Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá tăng, dự án hạ tầng ì ạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá tăng, dự án hạ tầng ì ạch

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn vì mức trượt giá lên đến 20-40% do giá vật liệu tăng đột biến – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Hơn ba tháng qua, các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, đang xoay xở một cách khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.

Theo Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng), chi phí cho vật liệu xây dựng chiếm khoảng 40-50% tổng giá trị công trình. Qua tính toán, sự leo thang của giá vật liệu xây dựng từ cuối năm 2007 đến nay đã làm cho giá trị các công trình tăng thêm từ 20-40%.

Có những thời điểm mà giá cả các loại vật liệu thiết yếu như thép, xi măng tăng 70-80%, gạch tăng gấp 2-3 lần đã làm cho các nhà thầu lao đao.

Các chuyên viên Bộ Giao thông Vận tải nói rằng với các dự án cầu, đường, sự trượt giá lên đến 20-40% là rất lớn và thực sự đang gây rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất kể đó là doanh nghiệp mạnh hay yếu.

Kinh phí đầu tư liên tục tăng

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là vốn đầu tư đã bị đội lên cao. Đối với các dự án cầu, đường đang trong giai đoạn xây dựng, tổng vốn đầu tư và kinh phí dự toán công trình đã được xác định cụ thể và đã được phê duyệt. Mỗi khi giá cả vật liệu biến động ảnh hưởng đến giá trị công trình nếu trong phạm vi trượt giá khoảng 10% thì nhà thầu còn có kinh phí dự phòng, nhưng nếu trượt giá quá cao thì cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư đều thực sự khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn.

Theo báo cáo từ các dự án hạ tầng quy mô lớn, nhiều dự án phải tăng vốn đầu tư và phần điều chỉnh vốn ngày càng tăng. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có kinh phí đầu tư từ 3.800 tỉ đồng đã tăng lên hơn 7.000 tỉ đồng. Dự án đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương có mức đầu tư tính toán trước đây là 6.000 tỉ đồng, nay lên trên 10.000 tỉ đồng. Dự án đường cao tốc Láng – Hòa Lạc từ 3.700 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng…

Biến động giá, kéo theo việc các nhà thầu thi công cầm chừng, và gần như tất cả các công trình giao thông trọng điểm đều bị chậm tiến độ. Trong thời gian gần đây, hàng loạt công trình giao thông đều chậm tiến độ so với kế hoạch như cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 3, quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận-Vàm Cống, tuyến N2 đoạn Đức Hòa-Thạnh Hóa, tuyến đường Nam sông Hậu, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương…

Nhiều doanh nghiệp than rằng từ cuối năm ngoái đến nay không dám đi đấu thầu dự án, vì lo ngại rằng càng nhận được nhiều công trình thi công thì càng lỗ. Điều lo ngại này xuất phát từ lý do các dự án hạ tầng đều là những dự án cần lượng vốn đầu tư lớn, quá trình thi công, nghiệm thu và thanh toán đều kéo dài, thời gian thu hồi vốn lâu và lượng tiền nhà đầu tư thu về lại là “tiền lẻ” so với lượng tiền bỏ ra.

Bài toán điều chỉnh giá

Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhận xét rằng trong thời gian vừa qua, các nhà thầu tham gia các dự án do bộ quản lý luôn trong tâm trạng chờ đợi được điều chỉnh giá. Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc điều chỉnh giá cho các dự án, công trình.

Thế nhưng, từ chính sách đến thực tế lại là một khoảng cách lớn. Cụ thể, thông tư 09 của Bộ Xây dựng về việc xử lý trượt giá và bù giá vật liệu xây dựng đã có hiệu lực được hai tháng nhưng vẫn chưa có mấy công trình hạ tầng mà các doanh nghiệp nhận được tiền cho việc bù giá.

Đầu tháng 6 này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản 4199 hướng dẫn chi tiết xử lý chênh lệch giá theo thông tư 09 trong các công trình xây dựng cơ bản của ngành, nhưng để hoàn thành thủ tục đúng theo quy định thì các nhà thầu, chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải mất khoảng thời gian vài tháng.

Trong thời gian các bên lo hoàn tất thủ tục thì giá vật liệu xây dựng trên thị trường lại vẫn tiếp tục biến động. Do đó, đại diện một số tổng công ty xây dựng công trình giao thông đã than rằng phần bù giá có thể sẽ không bằng với phần kinh phí phát sinh trong thực tế do giá vật liệu tiếp tục tăng và lãi suất vay ngân hàng tăng cao.

Một vấn đề khác đối với các nhà thầu, nhà đầu tư là mọi thủ tục về trượt giá đều phải được xây dựng trên bảng giá vật liệu xây dựng tại địa phương, mà bảng giá này mỗi địa phương quy định khác nhau, từ đó rất khó xác định mức độ trượt giá và bù giá một cách chính xác.

Mặt khác, việc bù chênh lệch giá luôn gắn liền với tiến độ dự án, trong khi hầu hết các dự án hạ tầng trên cả nước hiện nay đều chậm so với kế hoạch mà một trong những nguyên nhân chính là tiến độ giải phóng mặt bằng bị kéo dài. Một khi tiến độ thi công bị đình trệ thì nhà thầu cũng chậm nhận được tiền tạm ứng và bù giá. Điều này dẫn đến nhà thầu lại tiếp tục thiếu vốn, dự án tiếp tục chậm trễ, chi phí phát sinh tiếp tục tăng…, tạo ra một cái vòng luẩn quẩn.    

SONG NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới