Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá lương thực tăng cao, gây sức ép lên các nước nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá lương thực tăng cao, gây sức ép lên các nước nghèo

Khánh Lan

(TBTKSG Online) – Giá lương thực tăng mạnh trong những tháng gần đây làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ lạm phát và bất ổn xã hội ở những nước nghèo.

Giá lương thực tăng cao, gây sức ép lên các nước nghèo
Tàu hàng của Trung Quốc tiếp nhận đậu nành ở cảng Santos, Brazil. Ảnh: Reuters

Nguy cơ bất ổn xã hội do giá lương thực tăng

Hoạt động mua tích trữ, tình trạng tắc nghẽn ở chuỗi cung ứng và thời tiết kho hạn đang đẩy giá lúa mì, đậu nành, gạo và bắp tăng cao. Chỉ số phụ về hàng hóa nông nghiệp của Bloomberg đã tăng hơn 30% kể từ tháng 6, lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Chỉ số này theo dõi biến động giá các hợp đồng tương lai của cà phê, ngô, cotton, đậu nành, dầu nành, bã đậu nạnh, đường và lúa mì.

Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) trong tháng 11 cũng chạm mức cao nhất trong sáu năm. Đậu nành, thành phần quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và dầu thực vật, đang ở mức giá 13,14 đô la Mỹ/ bushel (27,2 kg), tăng hơn 41% so với 12 tháng trước.

Trong niên vụ 2007-2008, tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới đã đẩy giá lương lực tăng cao, dẫn đến các cuộc bạo loạn ở một số nước châu Phi. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Nga vào năm 2010 cũng khiến giá lương thực tăng mạnh ở Trung Đông, góp phần châm ngòi cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập với hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ ở các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Một số chuyên gia lo ngại giờ đây cú sốc Covid đang gây sức ép lên một số nước dễ bị tổn thương. “Tác động thực sự là sự tiếp cận lương thực. Mọi người đang mất thu nhập. Có rất nhiều người dân đang bất mãn và điều này dễ dẫn đến bất ổn xã hội”, Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, nói.

Vào thời điểm này, vấn đề không phải là tình trạng thiếu hụt lương thực vì ngũ cốc và các hạt lấy dầu được mùa trong những năm qua, giúp lượng hàng tồn kho dồi dào hơn.

Song giới phân tích lo ngại giá lương thực tăng cao ở thời điểm căng thẳng kinh tế báo hiệu bất ổn ở phía trước, đặc biệt là đối với các nước nghèo. Hơn nữa, đà phục hồi kinh tế ở châu Á đang thúc đẩy nhu cầu ngũ cốc và đậu nành.

“Lạm phát thực phẩm là điều chắc chắn mà các chính phủ không muốn xảy ra vào thời điểm này”, Carlos Mera, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank, nói. Fitch Solutions dự báo giá cả hàng hóa nông nghiệp sẽ còn tăng nếu hoạt động đi lại và chi tiêu của người dân đang phục hồi về sát mức bình thường và ngành nhà hàng, khách sạn tái mở cửa với tốc độ nhanh hơn cũng như niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.

Chỉ số phụ về hàng hóa nông nghiệp của Bloomberg đã tăng hơn 30% kể từ tháng 6, lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Ảnh: Financial Times

Trung Quốc tăng mua để bổ sung các kho dự trữ

Việc nhiều chính phủ củng cố kho dự trữ lương thực cũng khiến thị trường hàng hóa nông nghiệp tăng cao.
Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, nước ráo riết mua mọi thứ từ bắp cho đến gạo trong những tháng qua. Giới chức trách Trung Quốc đã mở các kho dự trữ lương thực để ghìm giá trên thị trường trong thời kỳ dịch bệnh. Giờ đây, họ đang bổ sung các kho dự trữ lương thực chiến lược.

Đàn heo của Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau khi bị tàn phá bởi dịch tả heo châu Phi và điều này có nghĩa nhu cầu nông sản chế biến thức ăn chăn nuôi của nước này sẽ tăng mạnh.

Chẳng hạn, gần đây, báo cáo của văn phòng của Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh dự báo trong niên vụ 2020-2021, Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp ba sản lượng bắp nhập khẩu, từ 7 triệu tấn lên 22 triệu tấn. Báo cáo cho rằng do các kho dự trữ đang ở mức thấp, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu bắp để đáp ứng nhu cầu đồng thời để kiểm soát giá bắp ở trong nước và duy trì nguồn cung ổn định trong suốt năm 2021.

Các nước Bắc Phi vẫn gia tăng nhập khẩu lúa mì để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Carlos Mera, nhà phân tích ở Ngân hàng Rabobank, cho biết nguồn cung lúa mì còn dồi dào nhưng các kho dự trữ ở các nước nhập khẩu đang tăng vì họ chuyển sang mua dự phòng, thay vì mua vừa đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Các lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy cơn tăng giá trên thị trường ngũ cốc. Trong khi đó, thời tiết khô hạn đang ảnh hưởng đến các vụ mùa lương thực trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Nam Mỹ, nơi hiện tượng La Niña đang gây ra các điều kiện khô nóng ở Brazil và Argentina. Nhiều nông dân ở hai nước này phải phá bỏ các vụ mùa đang khô cháy.

Giá bắp trên thị trường thế giới đang ở mức cao nhất trong sáu năm. Giá lúa mì đã thụt lùi khỏi mức đỉnh trong năm nay nhưng vẫn đang ở mức hơn 6 đô la/bushel, cao nhất kể từ năm 2014, do thời tiết khô hạn ở Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và các lo ngại về nguy cơ Moscow hạn chế xuất khẩu mặt hàng lương thực quan trọng này.

Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, giá gạo bật tăng sau khi một số nước Đông Nam Á cân nhắc hạn chế xuất khẩu. Giờ đây, giá gạo vẫn neo ở mức cao do tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc

Frank Gouverne, Giám đốc điều hành Sàn giao dịch gạo Rice Exchange (Singapore), cho biết tình trạng ứ nghẽn ở các cảng và thiếu container rỗng khiến thời gian xuất khẩu kéo dài gấp đôi trong một số trường hợp, gây ra biến động giá lớn trên thị trường. Ông nói: “Cước vận tải biển đã tăng gấp đôi. Khách hàng phải chờ đợi giao hàng trong thời gian từ 3-4 tháng, gây sức ép thêm cho thị trường”.

 

Giới đầu tư mua ròng hàng hóa nông nghiệp ở mức kỷ lục

Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác cũng đẩy mạnh mua hàng hóa nông nghiệp trong nửa cuối năm 2020, đốt nóng thêm đà tăng giá. Vào cuối tháng 10, họ nắm giữ vị thế mua ròng kỷ lục ở các hợp đồng tương lai và quyền chọn trên ở các mặt hàng nông nghiệp sau 22 tuần mua ròng liên tiếp.

Dù giá cả hàng hóa nông nghiệp trên các thị trường quốc tế đang ở mức thấp hơn so với năm 2009 hay giai đoạn 2010-2012, lương thực được dự báo vẫn là yếu tố gây áp lực cho các nước kém phát triển.

Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của FAO, cảnh báo: “Nếu mọi người nhận thấy rằng vaccine Covid-19 không giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn và họ rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực, thì mọi chuyện có thể vượt tầm kiểm soát. Dù tôi không tin giá cả lương thực sẽ chạm các mức đỉnh trước đây, chúng ta sẽ chứng kiến sự biến động lớn trên thị trường hàng hóa nông nghiệp trong năm mới này”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới