Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá thép tăng cao, nhà thầu lao đao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá thép tăng cao, nhà thầu lao đao

Dây chuyền bên trong một nhà máy sản xuất thép – Ảnh: Tư liệu

(SGTO) – Trong vòng một tháng nay, giá thép trong nước lại bắt đầu tăng cao, sau hai đợt tăng giá vào tháng 2 và tháng 6. Giá thép tăng đã gây khó khăn lớn cho chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng; đồng thời một loạt mặt hàng xây dựng cũng có dấu hiệu tăng giá theo.

Đầu tháng 10, Tổng công ty Thép Việt Nam điều chỉnh giá thép tăng 250.000-300.000 đồng/tấn, lên khoảng 10,1 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế). Trước đó, trong tháng 9 vừa qua, các nhà sản xuất cũng đã tăng giá thép xây dựng 2-3 lần.

Tăng giá, ghim hàng

Theo giải thích từ các nhà sản xuất, giá thép tăng cao là do phôi thép thế giới tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay giá phôi thép chào từ Trung Quốc đã là 618 đô la Mỹ/tấn, tăng 100 đô la Mỹ so với đầu tháng 9.

Nhu cầu sử dụng thép trên thế giới lại tăng cao, nhất là tại thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, thông tin Trung Quốc sẽ tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% trong tháng 10 này cũng góp phần vào những dự báo giá phôi thép sẽ tiếp tục tăng đến 650-660 đô la Mỹ/tấn.

Do các nhà sản xuất tăng giá nên giá thép trên thị trường lại được đẩy lên liên tục, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thép cuộn. Cụ thể, giá thép cuộn tại thị trường TPHCM hiện đã được đẩy lên 14 triệu đồng/tấn, thậm chí có nơi bán ra 15 triệu đồng/tấn, tăng 2-3 triệu đồng/tấn so với những tuần trước. Giá thép cây cũng không kém, lên trên 12 triệu đồng/tấn, tăng thêm 1 triệu đồng/tấn.

Không chỉ tăng giá, theo nhiều điểm kinh doanh thép xây dựng hiện đang có tình trạng khan hiếm hàng trên thị trường do số lượng đơn đặt hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, giới sản xuất thép lại cho rằng,  nhiều đại lý kinh doanh sắt thép đang tăng cường thu mua hàng và ghim hàng để kiếm lợi nhiều hơn từ việc giá phôi thép thế giới đang biến động theo chiều hướng tăng.

Một nguyên nhân khác gây khan hiếm nguồn hàng là các nhà sản xuất đang ngừng sản xuất. Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, với giá thép bán tại thị trường trong nước hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải “gồng mình” chịu hòa vốn, thập chí có khả năng chịu lỗ.  

Nhà thầu lao đao

Các nhà thầu xây dựng là đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng trước hết từ việc giá thép xây dựng tăng cao. Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho biết nhiều nhà thầu khi ký hợp đồng nhận thầu không có điều khoản điều chỉnh giá thì sẽ phải bấm bụng chịu thiệt.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng thì họ vẫn bị thiệt thòi mặc dù trong hợp đồng có kèm điều khoản điều chỉnh giá. Lý do là hiện nay các quy định điều chỉnh giá không phù hợp với thực tế. Lẽ ra vật liệu tăng giá thời điểm nào thì nên cho phép nhà thầu điều chỉnh giá đúng thời điểm đó. Song theo quy định hiện nay việc điều chỉnh giá vẫn phải theo từng quý, hoặc phải sang tháng 13, trong khi giá thép tăng theo từng tuần.

Theo tính toán của các doanh nghiệp xây dựng, chi phí cho thép chiếm khoảng 25% trong tổng chi phí công trình. Giá thép tăng mạnh trong thời gian vừa qua đang làm nhiều công trình bị chậm tiến độ do nhà thầu xây dựng không chịu nổi chi phí tăng, phải tiến hành điều chỉnh giá và chờ chủ đầu tư phê duyệt. Bên cạnh đó, nhiều công trình mà nhà thầu cầm chắc thua lỗ nên phải tạm dừng lại.

Hướng đến giải pháp dài hạn

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, việc các doanh nghiệp Trung Quốc đầy giá phôi tăng cao trên thị trường thực chất là nhằm hạn chế xuất khẩu phôi thép và tăng xuất khẩu thép thành phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận ra điều này và đã ngừng việc giao dịch mua phôi từ Trung Quốc và tìm kiếm nguồn cung khác. Nhiều doanh nghiệp đã tìm mua phôi tại Malaysia và Thái Lan cũng gần Việt Nam và có giá thành thấp hơn.

Trên thực tế, do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung phôi thép nhập khẩu mà thị trường thép trong nước thời gian qua bị chao đảo, tác động xấu tới lĩnh vực xây dựng. Do đó, ông Cường cho rằng để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc tự sản xuất được phôi thép. Nếu tự sản xuất được phôi thép thì giá thành sẽ thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện nay, ngoại trừ nhà máy Gang thép Thái Nguyên luyện phôi từ quặng với sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm thì hầu hết các nhà máy đều luyện phôi từ thép phế liệu với tổng công suất chỉ đạt gần 2 triệu tấn phôi/năm so với nhu cầu cả nước khoảng 4 triệu tấn phôi/năm. Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu trên 60% nguồn thép phế liệu để luyện phôi. Giá phôi thép thế giới tăng cũng đã đẩy giá thép phế liệu tăng, dù không tăng tương ứng với giá phôi nhập khẩu nhưng cũng làm cho giá phôi luyện trong nước tăng.

Theo ông Cường, giải pháp nhất thời vẫn là vận động các doanh nghiệp luyện phôi trong nước phát huy cao nhất năng lực luyện phôi của mình vì dù sao giá phôi trong nước cũng rẻ hơn so với thế giới, tuy không nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần rà soát và giảm tối đa các chi phí trong sản xuất cũng như phân phối nhằm hạ giá thành ngay từ khi xuất xưởng cũng như khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và thúc đẩy việc triển khai các dự án luyện phôi, cán thép đã được cấp phép. Đồng thời, nên ưu tiên cho các dự án khai thác và luyện phôi từ quặng nhằm khai thác nguồn tài nguyên trong nước, giúp giảm giá thành. 

SGTO (tổng hợp từ SGGP, LĐ, VTV và VNN)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới