Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá mua lúa tạm trữ do VFA quyết định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá mua lúa tạm trữ do VFA quyết định

Thái Hằng thực hiện

Ông Nguyễn Anh Tuấn

(TBKTSG Online) – Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính (BTC) cho biết bộ chỉ thực hiện giám sát, điều tra và đưa ra giá thành sản xuất lúa, còn giá mua lúa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết định.

Vừa qua hiệp hội đã thông báo sẽ triển khai mua tam trữ lúa đông xuân cho nông dân với giá tối thiểu là 5.000 đồng/kg lúa khô chuẩn xuất khẩu từ ngày 15-3. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá đã trao đổi với TBKTSG Online xung quanh vấn đề giá thành và giá mua lúa.

TBKTSG Online: Ông cho biết giá thành sản xuất của vụ đông xuân năm nay đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam dùng làm cơ sở đưa ra giá mua tạm trữ ?

– Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo báo cáo của các tỉnh thành chúng tôi tổng hợp thì giá thành thấp nhất là hơn 2.000 đồng, còn cao nhất là 4.000 đồng/kg lúa khô.

Theo quy định thì sở nông nghiệp và tài chính các tỉnh thành điều tra giá lúa, trên cơ sở đó tính toán và trình cho UBND tỉnh công bố và báo cáo cho BTC. Số liệu để công bố cũng gồm có 2 loại, một là giá thành sản xuất của tỉnh thành đó và giá định hướng để BTC tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ và gửi các bộ, ban ngành có liên quan và hiệp hội để điều hành việc mua. 

Giá mua định hướng thì hiệp hội căn cứ vào nhu cầu thị trường, tình hình xuất khẩu, mà quyết định chứ chúng tôi không can thiệp.

-Có thể xem giá mua định hướng đó là giá sàn để mua lúa? 

Giá mua định hướng không phải là giá sàn, vì không thể áp đặt giá mua lúa gạo mà phải tuân thủ theo điều tiết của thị trường. Chính phủ không thể can thiệp bằng cách áp đặt mệnh lệnh hành chính, vì nếu thế sẽ dễ dàng dẫn đến nguy cơ bị điều tra chống trợ giá xuất khẩu. Thay vào đó, Chính phủ chỉ có thể can thiệp vào cung cầu để có mức giá tốt cho người nông dân và phù hợp với nhu cầu thị trường.

-Cơ chế báo cáo của các tỉnh thực hiện điều tra chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa đối với BTC đến nay thực hiện ra sao thưa ông?

– Trong điều khoản thi hành thông tư liên tịch 171 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Tài chính (BTC), có hiệu lực vào đầu năm 2011, về xác định giá mua lúa cho nông dân có nói BTC sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện điều tra chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa của UBND các tỉnh, thành.

Đồng thời, bộ tổng hợp báo cáo chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa thực tế và giá thành kế hoạch do các tỉnh gửi về. Tháng 8 năm 2011, chúng tôi đã phổ biến nội dung thông tư cho các tỉnh thành và đại diện doanh nghiệp. Sau đó các tỉnh thành cũng đã gửi báo cáo về để chúng tôi tổng hợp ra giá thành cho từng vụ.

Đầu vụ đông xuân năm nay Chính phủ yêu cầu công bố giá thành, nhưng chưa thể điều tra được, nên phải sử dụng giá bình quân vụ trước của các tỉnh, nhân với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến của năm để ra giá thành kế hoạch. Từ đó hiệp hội mới tính ra giá mua lúa định hướng đang triển khai hiện nay.

Nhưng theo tôi, giá mua lúa được tính toán và thực hiện theo cơ chế thị trường. Định hướng tạm trữ để đẩy giá lên có lợi cho dân chứ không thể xem đó như là giá sàn ép giá nông dân và gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Người dân theo từng tỉnh và vùng thổ nhưỡng, trình độ canh tác mà có giá thành cao hay thấp và từ đó quyết định mức lãi nhiều lãi ít. Giá thành không thể tính toán cào bằng được.

-Trong trường hợp hiệp hội mua thấp hơn giá mua định hướng thì sẽ xử lý sao thưa ông?

Nếu hiệp hội mua không đúng thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương giám sát và xử lý. Hiện nay Bộ Công Thương có tổ điều hành xuất khẩu khẩu gạo, họ sẽ tính toán mua tạm trữ thế nào, hình thức mua ra sao.

Nguyên tắc tính giá sàn xuất khẩu gạo thì theo thông tư 89 (Thông tư 89/2011/TT-BTC) rồi tổ điều hành và hiệp hội cứ căn cứ vào đó mà xác định rồi công bố, theo từng thời kỳ có lợi nhất.

-Còn kinh phí mua tạm trữ vụ đông xuân thế nào thưa ông?

Kinh phí thực hiện mua tạm trữ của hiệp hội về nguyên tắc là tự chủ. BTC chỉ hỗ trợ sau khi Chính phủ quyết định. Về mặt thị trường thì hiệp hội phải tự huy động doanh nghiệp mình, chủ động mua tạm trữ đã. Sau đó nếu còn nếu khó khăn thì yêu cầu hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới