Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá khí đốt hóa lỏng ở châu Á sụt giảm mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá khí đốt hóa lỏng ở châu Á sụt giảm mạnh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Giá khí đốt thiên nhiên hỏa lỏng (LNG) ở châu Á giảm sâu 43% so với cùng kỳ năm ngoái khi nguồn cung trên thế giới tăng cao so với nhu cầu.  Giới phân tích cho rằng giá LNG khó phục hồi trong tương lai gần, do tình hình cạnh tranh gay gắt và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Dù mùa đông sắp tới,  giá LNG giao ngay ở châu Á vẫn ảm đạm và đang ở mức 5,7 đô la Mỹ/ một triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh, 1 triệu BTU tương đương 28,2 m3 khí thiên nhiên). Giá LNG ở châu Á đã chứng kiến cú rơi khá mạnh 43% từ đỉnh cao hơn 10 đô la/1 triệu BTU vào hồi cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, nếu so với mức giá gần 20 đô la/1 triệu BTU vào mùa đông năm 2014, giá LNG hiện nay đã giảm quá sâu.

Giá khí đốt hóa lỏng ở châu Á sụt giảm mạnh
Một kho cảng LNG ở đảo nhân tạo Jurong, Singapore. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân chủ yếu cho đợt sụt giảm giá gần đây là nhiều mỏ khí đốt mới trên thế giới vừa đi vào vận hành bao gồm các mỏ lớn ở Mỹ và Úc. Ngoài ra, nhiều dự án xuất khẩu LNG với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đô la cũng vừa đi vào hoạt động ở Mỹ.

Hồi tháng 5, giai đoạn một của dự án Cameron LNG ở  bang Louisiana, Mỹ với  công suất xuất khẩu gần gần 12 triệu tấn LNG mỗi năm, bắt đầu đi vào vận hành. Trong khi đó, dự án xuất khẩu LNG ở Freeport, bang Texas, chính thức hoạt động vào tháng 8-2019. Dự án này có công suất xuất khẩu lên đến 20 triệu tấn LNG/năm nếu vận hành hết công suất.

Edmund Siau, nhà phân tích thị trường LNG ở Công ty FGE, cho rằng các dự án xuất khẩu LNG mới ở Mỹ sẽ khiến nguồn cung càng thêm dư thừa, gây áp lực cho giá LNG giao ngay ở châu Á.

Ông cho rằng nhu cầu tăng lên vào mùa đông sắp tới sẽ hấp thụ nguồn cung mới nhưng không nhiều vì các kho dữ trữ LNG ở châu Âu đã lấp đầy 90%.

Các dự án LNG khổng lồ ở Mỹ cũng như ở Úc và Nga thu hút vốn đầu tư vào những năm đầu của thập niên 2010 khi các thị trường mới nổi tăng trưởng mạnh mẽ.

Song bức tranh kinh tế toàn cầu đã chuyển sang gam màu ảm đạm vào thời điểm các dự án này đi vào khai thác thương mại. Nền kinh tế thế giới đang mất động lực trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết.

Nhu cầu sử dụng điện của nhiều nước đang tăng chậm lại, kéo theo sự trì trệ trong tăng trưởng tiêu thụ LNG để sản xuất điện. Điều này khiến lượng LNG tồn kho ở các nước châu Âu và Trung Quốc tăng lên.

Nhu cầu tiêu thụ yếu đi cộng với lượng LNG tồn kho cao có thể là nguyên nhân khiến công ty kinh doanh và nhập khẩu gas Pavilion Energy (Singapore) hôm 19-11 đưa ra một quyết định bất thường: hủy vận chuyển một lô hàng LNG từ nhà máy Cameron LNG ở bang Louisiana nhưng vẫn đồng ý trả tiền lô hàng này cho Mitsubishi (Nhật Bản), một trong những bên liên doanh ở dự án Cameron LNG.

Người phát ngôn của Pavilion Energy cho biết quyết định hủy nhập khẩu lô hàng LNG trên sau khi đánh giá kế hoạch vận chuyển và các vấn đề thương mại khác.

Thị trường LNG toàn cầu đang dư thừa nguồn cung trong khi đó, nhu cầu yếu ớt ở các khách hàng lớn như Trung Quốc và Nhật Bản, khiến nhiều công ty thương mại không thể bán những lô hàng LNG đã mua.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết một số khách hàng khác đã ký các hợp đồng mua các lô hàng LNG của Mỹ và họ có thể chấp nhận trả tiền nhưng không vận chuyển chúng.

Khi thị trường LNG dư thừa, các công ty thương mại thường sẽ chở các lô hàng LNG đến châu Âu để bán. Nhưng trong năm nay, các kho dữ trữ LNG ở các nước châu Âu đã đầy ắp.

Một doanh nhân kinh doanh LNG ở Singapore nói: “Giá các lô hàng LNG bán sang châu Âu đang giảm mạnh do lượng LNG ở các kho dữ trữ ở khu vực này đang ở mức cao và còn rất ít công suất để tiếp nhận những lô hàng này. Thêm vào đó, cước vận chuyển đường biển đang ở mức khá cao, vị vậy, hủy vận chuyển các lô hàng LNG đã đặt mua ở Mỹ có thể là cách để giảm thiểu thua lỗ”.

Trong báo cáo gửi cho các khách hàng vào tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup, nhận định giá LNG có thể sụt giảm mạnh ở châu Á và châu Âu vào năm sau, đến mức các nhà sản xuất LNG ở Mỹ phải hạn chế sản lượng xuất khẩu. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định nếu thời tiết không có gì bất thường, Mỹ sẽ phải hạn chế xuất khẩu LNG ở mức 76,5 triệu m3/ngày vào thời điểm quí 2 hoặc quí 3 năm sau. Con số này đương đương phân nửa sản lượng LNG xuất khẩu mỗi ngày của Mỹ hiện nay.

Theo Nikkei Asian Review, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới