Giá tăng ảnh hưởng kế hoạch giảm nghèo
![]() |
Giá cả leo thang khiến đời sống người lao động càng thêm khó khăn và kế hoạch giảm nghèo cũng bị ảnh hưởng – Ảnh minh họa: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Sự leo thang của giá cả hàng ngày đã đẩy những người không thuộc diện nghèo tại TPHCM lâm vào cảnh khó khăn, điều này đang ảnh hưởng đến kế hoạch giảm hộ nghèo của thành phố.
Không thuộc diện nghèo nhưng vẫn nghèo
Bữa trưa của chị Hằng, người bán bún xào rong tại TPHCM, như mọi khi vẫn là món… bún xào, món hàng mà chị bán. Chị chọn món ăn trưa này không chỉ do không có thời gian về nhà nấu cơm mà chủ yếu là để tiết kiệm. Bữa tối chị mới nấu cơm cho gia đình nhưng tiêu chuẩn cũng không bao giờ quá 10.000 đồng. Nhưng gần đây số tiền này không đủ để trang trải cho bữa cơm tối vì giá cả thực phẩm đã tăng cao.
Câu chuyện của chị Hằng đang trở thành phổ biến trong nhiều hộ gia đình tại TPHCM hiện nay.
Chị Hằng than rằng giá cả mặt hàng nào cũng tăng, gạo một ký hiện nay đã hơn 8.000 đồng. Nếu bữa nào cũng ăn cơm thì không kham nổi chi phí, nên chị chọn giải pháp một bửa ăn cơm, một bửa ăn bún trừ cơm. Mỗi hộp bún xào chị bán sau Tết đã được nâng giá lên thêm 1.000 đồng/hộp, nhưng chi phí để làm một gánh bún bán cho cả ngày cũng đã tăng từ 200.000 đồng trước đây lên hơn 300.000 đồng. Tính ra, tiền lời hằng ngày vẫn như cũ, trong khoảng 30.000-60.000 đồng.
Như vậy, bình quân một tháng chị Hằng kiếm được từ 900.000 đồng đến 1.800.000 đồng, con số vượt qua chuẩn nghèo của TPHCM. Thế nhưng, với số tiền ấy chị Hằng còn phải trả bao nhiêu khoản như tiền ăn (20.000/ngày), tiền điện nước, tiền nhà và nhiều khoản khác cứ ngày một đội giá lên. Nên chị Hằng không thuộc diện nghèo mà vẫn nghèo.
Giá cả tăng cao là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho dân nghèo gặp khó khăn. Theo ông Phạm Tri Ân, Phó văn phòng Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và việc làm TPHCM, việc làm không ổn định, dân trí thấp và nhiều yếu tố bất ổn khác đang tác động mạnh mẽ đến người nghèo.
Nâng chuẩn nghèo lên mức chung của châu Á
Theo chuẩn nghèo của Chương trình xóa đói giảm nghèo TPHCM giai đoạn 2 (2006-2010), với mức thu nhập bình quân đầu người từ trên 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, nhiều hộ gia đình sẽ không còn nằm trong diện nghèo. Thế nhưng, trước cơn bão giá ngày một leo thang, cộng thêm nhiều yếu tố khác, đời sống của những hộ cận nghèo đang có nguy cơ “tái nghèo” và hộ nghèo sẽ nghèo hơn nữa.
UBND TPHCM đã đặt ra chỉ tiêu năm 2008 về cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/ năm, đưa chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố hoàn thành trước kế hoạch 2 năm. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi với mức thu nhập trên 500.000 đồng/người/tháng đi nữa thì người dân cũng khó lòng đủ sống với giá cả đắt đỏ như hiện nay. Như vậy chuẩn thu nhập 6 triệu đồng/người/năm là quá thấp và không thể lấy làm căn cứ để chứng minh chương trình xóa đói giảm nghèo thành công nếu không còn hộ có thu nhập dưới mức nêu trên. Và trường hợp chị Hằng ở trên là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, ông Ân khẳng định việc hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2 (2006-2010) của chương trình xóa đói giảm nghèo TPHCM không có nghĩa là đạt chỉ tiêu để rồi thôi, không làm nữa. Vì ngoài đối tượng nghèo, thành phố cũng có những chính sách cụ thể tác động, hỗ trợ đối tượng cận nghèo, có mức thu nhập 6 triệu trở lên nhưng thiếu yếu tố bền vững.
Do đó, việc kết thúc giai đoạn 2 chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố dự kiến rơi vào cuối quý 2 năm nay là nhằm mục đích tổng kết lại 16 năm thực hiện chương trình, sớm đưa ra điều chỉnh cho kế hoạch mới, phù hợp với mức trượt giá hiện nay hơn. Ông Ân nói: “Nhà nước đang tính toán để điều chỉnh việc này”, và bổ sung rằng chuẩn nghèo của TPHCM hiện nay đã cao gấp đôi so với chuẩn quốc gia: 3.150.000 đồng/người/ năm đối với dân đô thị và 2.600.000 đồng/người/năm đối với dân nông thôn.
Theo nhận định của ông Ân, việc đưa ra chuẩn nghèo không chỉ được tính toán dựa trên thu nhập, chi tiêu bình quân của người dân mà còn phải phụ thuộc vào số hộ nghèo cũng như năng lực thực thi của chương trình xóa đói giảm nghèo. “Nếu đưa ra chuẩn cao nhưng quỹ xóa đói giảm nghèo lo không nỗi thì cũng không được”, ông nói.
Bản thân ông Ân cũng thừa nhận tuy mặt bằng thu nhập hộ nghèo trong năm qua có tăng lên nhưng do tỷ lệ trượt giá cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người nghèo, một số hộ cận nghèo cũng ở trong nguy cơ có thể quay lại ngưỡng nghèo. Do đó, chuẩn nghèo sắp tới có thể được điều chỉnh ở mức dưới 2 đô la Mỹ/người/ngày, mức mà nhiều nước châu Á và Mỹ hiện sử dụng.
Giảm nghèo cần đi vào thực tế
Năm 2007, thành phố đã có nhiều chính sách tích cực để giúp đỡ người nghèo như hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, cải thiện điều kiện và môi trường sống cho hộ nghèo, trợ giúp pháp lý… Tuy nhiên, ông Ân khẳng định, trong số các yếu tố để thoát nghèo thì yếu tố tự lực chiếm đến 60-70%. Do đó, nếu chính sách có hỗ trợ đến đâu đi chăng nữa nhưng người dân không có quyết tâm thì cũng không thể thoát nghèo.
Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố 2007 đạt 1.218,66 tỷ đồng, tăng 1.064,96 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Toàn thành phố có thêm 27.217 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo, trong đó 747 hộ vượt qua mức thu nhập 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 20 phường, xã nghèo trọng điểm chỉ còn lại 8,05%. Số hộ nghèo thành phố còn lại 17.033 hộ, chiếm tỷ lệ 1,37% tổng hộ dân thành phố, trong đó có 243 hộ có thu nhập dưới 4 triệu đồng/người/năm.
Năm 2008, chương trình xóa đói giảm nghèo của thành phố đặt mục tiêu chăm lo cho hơn 17.000 hộ nghèo còn lại trong danh sách, giảm từ 10.000 đến 12.000 hộ nghèo, đảm bảo tỷ lệ nghèo thành phố đến cuối năm 2008 là 0,5% so với tổng hộ dân thành phố, đồng thời, nâng mức thu nhập cho hộ cận nghèo lên trên 8 triệu/người/năm.
Tuy nhiên, mong muốn của dân nghèo như chị Hằng không phải là thoát khỏi chuẩn nghèo được qui định bằng một con số thu nhập khô cứng mà chính là có một cuộc sống đầy đủ hơn, được tận hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn. Có như thế chương trình xóa đói giảm nghèo mới thực sự có ý nghĩa.
HẠNH CHÂU