Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá thành hạ, nỗi lo vẫn còn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá thành hạ, nỗi lo vẫn còn

Minh Huy

(TBVTSG) – Công ty VMware vừa tung ra phiên bản mới của sản phẩm Virtual Infrastructure 3 (VI-3), gọi là vSphere 4.0, được họ mô tả là “hệ điều hành đám mây đầu tiên”.

Raghu Raghuram, Phó chủ tịch về sản phẩm và giải pháp của VMware, cho biết: “vSphere 4.0 cho phép doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ biến trung tâm dữ liệu của họ thành những đám mây riêng tư (tức những trung tâm dữ liệu được ảo hóa). Chúng tôi đang nỗ lực để có thể phân phối công nghệ thông tin (CNTT) như là một dịch vụ”.

Ảo hóa: Cạnh tranh gay gắt về giá

Điểm đáng chú ý là VMware đã áp dụng chính sách giá mới có thể giúp doanh nghiệp xem xét nhiều hơn đến việc ứng dụng công nghệ ảo hóa.  vSphere bao gồm hai phiên bản cấp thấp là vSphere Essentials và Essentials Plus cùng với hai phiên bản cao cấp là Enterprise và Enterprise Plus.

Giá của các phiên bản cao cấp tăng lên, nhưng lại giảm ở các phiên bản cấp thấp. Điều quan trọng là các phiên bản mới này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều lựa chọn hơn.

Ông Raghuram nói: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nghĩ rằng công nghệ ảo hóa chỉ dành cho các công ty lớn. Nhưng chúng tôi đang mang đến cho họ một giải pháp được thiết kế để đáp ứng ba nhu cầu hàng đầu của họ: tính sẵn dùng, sự quản lý và khả năng bảo mật – ở một mức giá hợp lý mà họ có thể chấp nhận”.

Mark Bowker, một nhà phân tích tại công ty phân tích Enterprise Strategy Group, nhận định : “Công ty VMware thống trị thị trường này trong vài năm qua. Nhưng giờ đây với sự xuất hiện của hệ thống ảo hóa Hyper-V của Microsoft trong khi Citrix cung cấp miễn phí sản phẩm XenServer, VMware đang đối mặt với sức ép về chiến lược định giá”.

Charles King, Chủ tịch công ty phân tích công nghiệp CNTT Pund-IT, nhận định rằng giá thành của công nghệ ảo hóa dành cho doanh nghiệp đang giảm. Ngoài ra, ông King cho rằng với sự cạnh tranh về giá đang trở nên gay gắt, lĩnh vực CNTT có cơ hội nghĩ ra nhiều cách thức mới hơn để sử dụng công nghệ ảo hóa và hưởng lợi từ nó, như tăng cường hợp nhất trung tâm dữ liệu và máy chủ.

Ông Dave Bartoletti, một nhà phân tích tại nhóm phân tích tư vấn Taneja Group, cho rằng lưu trữ và kết nối mạng là hai lĩnh vực có thể ứng dụng công nghệ ảo hóa. Ông nói: “Những lợi thế đã có, nhưng người ta không biết về chúng. Việc ứng dụng công nghệ ảo hóa đối với lưu trữ có thể mang lại cho bạn những hiệu suất như trong lĩnh vực máy chủ”.

Chuyên gia Johns của Burton Group cho biết xu hướng giá giảm cũng sẽ tác động đến dòng sản phẩm cấp thấp của thị trường. Ông nói: “Trước đây, nhiều khách hàng thấy không cần thiết phải dùng các chương trình giá cao của VMware cho những công việc không quan trọng lắm. Tuy nhiên, giờ đây họ có thể cân nhắc nhiều hơn đến lựa chọn này”. Ngoài ra, xu hướng này cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, kèm theo sự phát triển này là không ít nỗi lo về chất lượng nhà cung cấp dịch vụ trong vấn đề bảo mật của lĩnh vực này.

Điện toán đám mây: nỗi lo còn đó!

Ông Christopher Shockey, một nhà phát triển phần mềm, nhìn thấy những dấu hiệu trục trặc đầu tiên vào cuối năm 2008. Một người đại diện bán hàng của nhà cung cấp dịch vụ phát triển ứng dụng Web Coghead bỗng nhiên lại gọi điện thoại thay mặt cho Salesforce.com, đối thủ lớn hơn của Coghead. Không lâu sau đó, những người đại diện bán hàng khác rời khỏi Coghead và công ty này chậm tung ra phiên bản mới của nền tảng phát triển của mình.

Đến tháng 12-2008, Giám đốc công nghệ Greg Olsen của Coghead cho biết trên blog của công ty rằng, họ đang tìm kiếm thêm vốn. Rồi vào ngày 18-2-2009, trong lá thư gửi khách hàng, Coghead thông báo chấm dứt ngay tức thì dịch vụ phát triển nền tảng dựa trên đám mây của mình “do tác động của những thách thức kinh tế”.

Tập đoàn SAP sau đó đã mua lại phần tài sản trí tuệ của Coghead, nhưng quyết định chấm dứt dịch vụ nói trên và gia hạn cho khách hàng đến ngày 30-4-2009 để lấy lại tất cả các ứng dụng và dữ liệu của mình. Ông Shockey, người sáng lập công ty Hekademia Consulting, mất không ít thời gian và công sức để chuyển ứng dụng quản lý quan hệ khách hàng (CRM) của mình từ Coghead sang cơ sở dữ liệu QuickBase của Intuit.

Trước đó vào tháng 8-2008, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trực tuyến The Linkup (còn được biết đến là MediaMax) chấm dứt hoạt động. Vụ việc này lúc ấy đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi trên mạng về việc công ty nào phải chịu trách nhiệm cho việc để mất dữ liệu khách hàng: The Linkup hoặc Nirvanix, một công ty khác được sinh ra từ cùng một công ty mẹ. Tiếp sau đó, vào tháng 3-2009, công ty Hewlett-Packard đóng cửa dịch vụ lưu trữ Upline.

Những vụ việc như trên đặt ra câu hỏi rằng liệu bạn có thể tin tưởng các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dựa trên đám mây nói riêng hoặc bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào hay không? Một số khách hàng – nhất là những người bị mất dữ liệu bởi nhà cung cấp không còn hoạt động, như The Linkup – thề rằng họ sẽ không bao giờ tin vào “đám mây” một lần nào nữa. Tuy nhiên, đối với những người khác, đây là vấn đề cân bằng giữa những lợi ích (chi phí thấp và dễ triển khai) và rủi ro (nhà cung cấp dịch vụ đóng cửa).

Dưới đây là bốn bước mà bạn có thể tiến hành để bảo đảm rằng bất kỳ sự “đột tử” nào của nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của bạn.

1. Kiểm tra “sức khỏe” của nhà cung cấp

Thất bại tài chính là rủi ro đầu tiên mà một nhà cung cấp dịch vụ đám mây có thể gặp phải. Trước khi ký kết hợp đồng với một nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào đó, bạn phải kiểm tra kỹ tình hình tài chính của họ, như doanh thu, khả năng sinh lợi, tiền mặt đang nắm giữ và số lượng khách hàng. Ngoài ra, một số nhà phân tích đề nghị bạn nên phân tán rủi ro thông qua chiến lược san sẻ công việc cho nhiều đối thủ của nhau. Chiến lược này cũng dễ dàng thúc đẩy các đối thủ của nhau cắt giảm giá dịch vụ.

2. Sao lưu dữ liệu trên đám mây

Trong lĩnh vực điện toán đám mây, nhà cung cấp dịch vụ nắm giữ dữ liệu quan trọng, máy chủ, và thậm chí là toàn bộ ứng dụng tại những địa điểm mà bạn không có quyền truy xuất trực tiếp, thường là trong những môi trường ảo hóa hoặc thuộc quyền sở hữu của họ. Cách duy nhất để tiếp cận chúng là thông qua công cụ hoặc giao diện lập trình ứng dụng (API) của chính nhà cung cấp. Vì thế, bạn cần phải bảo đảm rằng mình đã sao lưu những tài sản quan trọng tại công ty hoặc một nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác. Ngoài ra, phải bảo đảm rằng bạn có thể truy xuất dữ liệu, máy ảo, ứng dụng… của bạn mọi lúc.

Việc lấy lại được dữ liệu sẽ không ích lợi gì nhiều nếu ứng dụng của bạn không thể dùng nó. Vì thế, điều quan trọng là hỏi xem liệu dữ liệu của bạn có đang được lưu trữ theo một định dạng chuẩn hay không để bạn có thể đọc chúng ngay cả khi nhà cung cấp dịch vụ không còn hoạt động nữa.

3. Dự phòng nhà cung cấp

Trong trường hợp nhà cung cấp đóng cửa, việc dự phòng tài nguyên của mình tại công ty hoặc một nhà cung cấp khác có thể giảm bớt thời gian trục trặc của ứng dụng. Sự gia tăng sử dụng công nghệ ảo hóa có thể giúp việc chuyển máy chủ từ một nhà cung cấp không còn hoạt động nữa đến một nền tảng mới trở nên tương đối dễ dàng do máy chủ được ảo hóa tồn tại như tập tin và có thể được di chuyển dễ dàng giữa các máy chủ vật lý. Dù vậy, việc lấy lại một ứng dụng được viết riêng cho một API hoặc nền tảng phát triển của một nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào đó có thể khó khăn hơn nhiều.

4. Trang bị tính khả chuyển ứng dụng

Nếu nhà cung cấp dịch vụ đám mây của bạn chấm dứt hoạt động, thách thức lớn nhất là làm sao di chuyển những ứng dụng đám mây của bạn đến một nền tảng mới. Quá trình này có thể đòi hỏi việc truy xuất đến thời gian chạy của ứng dụng, logic kinh doanh của ứng dụng, cơ sở dữ liệu hỗ trợ ứng dụng, dữ liệu người sử dụng đã nhập vào ứng dụng.  

Việc di chuyển ứng dụng có thể trở nên khó khăn hơn nếu nhà cung cấp dịch vụ sở hữu độc quyền nền tảng đang sử dụng và đảm nhận công việc quản lý ứng dụng nhiều hơn. Dĩ nhiên, việc sử dụng những chuẩn web mở sẽ giúp các tổ chức CNTT dễ dàng chuyển ứng dụng từ một nền tảng đám mây này sang một nền tảng khác hoặc về trung tâm dữ liệu của mình.

Cho dù nền tảng bạn chọn là gì, Shockey đề nghị các nhà phát triển có kế hoạch dự phòng cho việc chuyển ứng dụng của mình, trong đó chú ý đến khoảng thời gian mà nhà cung cấp hứa thông báo trước nếu họ đóng cửa. Chuyên gia tư vấn công nghệ độc lập Ben Bloch khuyên rằng trước khi ký thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ, bạn hãy hỏi thật kỹ không chỉ về sức mạnh của mô hình kinh doanh và tài chính của họ, mà còn về quá trình tung ra các phiên bản mới của API, việc cung cấp các hình thức hỗ trợ, như về kỹ thuật, cho nhà phát triển.

(InfoWorld, CIO)

Cơn ác mộng về bảo mật

Nếu lĩnh vực điện toán đám mây phát triển mạnh, ông John Chambers – Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty Cisco Systems – có lẽ là một trong những người có quyền phấn khích. Nhưng tại hội nghị bảo mật thường niên RSA vừa diễn ra ở San Francisco (Mỹ), ông Chambers nhận định rằng sự phát triển của ngành công nghiệp này là xu hướng không thể tránh khỏi dù ông vẫn thừa nhận nó cũng là “cơn ác mộng về bảo mật”.

Ông nói: “Bạn không biết được sẽ có gì trong trung tâm dữ liệu doanh nghiệp. Điều này khiến tôi phấn khích trong vai trò của một công ty chuyên về thiết bị mạng. Tuy nhiên, nó cũng là một cơn ác mộng về bảo mật và không thể được đối phó theo những cách thức truyền thống”.

Điện toán đám mây là một chủ đề nóng tại hội nghị RSA nói trên. Trong lúc các công ty lớn, như Cisco, IBM…, háo hức thảo luận về nó, các chuyên gia bảo mật lại nhìn thấy nhiều nỗi lo ở phía trước. Ronald Rivest, một giảng viên khoa học máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts và là một chuyên gia mã hóa nổi tiếng, nói tại hội nghị rằng ông lạc quan về tương lai của lĩnh vực điện toán đám mây nhưng cần nhiều nỗ lực để bảo đảm tính bảo mật cho nó.  

Một số đại biểu tham dự hội nghị tỏ ra không mấy ấn tượng trước ý tưởng công nghệ điện toán đám mây. Ông Bruce Jones, người phụ trách an ninh thông tin của Kodak, nói: “Tôi không thấy đám mây có thể mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi”. Theo ông Jones, một trong những vấn đề chính đối với công nghệ đám mây là ông không muốn giao quyền kiểm soát những dữ liệu quan trọng cho một kiến trúc điện toán đám mây mà ông cho là vẫn còn chưa rõ ràng.

Ông cho rằng đối với những dự án lâu dài, việc mua phần cứng có lẽ sẽ rẻ hơn. Dù vậy, ông Jones nói điện toán đám mây có thể được sử dụng ở quy mô nhỏ ở Kodak, như trong những dự án thí điểm hoặc nghiên cứu phát triển mà không quan tâm nhiều đến tính bí mật của dữ liệu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới