Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá phân bón tăng chóng mặt  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá phân bón tăng chóng mặt  

Sản xuất phân urê tại Nhà máy phân đạm Phú Mỹ – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Giá phân tăng chóng mặt và tăng nhanh chưa từng có trong hơn 10 năm qua. Có loại như phân DAP chỉ trong vòng 2 tháng đã tăng hơn 60% và còn khả năng tăng cao hơn nữa. Đây là nhận xét của nhiều nhà kinh doanh phân bón.  

Ông Vũ Duy Thành, chủ đại lý kinh doanh phân bón sỉ tại huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, cho biết giá phân phức hợp NPK loại 16-16-8 của Công ty Phân bón Bình Điền mà nhà máy giao cho đại lý trong hai ngày qua đã tăng lên mức 10.000 đồng/kg, trong khi vào tháng 12 năm ngoái loại phân này có giá 7.100 đồng/kg và ngày 10-1 có giá 7.500 đồng/kg.  

Tăng mạnh hơn là phân NPK Việt Nhật của Công ty liên doanh phân bón Việt Nhật hiện giao cho các đại lý ở mức 10.400 đồng/kg. Hôm qua, 25-2, buổi sáng giá xăng dầu tăng thì buổi chiều Việt Nhật công bố giá mới tăng thêm 1.000 đồng/kg.  

“Giá phân lên dữ lắm, chưa bao giờ tôi thấy tăng như thế này, cứ vài hôm nhân viên công ty phân bón lại fax bảng giá mới, tăng vài trăm đồng mỗi kí lô so với giá cũ”, ông Thành nói qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online  

Tuy nhiên, theo nhiều chủ đại lý kinh doanh phân bón ở ĐBSCL, loại phân tăng giá mạnh nhất, tăng chưa từng thấy trong hơn 10 năm qua thuộc về phân DAP. Tháng 12 năm ngoái giá phân này được các nhà buôn cung cấp cho đại lý 10.500 đồng/kg thì chưa đầy 2 tháng sau, tức hiện nay, giá đã 17.000 đồng/kg, tức tăng tới 62%.  

Phân u rê tuy tăng chậm so với các loại phân khác nhưng nếu tính tốc độ thì cũng đạt mức tăng 10%, điển hình là cuối tháng 12, giá phân u rê Phú Mỹ 6.000 đồng thì hiện nay 6.600 đồng/kg.  

Giá xăng dầu tăng đang tác động mạnh tới giá phân bón do đã đẩy cước phí vận chuyển tăng. Bà Huỳnh Ngọc Thảo, chủ đại lý kinh doanh phân bón ở An Giang cho biết giá phân bón mà các đại lý bán ra thường cao hơn giá nhà máy giao khoảng 150 đồng/kg. Nhưng đại lý có thể sẽ lại phải tính toán tiếp vì giá xăng dầu và nhiều chi phí khác đang tăng; nhất là giá cước vận chuyển phân từ nhà máy về đại lý cấp 1 và từ đại lý cấp 1 đến các đại lý cấp 2 trong tỉnh phải thay đổi cho phù hợp.  

Ông Đỗ Duy Phi, Tổng giám đốc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, nhà cung cấp phân NPK lớn trên thị trường, cho biết giá phân tăng là do nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đều tăng mạnh; còn ở trong nước, đầu vào cho sản xuất phân như than đá và nhiều khoản chi khác đều tăng, buộc lòng phân bón tăng theo giá thị trường.  

“Chúng tôi đã yêu cầu các công ty phân bón trực thuộc cố gắng tiết kiệm chi phí, nếu có tăng giá phải tính toán thật kỹ, tránh gây sốc cho thị trường phân bón đang vào thời điểm nhu cầu cao”, ông nói.  

Ông Nguyễn Đình Hạc Thuý, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho biết giá phân tăng một phần bị tác động bởi sự tăng giá chung của thị trường và do giá xăng dầu thế giới (đối với phân nhập khẩu), nhưng quan trọng nhất là do ĐBSCL và miền bắc đều đang vào vụ sản xuất đại trà. Hiện nhiều diện tích lúa ở phía bắc sau đợt rét phải gieo cấy lại, đẩy nhu cầu phân tăng đột biến.  

“Giá phân còn tăng thêm nữa”, ông Thuý dự đoán sau khi giá xăng dầu trong nước tăng vào hôm 25-2. Dự kiến đầu tháng tới, Hiệp hội phân bón Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan họp bàn tại TPHCM về giải pháp bình ổn thị trường phân bón.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới