Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp từ nền tảng văn hóa kinh doanh

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân là sức mạnh mềm, giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, theo các chuyên gia.

Tại buổi họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam sáng 6-10, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm. Đồng thời, là nguồn lực lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi quốc gia và địa phương.

“Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp” bà Lan Anh nói và cho biết doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia.

Với Việt Nam, bà Lan Anh cho rằng việc xây dựng văn hóa kinh doanh cần bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.

Cũng theo Tổng thư ký VCCI, để xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh quốc gia, cần thống nhất về nhận thức, nghiên cứu về lý luận, từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện. Nhưng hiện những vấn đề cơ bản nhất về lý luận về đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu sâu và chưa thống nhất.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: D.T

Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cũng nhấn mạnh việc xây dựng đạo đức doanh nhân trong việc tạo sức cạnh tranh, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Công, Việt Nam có gần 860.000 doanh nghiệp, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động với khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế tính tới cuối tháng 12-2021. Cả nước có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện cũng lên đến hàng triệu người.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt như kỳ vọng. Phát triển doanh nghiệp về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra và con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Ngoài ra, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nhân vi phạm đạo đức, văn hoá truyền thống và cả quy định pháp luật.

Vì vậy, ông Phạm Tấn Công cho rằng, cần phải thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nhân, vinh danh các doanh nhân tiêu biểu để làm tấm gương cho cộng đồng noi theo.

Mới đây, VCCI đã công bố bộ tiêu chí quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với 6 tiêu chuẩn gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới