Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá kẽm, nhôm, đồng tăng vọt do sản lượng giảm khi chi phí năng lượng đắt đỏ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá các kim loại cơ bản, dẫn đầu là kẽm, tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm khi các nhà sản xuất từ các nước châu Âu cho đến Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng để ứng phó trước tình hình chi phí điện và khí đốt ngày càng đắt đỏ cũng như để đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon.

Giá kẽm tăng mạnh sau khi Công ty Nyrstar (Bỉ), một trong những nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, thông báo cắt giảm sản lượng lên đến 50% ở 3 nhà máy ở Hà Lan, Bỉ và Pháp để ứng phó với mức chi phí năng lượng tăng vọt – Ảnh: Canada Mining Journal

Hôm 15-10, giá các hợp đồng kẽm tương lai trên sàn giao dịch kim loại London (LME) bật tăng đến 7% lên mức 3.750 đô la Mỹ/tấn, cao nhất trong 14 năm qua.

Giá kẽm tăng mạnh sau khi Công ty Nyrstar (Bỉ), một trong những nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, thông báo cắt giảm sản lượng lên đến 50% cả 3 nhà máy ở Hà Lan, Bỉ và Pháp kể từ ngày 13-10 do chi phí năng lượng tăng vọt.

Thông báo cho hay: “Chi phí điện tăng mạnh trong những tuần gần đây và gánh nặng chi phí phát thải carbon từ ngành điện cũng được chuyển qua các khách hàng. Điều này có nghĩa là việc duy trì công suất tối đa ở các nhà máy của chúng tôi không còn tính khả thi kinh tế”.

Trong khi đó, Công ty khai khoáng Glencore (Thụy Sĩ) cũng thông báo cắt giảm sản lượng tại 3 nhà máy luyện kẽm ở châu Âu để ứng phó chi phí điện đắt đỏ.

Daniel Briesemman, nhà phân tích ở Ngân hàng Commerzbank, nhận định: “Nếu sản lượng kẽm bị cắt giảm trong thời gian dài, điều này sẽ tác động lớn đến thị trường kẽm do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng”.

Cùng ngày, giá nhôm trên sàn LME cũng tăng đến 3% lên mức 3.209 đô la/tấn, cao nhất kể từ tháng 7- 2008. Theo các nhà phân tích, giá nhôm tăng do Trung Quốc cắt giảm sản lượng nhôm trong nỗ lực giảm khí thải carbon và giảm căng thẳng cho lưới điện vì ngành công nghiệp luyện nhôm tiêu thụ rất nhiều điện. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm đã tăng 61%. Nhà tư vấn kim loại Robin Bhar ước tính sản lượng nhôm của Trung Quốc suy giảm khoảng 10% trong năm nay, tương đương khoảng 3 triệu tấn.

Các kim loại khác cũng đồng loạt tăng vì giới đầu tư đặt cược rằng nguồn cung của chúng sẽ suy giảm trong thời gian tới. Hôm 14-10, giá đồng tương lai ở thị trường New York, tăng 2,6% lên mức 4,63 đô la /pound (0,453 kg), sát mức cao kỷ lục 4,75 đô la/pound được thiết lập hồi đầu năm nay.

Luyện kim là ngành công nghiệp mới nhất chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt và giá than đang ở các mức cao kỷ lục, tăng gánh nặng chi phí năng lượng cho các nhà sản xuất.

Các lo ngại về việc mùa đông sắp tới ở bắc bán cầu sẽ lạnh hơn bình thường đã khiến khách hàng ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ chạy đua cạnh tranh mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để bổ sung cho kho dự trữ đang suy giảm.

Các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất do Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt xuất khẩu, bên cạnh đó, họ cũng hạn chế sản xuất khí đốt trong nỗ lực giảm khí thải carbon.

Đối với các nhà sản xuất kim loại, tình trạng thiếu khí đốt sẽ khiến sản lượng của họ suy giảm đúng vào lúc nhu cầu bùng nổ. Nhu cầu kẽm, kim loại được sử dụng để sản xuất thép, đang rất mạnh mẽ khi các nền kinh tế trên thế giới tái mở cửa. Nhu cầu nhôm trong lĩnh vực đóng gói thực phẩm, sản xuất xe hơi và xây dựng cũng đang phục hồi mạnh.

Nhà phân tích James Moore ở Công ty Fatsmarkets cho rằng nguy cơ sản lượng ở các nhà máy luyện kim bị cắt giảm thêm ở thời điểm nhu cầu tăng tăng cao nhờ chi tiêu xây dựng hạ tầng của các chính phủ có thể tạo ra môi trường tăng giá rất mạnh mẽ cho các kim loại cơ bản.

Giá các mặt hàng kim loại có thể duy trì ở mức cao vì cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục tác động lên thị trường kim loại, theo nhận định của hãng nghiên cứu thị trường Shanghai Metals Market.

Sức nóng trên thị trường kim loại gây thêm áp lực lạm phát khi các nhà sản xuất đối mặt chi phí gia tăng đồng loạt ở hầu hết các nguyên vật liệu thô. Chỉ số giá giao ngay của các nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất công nghiệp ở Mỹ (CRB BLS Spot Market Price Index) chạm mức cao kỷ lục vào hôm 13-10. Sức ép lạm phát ở Trung Quốc cũng rất rõ ràng với chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) trong tháng 9 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong gần 26 năm. Với tư cách là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, mức tăng chi phí ở các nhà máy Trung Quốc có thể dễ dàng gây tác động lây lan sang các nền kinh tế khác.

Theo WSJ, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới