Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá khí đốt tăng vọt, đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá khí đốt đang trải qua một đợt tăng đột biến và đó là một tin xấu cho tất cả, từ các nhà sản xuất gốm sứ ở Trung Quốc cho đến khách hàng của các tiệm bánh ở Paris. Giá nhiên liệu hóa thạch này đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa vụ ở hầu hết các thị trường lớn và có thể sẽ tăng hơn nữa, đe dọa kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cao trào khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Mùa đông sắp tới có thể cho thế giới một bài học đắt giá về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng sâu rộng của khí đốt đối với nền kinh tế. Giá khí đốt đắt đỏ có thể làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình và bào mòn tiền lương của họ do lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải đối mặt với một số lựa chọn chính sách khó khăn.

Tệ hơn nữa, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt có thể khiến nhiều ngành sản xuất phải dừng hoạt động, hoặc thậm chí gây ra tình trạng mất điện ở các nước đang phát triển, có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội.

Một bồn chứa LNG ở cảng Như Đông, thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Các khách hàng châu Á đang phải cạnh tranh mua LNG vận chuyển bằng đường biển với các khách hàng ở châu Âu. Ảnh: Reuters

Giá tăng mạnh vì nguồn cung thiếu hụt

Chi phí năng lượng đang tăng trên toàn thế giới khi nhu cầu phục hồi sau làn sóng phong tỏa kiểm soát Covid-19. Giá dầu thô đã chứng kiến đà tăng kéo dài từ cuối năm 2020 và lên mức cao trong nhiều năm, với mức 75 đô la/thùng hồi tháng 7.

Khí đốt bắt đầu tăng giá mạnh vào đầu mùa hè ở Bắc bán cầu, khi có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung ở châu Âu không đủ để cho phép nạp đầy như thường lệ cho các kho lưu trữ đã cạn kiệt vào mùa đông. Nga, nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu, đã hạn chế xuất khẩu qua đường ống vì một số lý do bao gồm nhu cầu nội địa cao, hoạt động sản xuất bị gián đoạn và và thỏa thuận trung chuyển ít khí đốt hơn qua Ukraine.

Alfred Stern, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí OMV của Áo, cho biết người tiêu dùng ở châu Âu giờ đây chỉ còn biết “nhờ trời” vì giá khí đốt sẽ phụ thuộc vào mức độ thời tiết lạnh như thế nào trong mùa đông sắp tới.

Tại châu Âu, tốc độ tăng giá khí đốt đã tăng vượt mức dầu thô nhưng vấn đề không nằm ở  khu vực này. Mặc dù các hạn chế về nguồn cung của Nga không ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng ở châu Á, nhưng họ vẫn phải cạnh tranh với châu Âu để mua các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng đường biển, buộc họ phải trả giá cao hơn để đảm bảo việc giao hàng.

Francesco Starace, Giám đốc điều hành Công ty năng lượng Enel (Ý), nói: “Giá khí đốt cao là một vấn đề đối với châu Âu và cũng có thể là một vấn đề đối với châu Á”

Thị trường LNG đang có sự liên thông với nhau châu Âu, châu Á và Mỹ. Vì vậy, nếu giá LNG tăng mạnh ở châu Âu và châu Á, điều này sẽ khuyến khích Mỹ xuất khẩu nhiều hơn. Giá khí tự nhiên tương lai ở New York đã tăng 80% trong năm nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2018 dù vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường toàn lớn khác trên thế giới.

Nina Fahy, nhà phân tích khí đốt tự nhiên của Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects ở New York, cho biết: “Thị trường châu Âu và thị trường Mỹ đang cùng bước vào mùa tiêu thụ khí đốt cao điểm. Chúng ta có thể phải lo lắng về việc dự trữ khí đốt đầy đủ nếu chúng ta trải qua một mùa đông lạnh hơn bình thường khi mà xuất khẩu LNG dự kiến tăng mạnh”.

Bruce Robertson, nhà phân tích của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nhận định: “Năng lượng là nền tảng của một nền kinh tế. Giá năng lượng đắt đỏ sẽ gây tác động lan rộng trên khắp chuỗi cung cứng và có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu”

Nhiều ngành sản xuất điêu đứng

Khắp nơi trên thế giới, hậu quả kinh tế của đợt tăng giá khí đốt tự nhiên đang trở nên rõ ràng. Tereos SCA, nhà sản xuất đường lớn nhất của Pháp, đã cảnh báo vào tháng trước rằng giá khí đốt cao đang ảnh hưởng đến hoạt động chế biến đường ở châu Âu vì đội tăng chi phí sản xuất lên rất nhiều. Pascal Leroy, Phó Chủ tịch phụ trách  nguyên liệu cốt lõi của Roquette Freres SAS, một công ty chế biến thực phẩm có trụ sở tại miền bắc nước Pháp, cho biết giá năng lượng cao đang tạo ra “áp lực lạm phát đối với mọi chi phí khác”, mà rốt cục sẽ chuyển sang cho người tiêu dùng gánh chịu.

Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, các nhà máy sản xuất gốm sứ ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây đã buộc phải giảm sản lượng do giá khí đốt cao

Tại Pakistan, Shakeel Ahmad, Giám đốc hoạt động Công ty thép Mughal Steels, cho biết chi phí khí đốt cao đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của công ty ông.

Ông nói: “Chúng tôi tiêu thụ khí đốt trước và sau đó mới nhận được hóa đơn và biết số tiền thanh toán bao nhiêu. Làm thế nào tôi có trao đổi lại với một khách hàng rằng tôi cần phải tính thêm chi phí cho số thép mà tôi đã bán cho bạn?”

Trong tuần này, Ngân hàng JPMorgan cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất toàn cầu, do ngân hàng này thiết lập và theo dõi, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trong tháng 8 dù vẫn cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục  tăng trưởng.

Một số quốc gia nghèo như Bangladesh không có khả năng mua đủ nguồn cung năng lượng để duy trì sự năng động của nền kinh tế. Một số hệ thống tưới tiêu ở nước này có lẽ chỉ hoạt động vào ban đêm vì có khả năng giới chức trách yêu cầu tiết kiệm điện.

Leonid Mikhelson, Giám đốc điều hành Novatek PJSC, công ty sản xuất LNG ở Nga, cho rằng giá LNG hiện tại ở châu Á là“ hoàn toàn không bình thường ” và có thể nhiều khách hàng sẽ từ chối mua vì không đủ khả năng tài chính.

Nina Fahy, nhà phân tích của Công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, các nhà sản xuất Mỹ vẫn chưa cảm nhận tác động lớn do giá khí đốt tăng cao vì nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Mỹ như thép và hóa dầu cũng đang chứng kiến ​​giá bán sản phẩm của họ tăng vọt.

Tác động lan tỏa sang kinh tế vĩ mô

Ngày nay, nếu một cuộc khủng hoảng chủ yếu diễn ra trong ngành công nghiệp nặng ở Châu Âu và Châu Á, nó vẫn có thể sớm lan sang sân khấu chính trị và kinh tế vĩ mô.

Nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp thấy hóa đơn điện và khí đốt của họ tăng mạnh, họ có thể kêu gọi tăng lương hoặc tăng giá hàng hóa mà họ bán, làm tăng thêm áp lực lạm phát vốn đang do các chuỗi cung ứng căng thẳng.

Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã tăng lên mức 3%, cao nhất trong thập kỷ qua. Các quan chức Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh rằng mức tăng đột biến của lạm phát chỉ nên tạm thời, nhưng nếu đà tăng giá cả hàng hóa kéo dài, điều này sẽ làm phức tạp khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của ECB bằng chính sách nới lỏng tiền tệ.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế tại Ngân hàng ING, cho biết: “Khả năng các nhà sản xuất chuyển chi phí cho khách hàng là rất cao. Điều đó có nghĩa là lạm phát có thể không phải tăng nhất thời”.

Giá các mặt hàng thiết yếu tăng trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả xã hội.

Các nhà phân tích của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nhận định: “Ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi, ngay cả khi giá nhiên liệu hoặc năng lượng bán lẻ chỉ tăng nhẹ, điều này cũng có thể dẫn đến khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội”.

Tại Pakistan, chính phủ bị chỉ trích vì đã mua các lô hàng LNG đắt nhất kể từ khi họ bắt đầu nhập khẩu nhiên liệu này vào năm 2015. Chi phí năng lượng có thể trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Đức, Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, nhận định. Đức là khách hàng nhập khẩu khí đốt lớn của Nga. Giá năng lượng cao đang khiến lạm phát ở Đức tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới