Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá quặng sắt tăng mạnh trước thềm năm mới âm lịch

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá giá quặng sắt trên thị trường thế giới tăng lên cao trong bối cảnh các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng cường tích trữ để đón đầu nhu cầu được dự báo cải thiện nhờ Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ trong nỗ lực kích thích tăng trưởng. Bên cạnh đó, mối lo ngại về việc nguồn cung sẽ thắt chặt trong thời gian tới do tác động của đại dịch Covid-19 cũng làm giá quặng sắt lên cao.

Quặng sắt nhập khẩu được bốc dỡ ở cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 28-1, giá quặng sắt tương lai trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) tăng hơn 7,6% lên mức 829 nhân dân tệ/tấn, cao nhất trong 5 tháng qua. Giá quặng sắt giao tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 7%, lên mức 147,25 đô la/tấn.

Giá quặng sắt duy trì đà tăng trên cả hai thị trường này ngay cả cả khi một số nhà giao dịch đã nghỉ ngơi trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 31-1 ở châu Á. Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao ngay cũng bật tăng mạnh mẽ , lên mức 140 đô la/tấn, theo dữ liệu của Công ty tư vấn SteelHome.

Trong năm 2021, thị trường quặng sắt giống như đi tàu lượn siêu tốc vào trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực hạn chế sản lượng thép thô để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon. Giá quặng sắt đã thiết lập mức đỉnh cao nhất lich sử 230 đô la/tấn hồi tháng 5, trước khi hạ nhiệt và rơi xuống tận mức 87 đô la/tấn hồi giữa tháng 11.

Tuy nhiên, giá của nguyên liệu sản xuất thép này đang phục hồi mạnh mẽ và đã tăng trong 4 tuần liên tiếp khi các nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc dự kiến ​tăng sản lượng trong nửa đầu năm 2022. Dù Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu giảm khí thải carbon đầy tham vọng nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng “giảm khí thải không có nghĩa là giảm sản lượng”.

Các nhà chiến lược hàng hóa của Ngân hàng ING cho biết trong một báo cáo: “Điều này một lần nữa làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của nhu cầu các nguyên liệu thô, dự kiến rõ ràng hơn sau tháng 2 khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đã kết thúc”.

Bên cạnh đó, các cảnh báo gần đây của các tập đoàn khai khoáng khổng lồ như Fortescue Metals Group, BHP Group, và Rio Tinto về tình trạng thiếu lao động ở Úc, nước xuất khẩu quặng sắt lớn thế giới, do đà lây lan của biến thể Omicron, đã tiếp thêm động lực tăng giá cho quặng sắt.

Một nguồn tin từ Rio Tinto Group nhận định giá quặng sắt tăng có thể có liên quan đến yếu tố tích trữ đầu cơ theo chu kỳ mùa vụ. Nguồn tin này nói: “Mọi năm, cứ trước thềm Tết Nguyên đán, tình trạng mua gom tích trữ quặng sắt ở Trung Quốc lại xuất hiện”.

Dù đẩy mạnh các nỗ lực sản xuất và xuất khẩu quặng sắt, Rio Tinto Group đang đối mặt nhiều thách thức bao gồm thiếu công nhân do các hạn chế nghiêm ngặt ở bang Tây Úc để kiểm soát đà lây lan của biến thể Omicron. Bang Tây Úc là nơi tập trung nhiều mỏ quặng sắt lớn của Úc và chiếm 70% tổng lượng quặng sắt mà Úc xuất khẩu sang Trung Quốc hàng năm.

Trước đà tăng giá quá nhanh và bất thường của quặng sắt trong những tuần gần đây, hôm 28-1, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố tăng cường trấn áp các hành vi như tăng giá quá mức và đầu cơ tích trữ.

“Phân tích của chính phủ cho thấy cung và cầu nhìn chung ổn định và các kho dự trữ quặng sắt trong nước ở mức cao nhất trong nhiều năm. Chúng tôi phát hiện thấy có yếu tố đầu cơ trong đợt tăng giá nhanh gần đây ”, tuyên bố của NDRC cho hay.

Hôm 30-1, Vụ Nguyên liệu thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cho biết: “Giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục 230 đô la/tấn trong tháng 5, điều này vượt xa khỏi các yếu tố cơ bản về cung cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của ngành thép”.

Wang Guoqing, Giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu thông tin thép Lange Bắc Kinh, dự báo giới chức trách cũng sẽ tiến hành triển khai các biện pháp khác để ổn định thị trường quặng sắt bao gồm đa dạng hóa nguồn cung. Kể từ năm 2015, Úc và Brazil cung cấp đến gần 80% nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc.

Giới chức trách Trung Quốc đang kêu gọi các nhà giao dịch quặng sắt trong nước hạn chế giao dịch các hợp đồng tương lai và gây sức ép để các tập đoàn khai thác quặng sắt lớn như Rio Tinto, BHP và Vale tăng nguồn cung. Bắc Kinh cũng khuyến khích thăm dò quặng sắt trong nước và sử dụng sắt phế liệu để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong định hướng phát triển ngành thép hồi tháng 1-2021, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc  đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung tự cấp về quặng sắt của Trung Quốc lên trên mức 45% vào năm 2025.

Theo Reuters, Global Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới