Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá hợp lý – không dễ gặp nhau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá hợp lý – không dễ gặp nhau

Ngọc Lan

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Dự thảo thay thế Thông tư 104/2008 của Bộ Tài chính về việc bình ổn, kiểm soát, đăng ký kê khai giá dù dài tới mấy chục trang nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xác định mức giá hợp lý của các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

Theo dự thảo, cơ quan quản lý nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn khi giá hàng hóa trong diện bình ổn có biến động bất thường: “Tăng giá quá cao hoặc giảm quá thấp, không hợp lý so với giá thị trường trong nước trước khi có biến động”.

Vậy thế nào là giá không hợp lý? Ban soạn thảo cho rằng đó là các mức giá do doanh nghiệp đưa ra không đúng các yếu tố hình thành giá, tăng cao hơn giá đã đăng ký hoặc lợi dụng vị thế độc quyền, lợi dụng biến động thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… để liên kết, độc quyền, đầu cơ.

Việc nâng giá theo hình thức độc quyền, đầu cơ sẽ chịu sự kiểm soát của Luật Cạnh tranh. Còn vấn đề giá bán không đúng các yếu tố hình thành giá, liệu có xử phạt và bình ổn được không?

“Trước hết cơ quan quản lý phải làm rõ thế nào là lợi nhuận hợp lý và lợi nhuận bất hợp lý trong giá cấu thành sản phẩm”, một chuyên gia về giá nói. Ông cho rằng, điều kiện này đưa ra là phi thị trường, chứng tỏ những người soạn dự thảo chưa hiểu rõ sự vận động của thị trường và chắc chắn, nếu được áp dụng, thị trường sẽ trả lời bằng những phản ứng riêng.

“Tôi lấy hai ví dụ như thế này để phân tích đây có được coi là giá hợp lý không hay là bất hợp lý”, ông nói tiếp.

Trường hợp thứ nhất là giá một chai nước hoa do Pháp sản xuất, mà cũng giống như nhiều nhà sản xuất nước hoa khác trên thế giới, giá đầu vào chắc chắn không cao vì cấu thành sản phẩm là nước và hương liệu. Nhưng giá đầu ra đắt hơn rất nhiều giá nước hoa của các nhà sản xuất khác trên thế giới mà người ta vẫn tranh nhau mua. “Người ta tranh nhau mua vì đây là vấn đề thương hiệu của nhà sản xuất”, ông nói.

Trường hợp thứ hai là một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường Việt Nam, dù là doanh nghiệp rất có tên tuổi trên thế giới nhưng khi vào thị trường mới, họ chấp nhận lỗ, bán hàng hóa với giá thấp hơn giá mặt hàng cùng loại hiện đang có mặt trên thị trường vài chục phần trăm, trong một thời gian nhất định, mục đích là để chiếm lĩnh thị trường và mở rộng thị phần. “Như vậy họ có bị rơi vào diện bị Nhà nước bình ổn giá hay không?”, ông đặt câu hỏi.

Mỗi thị trường hàng hóa có cách vận động riêng, nên không thể can thiệp theo một cách chung. Mặt hàng sữa không giống mặt hàng thép nên việc bình ổn giá sữa và giá thép không thể dùng cùng một công cụ.

Theo ông, dự thảo mới thay thế Thông tư 104 nếu được ban hành sẽ thể hiện một tư duy quản lý không phù hợp với thị trường: “Mỗi thị trường hàng hóa có cách vận động riêng, nên không thể can thiệp theo một cách chung. Mặt hàng sữa không giống mặt hàng thép nên việc bình ổn giá sữa và giá thép không thể dùng cùng một công cụ như dự thảo trên mà mỗi mặt hàng cần có những biện pháp, công cụ điều tiết khác nhau. Và tuyệt nhiên đó không phải là các công cụ hành chính theo kiểu đăng ký, kê khai và chờ phê duyệt”.

Một chuyên gia khác phân tích về việc làm thế nào để tránh các cuộc tranh cãi có thể không bao giờ dứt xung quanh vấn đề “giá hợp lý” khi mà quan điểm về giá hợp lý của cơ quan quản lý và của doanh nghiệp chắc chắn không thể giống nhau. Hơn nữa, chi phí sản xuất đầu vào của các doanh nghiệp không giống nhau, do phụ thuộc vào quy mô, trình độ công nghệ, quản lý, nhân công… hoàn toàn khác nhau.

Hoặc muốn xác định mức giá hợp lý của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liệu cơ quan quản lý có đủ trình độ, nhân lực và điều kiện pháp lý trong và ngoài nước để xác định được việc họ có “chuyển giá” ngay từ đầu vào hay không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới