Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá quặng sắt giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ năm 2008

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong tuần này, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế giảm hơn 20%, mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc hạ nhiệt và các nhà máy thép ở nước này buộc phải bán ra quặng sắt để đáp ứng yêu cầu hạn chế sản lượng thép của chính phủ.

Giá quặng sắt từng lên mức kỷ lục 230 đô la Mỹ/tấn hồi tháng 5 nhưng hôm 17-9, vật liệu dùng để sản xuất thép này chỉ giao dịch với mức 100,8 đô la/tấn, giảm 22% trong một tuần, theo dữ liệu của S&P Global Platt.

Giá quặng sắt hiện nay đã giảm hơn 50% so với mức kỷ lục 230 đô la Mỹ/tấn được thiết lập hồi tháng 5. Ảnh: Bloomberg

Giới phân tích cho biết lần cuối giá bán quặng sắt giảm mạnh như vậy diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Bắc Kinh yêu cầu ngành công nghiệp thép khổng lồ trong nước duy trì sản lượng chỉ hơn 1 tỉ tấn trong năm nay trong một nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, khi căng thẳng ngoại giao với Úc, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, leo thang, chính phủ Trung Quốc cũng muốn chủ động cắt giảm sản lượng thép.

Tom Price, nhà phân tích của Công ty môi giới Liberum ở London, nói: “Không ai tin rằng họ (giới chức trách Trung Quốc) sẽ làm điều đó nhưng dường như họ đang làm”.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc lần lượt giảm 8% và 12% trong tháng 7 và tháng 8 nhưng nếu tính tổng thể trong 8 tháng đầu năm nay, vẫn đang tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Price cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách giảm sản lượng thép mạnh hơn nữa trong những tháng cuối năm để đạt mục tiêu khống chế sản lượng thép thô ở mức chỉ hơn 1 tỉ tấn.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong tháng 8, Trung Quốc sản xuất 83,24 triệu tấn thép thô. Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết đây là mức sản lượng thép thô thấp nhất của Trung Quốc kể từ tháng 3-2020 giữa lúc Bắc Kinh thúc ép ngành công nghiệp thép giảm khí thải nhà kính.

Báo cáo của ANZ Research nhận định: “Các biện pháp hạn chế sản lượng thép sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến cuối năm 2021 khi các tỉnh ở Trung Quốc tìm cách đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải nhà kính. Với việc Trung Quốc hạn chế sản lượng thép trong năm nay chỉ ngang bằng năm ngoái, chúng ta sẽ chứng kiến sản lượng thép của nước này giảm 11% trong nửa cuối năm 2021, khiến nhu cầu quặng sắt mất mát khoảng 87 triệu tấn”.

Hồi đầu tuần này, chính quyền tỉnh Vân Nam yêu cầu các nhà sản xuất địa phương hạn chế sản lượng thép, nhôm và các vật liệu khác.

Tỉnh Vân Nam, nơi sản xuất 2,3% tổng lượng thép thô toàn quốc, là chính quyền địa phương mới nhất chỉ đạo giảm sản lượng thép khi Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch làm sạch bầu trời để giảm ô nhiễm không khí trước thềm Thế vận hội mùa đông tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 2-2022.

Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao ở Ngân hàng Westpac (Úc), cho biết thị trường quặng sắt rất nhạy cảm với tin tức hạn chế sản lượng thép. Eric Hedborg, nhà phân tích quặng sắt ở Công ty tư vấn CRU, nói: “Trung Quốc không có thêm nhu cầu để tăng sản lượng thép”.

Các công ty buôn bán quặng sắt cho biết mệnh lệnh hạn chế sản lượng của Bắc Kinh buộc các nhà máy thép ở Trung Quốc cuống cuồng bán bớt quặng sắt dự trữ bằng cách bán thẳng vào thị trường thứ cấp với mức giá giảm mạnh.

Một yếu tố khác đang kìm hãm nhu cầu quặng sắt là thị trường bất động sản Trung Quốc hạ nhiệt. Hoạt động xây dựng ở Trung Quốc được dự báo sẽ tăng chậm lại kể từ quí 4-2021.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Tập đoàn Evergrande, công ty bất động sản nợ lớn nhất Trung Quốc, có thể dẫn đến việc tín dụng được phân phối cho tập đoàn phát triển bất động sản khác.

“Ngành bất động sản đang trở thành mối lo ngại lớn đối với nhu cầu quặng sắt. Mọi người đang chú ý đến Evergrande như là chỉ số hàng đầu cho triển vọng hoạt động xây dựng ở Trung Quốc”, Hedborg nói.

“Từ đầu năm đến nay, nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu nhìn chung ổn định nhưng sẽ tăng lên trong những tháng tới nếu như hai tập đoàn khai khoáng Vale (Brazil) and Rio Tinto (Anh-Úc) đẩy mạnh khai thác quặng sắt để đạt sản lượng mục tiêu trong năm 2021. Điều này sẽ dẫn đến lượng quặng sắt tồn đọng ở các kho cảng Trung Quốc tăng lên đáng kể và khiến giá quặng sắt giảm mạnh hơn dự báo trong 6 tháng tới”, nhà phân tích Myles Allsop ở Ngân hàng UBS, nhận định.

Cú lao dốc của giá quặng sắt cũng sẽ tác động lớn đến các tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới sau khi họ trả mức cổ tức kỷ lục cho cổ động nhờ nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ quặng sắt.

Hôm 17-9, cổ phiếu của Anglo American và Rio Tinto, hai trong số những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, chứng kiến mức giảm sâu nhất trong chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh sau khi Ngân hàng UBS hạ dự báo lợi nhuận của họ và khuyên khách hàng bán cổ phiếu của họ.

Giá quặng sắt giảm mạnh giữa lúc gián than cốc, nhiên liệu sử dụng để sản xuất thép, leo lên mức kỷ lục ở Trung Quốc do nguồn cung thiếu hụt. Giá than cốc ở nước này chạm mức 5,77 đô la/tấn vào hôm 17-9, tăng gần 60% so với tháng trước.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới