Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá lúa gạo lao dốc, thương lái “dính đòn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá lúa gạo lao dốc, thương lái “dính đòn”

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trước thông tin Hiệp hội lượng thực Việt Nam (VFA) công bố rằng gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng xuất khẩu đã tạo thành một lực hút kéo giá lúa gạo nội địa lao dốc mạnh. Điều này khiến nhiều thương lái mua lúa gạo dù đã đoán đầu thị trường nhưng cũng bị dính đòn lỗ lã nặng.

Giá lúa gạo lao dốc, thương lái
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa vụ 3, theo thống kê của ngành nông nghiệp, 91% nông dân sản xuất lúa vụ 3 có lời – Ảnh: Trung Chánh

Từ tháng giữa 11 đến nay, thị trường lúa gạo nội địa đã có ít nhất 3 lần lao dốc mạnh, diễn biến trái ngược hoàn toàn với dự báo ban đầu của các nhà chuyên môn rằng giá lúa gạo sẽ tăng cao khi Thái Lan khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Lúa gạo lao dốc không phanh

Thực tế trên thị trường lúa gạo trong nước trong vòng 1 tháng qua khá nhạy cảm với những thông tin xuất khẩu gạo, nhất là những thông tin xuất phát từ VFA. Chẳng hạn giữa tháng 11, giá lúa gạo nội địa giảm mạnh sau khi có tin từ VFA cho biết Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu cả hợp đồng thương mại (giữa doanh nghiệp trong nước ký trực tiếp với nhà nhập khẩu nước ngoài) lẫn hợp đồng  tập trung (hợp đồng cấp Chính phủ, thường theo hình thức đấu thầu bán gạo mà VFA cử một vài công ty đại diện tham gia bỏ thầu, nếu trúng thầu thì sau đó VFA phân bổ lượng gạo cho các doanh nghiệp hội viên).

Một nguyên nhân khác cũng có tác động kéo giá lúa gạo nội địa đi lao dốc là hiện giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Pakistan đang rất thấp, thấp hơn của Việt Nam trên dưới 100 đô la Mỹ/tấn, đang cạnh tranh quyết liệt với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Nếu như trong những ngày đầu tháng 11 giá lúa nội địa vẫn duy trì ở mức rất cao, từ 7.400 – 7.500 đồng/kg (lúa khô) đối với lúa IR 50404, thì từ giữa tháng 11 đến nay giá liên tục lao dốc.

Nhiều thương lái kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, hiện giá lúa IR 50404 (khô) tại các tỉnh ĐBSCL chỉ còn dao động quanh mức 6.600-6.800 đồng/kg (tùy nơi và chất lượng), giảm gần 1.000 đồng/kg so với mức đỉnh. Lúa IR 50404 (tươi) cũng tiếp tục giảm xuống mức giá 5.800-5.900 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Công, một thương lái mua lúa tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, đối với các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490… tiếp tục giảm 100 đồng/kg so với mức giá những ngày cuối tháng 11, còn dao động quanh mức giá 7.000-7.200 đồng/kg (tùy loại).

Giá gạo nguyên liệu tiếp tục rớt giá theo tình hình xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn. Cụ thể đối với gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 dùng chế biến gạo cấp thấp phục vụ xuất khẩu tại thị trường Tiền Giang chỉ còn dao động quanh mức 9.000 – 9.100 đồng/kg, thậm chí rớt xuống mức giá 8.900 – 8.950 đồng/kg đối với trường hợp gạo xấu, giảm 150 đồng/kg.

Gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm cũng tiếp tục giảm xuống mức giá 9.250 – 9.300 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục giảm khoảng 100 đồng/kg, xuống mức giá 11.200 – 11.400 đồng/kg đối với gạo 5% tấm, 11.100 – 11.150 đồng đối với gạo 15% tấm và 10.400 – 10.500 đồng/kg đối với gạo 25% tấm.

Thương lái dính đòn

Thái Lan lập kỷ lục xuất khẩu gạo

Dù bị ảnh hưởng của lũ lụt cũng như giá xuất khẩu tăng cao (chênh lệch khá cao so với các nước khác, trong đó có Việt Nam), nhưng Cục trưởng Cục Ngoại thương Thái Lan, ông Manus Soiploy cho biết, Thái Lan vừa lập được một kỷ lục mới về xuất khẩu gạo, tính đến hết tháng 11 đã có 10,04 triệu tấn gạo trắng được bán ra nước ngoài, thu về khoảng 6 tỷ đô la Mỹ, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá lúa gạo liên tục giảm mạnh kể từ giữa tháng 11 tới nay là nguyên nhân làm không ít thương lái kinh doanh lúa gạo dù đã đoán đầu thị trường, mua với giá thấp hơn mức giá tại thời điểm thực hiện hợp đồng nhưng cũng phải chịu dính đòn lỗ nặng.

Anh Nguyễn Thành Hơn, thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, anh vừa lỗ trên 10 triệu đồng sau một chuyến đi mua lúa tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận với số lượng khoảng 100 tấn lúa tươi.

“Biết thị trường lúa gạo gần đây ảm đạm nên khi đi mua tôi đã đón đầu và hạ giá mua xuống chút đỉnh rồi nhưng không ngờ vẫn bị “dính” (lỗ) vì giá giảm nhanh quá”- anh Hơn cho biết.

Vừa bị lỗ 7 triệu đồng khi mua một ghe lúa 30 tấn, anh Nguyễn Văn Tiến, thương lái mua lúa tại chợ đầu mối gạo Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói: “Không ngờ giá lúa, gạo lại xuống nhanh như vậy”.

Theo cánh thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy và chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, hiện họ chỉ hoạt động cầm chừng và trông chờ vào diễn biến rõ rệt hơn của thị trường mới quyết mua tiếp hay không, vì đa phần ai cũng sợ lỗ nếu giá giảm tiếp và giảm nhanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới