Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, đẩy nhiều nước vào tình thế nguy ngập

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá lương thực toàn cầu tăng vọt và đạt mức cao kỷ lục vào đầu năm nay do đại dịch Covid-19, các biến cố thời tiết, khủng hoảng chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tiếp đó, cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến tình hình an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn nhiều, đồng thời kích hoạt cơn tăng giá của nhiên liệu.

Một nhà hoạt động của phe đối lập hô khẩu hiệu trong khi cầm bánh mì khi tham gia cuộc biểu tình phản đối giá cả sinh hoạt tăng cao ở lối vào văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở Colombo, Sri Lanka hôm 5-4. Ảnh: Getty

Đà tăng giá kết hợp của lương thực và nhiên liệu có thể tạo ra một làn sóng bất ổn chính trị ở nhiều nước trên thế giới vì rất nhiều người dân, vốn đã thất vọng với chính phủ của họ, đang rơi vào cảnh thiếu đói do chi phí sinh hoạt gia tăng.

Rabah Arezki, học giả cao cấp tại Trường quản lý nhà nước  Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ) và là cựu nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Phi, cảnh báo: “Đó là điều cực kỳ đáng lo ngại”.

Tại Sri Lanka, các cuộc biểu tình đã nổ ra vì tình trạng thiếu nhiên liệu bao gồm gas nấu ăn và các hàng hóa cơ bản khác. Lạm phát tăng lên mức hai con số ở Pakistan đã làm xói mòn sự ủng hộ đối với Thủ tướng Imran Khan, buộc ông phải rời nhiệm sở sau khi bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 10-4. Tại Peru, ít nhất 6 người đã chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ vì giá cả tiêu dùng, bao gồm giá nhiên liệu tăng cao. Nhưng xung đột chính trị dự kiến ​​sẽ không chỉ giới hạn ở những quốc gia này.

Hamish Kinnear, nhà phân tích chính trị khu Trung Đông và Bắc Phi tại Công ty tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, nói: “Tôi không nghĩ rằng mọi người đã cảm nhận được hết tác động của việc giá cả tăng cao”.

Bài học từ phong trào Mùa xuân Ả rập

Trong thời gian các cuộc biểu tình chống chính phủ được gọi là phong trào Mùa xuân Ả Rập diễn ra, bắt đầu ở Tunisia vào cuối năm 2010 và lan rộng sang Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2011,  giá lương thực tăng mạnh. Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu do Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hợp Quốc thiết lập và theo dõi,  đạt 106,7 điểm vào năm 2010 và tăng lên 131,9 điểm vào năm 2011, mức cao  kỷ lục vào lúc đó.

Vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi, người bán nông sản trên đường phố ở Ben Arous, Tunisia, đã kích hoạt cuộc nổi dậy ở Tunisia và cuối cùng lan rộng ở thế giới Ả Rập. Bouazizi đã hành động như vậy sau khi bị giới chức trách địa phương tịch thu phương tiện hành nghề bao gồm xe cút kít và cân điện tử. Tình cảnh ở mỗi quốc gia là khác nhau nhưng bức tranh lớn hơn đã rõ ràng: giá lúa mì tăng cao vào thời điểm đó là một phần chính của vấn đề.

Tình hình an ninh lương thực hiện nay thậm chí còn tồi tệ hơn so với hơn 10 năm trước. Hôm 8-4, FAO cho biết chỉ số giá thực phẩm toàn cầu đạt 159,3 điểm trong tháng 3, tăng gần 13% so với tháng 2 và là cũng là mức cao kỷ lục mới. Cuộc chiến ở Ukraine, nước xuất khẩu lớn của các mặt hàng như lúa mì, bắp và dầu thực vật, cũng như các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga, nhà sản xuất lúa mì và phân bón hàng đầu thế giới, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy giá cả tiêu dùng tăng cao  hơn nữa trong những tháng tới.

Tháng trước, Gilbert Houngbo, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế, nhận định: “40% lượng lúa mì và bắp xuất khẩu từ Ukraine chảy đến Trung Đông và châu Phi, những nơi vốn đang phải vật lộn với vấn đề thiếu ăn và là nơi dễ xảy ra các bất ổn xã hôi nếu tình trạng thiếu lương thực hoặc giá cả tiêu dùng tăng thêm nữa”.

Sức ép càng gia tăng đối với các nước ở khu vực trên do giá năng lượng cũng đang trở nên đắt đỏ. Giá dầu thô trên thị trường toàn cầu cao hơn gần 60% so với một năm trước, trong lúc đó, giá than và khí đốt tự nhiên cũng tăng vọt.

Nhiều chính phủ đang xoay sở tìm các biện pháp để bảo vệ người dân của họ, nhưng những nền kinh tế vốn đã  phải vay nợ nhiều để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid-19 sẽ dễ bị tổn thương nhất. Khi tăng trưởng chậm lại, khiến đồng tiền của họ giảm giá đồng thời khiến họ khó đáp ứng kịp các nghĩa vụ trả nợ, việc duy trì chính sách trợ giá lương thực và nhiên liệu sẽ là một thách thức lớn, đặc biệt là nếu giá cả tiếp tục leo thang.

Học giả Arezki cho biết những nước vay nợ nhiều không có vùng đệm tài chính để kiểm soát các căng thẳng có thể nảy sinh từ tình hình giá cả tiêu dùng tăng cao như vậy.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), gần 60% trong số các nước nghèo nhất đã rơi vào cảnh căng thẳng nợ hoặc có nguy cơ cao sẽ như vậy ngay trước thềm chiến sự ở Ukraine.

Thủ tướng Pakistan bị phế truất, tình hình Sri Lanka căng thẳng

Giới tài xế cùng người dân phong tỏa một tuyến đường ở Huaycan thuộc vùng ngoại ô của thủ đô Lima, Peru hôm 4-4 trong cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: AP

Tại Pakistan, Quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất Thủ tướng Imran Khan vào hôm 10-4. Trong khi các vấn đề chính trị của ông đã xuất hiện từ nhiều năm trước thì các cáo buộc chỉ trích ông yếu kém trong quản lý kinh tế và xử lý chính sách đối ngoại của đất nước là nguyên nhân dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này. Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, với mức lạm phát duy trì ở mức 2 con số trong suốt nhiệm kỳ của Imran Khan đã làm gia tăng sự bất mãn của người dân đối với ông, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhiên liệu và lương thực ở nước này đang leo thang.

Trong tuần này, giá đồng rupee của Pakistan giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ, buộc Ngân hàng nhà nước Pakistan phải tăng lãi suất sau một cuộc họp khẩn cấp. Hai thách thức kinh tế lớn nhất mà Pakistan đang đối mặt là lạm phát cao và dự trữ ngoại hối tiêu hao nhanh chóng.

Tại Sri Lanka, quốc đảo có 22 triệu dân, một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị cũng đang bùng lên, với các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm và các bộ trưởng chính phủ từ chức hàng loạt. Hôm 9-4, hàng chục ngàn người tiếp tục xuống đường biểu tình ở  Colombo, thành phố lớn nhất của Sri Lanka để kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức vì điều hành kinh tế yếu kém.

Nguồn dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka nhanh chóng đang cạn kiện khi nước này đối mặt với mức nợ cao và nền kinh tế sa sút do phụ thuộc vào ngành du lịch, vốn đang lao đao do khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến chính phủ không còn tiền để chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng bao gồm nhiên liệu, dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng trầm trọng, khiến người dân xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để mua dầu hỏa ở các cây xăng.

Các nhà lãnh đạo của Sri Lanka đã phá giá đồng nội tệ rupee khi họ tìm kiếm gói giải cứu tài chính một từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng điều đó chỉ khiến lạm phát ở trong nước trở nên tồi tệ hơn. Hồi tháng 1, lạm phát ở Sri Lanka đã tăng lên mức 14%, gần gấp đôi tốc độ tăng giá cả tiêu dùng ở Mỹ. Trong tháng 3, giá lương thực ở nước này tăng đến 30%.

Rủi ro an ninh lương thực gia tăng ở Trung Đông và châu Phi

Các chuyên gia cũng đang theo dõi dấu hiệu căng thẳng chính trị ở các nước khác ở Trung Đông, vốn phụ thuộc nhiều vào lương thực nhập khẩu từ khu vực Biển Đen và thường cung cấp các chính sách trợ giá hào phóng cho người dân.

Lebanon, nơi gần 3/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói vào năm ngoái do hậu quả của cơn suy thoái kinh tế và khủng hoảng chính trị, nhập khẩu 70% -80% nhu cầu lúa mì từ Nga và Ukraine. Hôm 7-4, chính phủ Lebanon đã được thỏa thuận sơ bộ với IMF về khoản vay giải cứu 3 tỉ đô la, động thái quan trọng đầu tiên để đưa ra nước này thoát ra cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2019 và trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine.

Và Ai Cập, nước mua lúa mì lớn nhất thế giới, đang chịu áp lực rất lớn khi cố gắng duy trì chương trình trợ giá khổng lồ cho bánh mì.

Có hai thị trường bánh mì ở nước này, với một hệ thống trợ giá cho phép khoảng 70 triệu dân có thu nhập thấp mua đến 5 ổ bánh mì mỗi ngày với mức giá chỉ 0,5 bảng Ai Cập (620 đồng VN)/ổ; và một thị trường bánh mì tự do.

Nước này gần đây đã thiết lập một mức giá cố định cho bánh mì trên thị trường tự do sau khi giá bán tăng 50% do nhập khẩu lúa mì từ Ukraine và Nga bị gián đoạn. Ai Cập đang tìm cách mua lúa mì từ các nước như Ấn Độ và Argentina.

Theo học giả Arezki, với 70% người nghèo của thế giới sống ở châu Phi, khu vực này cũng sẽ chịu sức ép lớn khi giá lương thực và năng lượng tăng cao.

Trong tuần này, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết hạn hán và xung đột ở các nước như Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Burkina Faso đã gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực cho hơn 25% dân số châu Phi, và cảnh báo tình hình sẽ nghiêm trọng hơn trong những tháng tới. Bất ổn chính trị đã và đang gia tăng tại các khu vực của châu lục này. Một loạt các cuộc đảo chính đã diễn ra ở Tây Phi và Trung Phi kể từ đầu năm 2021.

Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn ở châu Âu, vốn có những vùng đệm tài chính lớn hơn để bảo vệ người dân trước những đợt tăng giá cả tiêu dùng, cũng sẽ không có đủ công cụ để chống đỡ được hoàn toàn cú sốc tăng giá lương thực và nhiên liệu. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở các thành phố trên khắp Hy Lạp trong tuần qua để yêu cầu tăng lương chống lạm phát.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới