăm sóc tiêu. Ảnh: http://peppervietnam.com

Đi quanh cả một vùng rộng lớn thuộc huyện Krông Pak, tỉnh Đăk Lăk, bên cạnh vô số diện tích bị bỏ bê không ai chăm sóc, nhiều vườn hồ tiêu chín rủ cũng chung hoàn cảnh. Những chùm hồ tiêu chín đỏ đã chuyển qua thâm xậm, nhưng nông dân vẫn lơ là không hái vì theo họ ‘’biết bỏ là tiếc, nhưng thu không bù chi thì hái làm gì’’. 

Chỉ sau Tết chừng hai tuần, tại các vùng trồng chính tại Việt Nam, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giá hồ tiêu đen chỉ còn quanh mức 40 triệu đồng mỗi tấn.

Anh Tân, chủ vườn có chừng một héc-ta hồ tiêu trong vùng than rằng thấy trái chín không hái thì phí thật, bao nhiêu vốn liếng, mồ hôi công sức cả gia đình bỏ ra, cộng với tiền vay ngân hàng mới có được ngày hôm nay, nhưng anh chẳng buồn hái vì càng thu càng lỗ nặng.

‘’Bình quân mỗi ngày một người hái được chừng một trăm ki-lô-gam tiêu tươi, tiền nhân công phải trả mỗi ngày từ 200.000 đến 250.000 đồng. Cứ 4 ki-lô-gam hồ tiêu tươi cho 1 ‘’thành’’. Như vậy, thu được 20 ki-lô-gam hồ tiêu nguyên liệu khô theo chuẩn chất lượng thị trường, nhà vườn phải mất 1/4 giá trị chi cho tiền công thu hái. Vậy, giá còn lại thực tế cho mỗi ki-lô-gam hồ tiêu chỉ 30.000 đồng. Mức này, nhà vườn lỗ nặng. Đó là chưa tính đến chi phí đầu tư, công chăm sóc và lãi suất ngân hàng,’’ anh Tân kể lể.

Giá hồ tiêu xuống thấp không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và sinh kế nhiều gia đình đã bỏ vốn đầu tư trong thời kỳ giá tiêu thế giới còn cao, nay đang lây lan sang cả nhiều nhà vườn chuyên canh chuyên nghiệp. Tin cho rằng ngành hồ tiêu tỉnh Gia Lai năm ngoái kêu cứu Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ 4.300 tỉ đồng do giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân lỗ nặng, nhiều người phải để ‘’vườn không nhà trồng’’ đi tìm nghề khác sinh nhai là có thật. Nay trường hợp anh Tân ở Krông Pak, tỉnh Đăk Lăk cũng thấm nỗi ê chề, bỏ bê vườn tiêu. Cái may của gia đình anh là chỉ cách nay vài năm, một phần diện tích hồ tiêu đã được anh trồng xen với sầu riêng và bơ, nay những cây tưởng là cây phụ lại là nguồn lợi chính của gia đình. 

Thật vậy, chỉ trong vòng 28 tháng, giá hồ tiêu giảm từ 4 đến 5 lần so với đỉnh. Cụ thể tháng 11-2015 giá xuất khẩu tiêu trắng đạt 13.500 đô la thì đến 2-2019 chỉ còn 3.700 đô la/tấn, giảm trên 3,5 lần nhưng cũng cùng thời kỳ giá tiêu đen còn tệ hơn, mất gần 5,2 lần cụ thể  9.700 so với 1.870 đô la/tấn, bản tin thị trường mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết. Giá hồ tiêu nội địa vì thế cũng đã lao nhanh từ 220.000 đồng nay chỉ còn quanh 45.000 sau khi về vùng thấp 40.000 đồng/ki-lô-gam.

Chỉ qua hơn hai năm, nhất là 2018, hồ tiêu mất giá đậm để lại hệ quả là nhiều nông dân bỏ bê vườn tược, không bón phân tưới nước, cây tiêu không đủ sức, sinh nên nhiều dịch bệnh, giảm năng suất sản lượng. Gặp phải giá thấp dưới giá thành như đầu năm nay, rất có thể khả năng cung ứng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm trầm trọng.

Một chuyên gia ngành hàng cho biết xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng 1-2019 đạt trên 18.000 tấn gồm 16.000 tiêu đen và 2.000 tấn tiêu trắng. Khối lượng tuy có tăng gần 5% so với cùng kỳ 2018, nhưng có thể thời gian tiếp theo, lượng xuất khẩu sẽ giảm dần và hụt nhanh do giá bán quá thấp so với giá thành. Theo ông, đợt mất giá trong tháng 2-2019 có thể chỉ do tâm lý nghĩ rằng hồ tiêu Việt Nam vào vụ mới, mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến con số xuất khẩu chưa xuất hiện, nhất là khi lượng tồn kho mùa cũ vẫn còn được giao dịch.

‘’Giá mua bán thường chạy theo quán tính. Một khi có tin xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam giảm, bấy giờ giá mới có điều kiện bật lên lại,’’ vị chuyên gia nói.

Thật vậy, chỉ mấy ngày gần đây, khi các nhà xuất khẩu có nhu cầu mua lại sau Tết, họ đã có cảm giác thiếu hàng. Tình trạng khan hiếm hồ tiêu vụ mới hiện nay là có cơ sở và các nhà kinh doanh cảm nhận được thực tế ấy. Chính vì thế, giá hồ tiêu nguyên liệu tại vùng sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ đã nhích nhanh từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng/ki-lô-gam.

“Chỉ cần có ai đó có nhu cầu mua hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, giá hồ tiêu có thể về khu vực 50.000 đồng mỗi ki-lô-gam, đó không phải là một kỳ vọng gì xa vời",  vị chuyên gia nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới