Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá trị giả và giá trị thật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá trị giả và giá trị thật

Nguyễn Văn Cường (TPHCM)

(TBKTSG) – Hoạt động kinh tế hiện đại có liên quan mật thiết đến hai phạm trù: giá trị thật và giá trị giả. Chính hai phạm trù này đã khiến các nền kinh tế phát triển hay suy sụp.

Trước đây, trong suốt hơn 40 năm, các nước Đông Âu với nền sản xuất kém hiệu quả, thiếu sức cạnh tranh nhưng vẫn tồn tại được là nhờ sự bao cấp từ nguồn tài chính của Liên Xô với khoản thu to lớn từ tài nguyên thiên nhiên. Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô không còn sức lo nổi gánh nặng ấy nữa, ngay lập tức cả khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị tan rã. Chính cái giá trị giả của phương thức sản xuất phi thị trường đã làm suy sụp một hệ thống chính trị lớn.

Hai năm nay, kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, bắt đầu từ nước Mỹ. Hệ thống ngân hàng Mỹ đã áp dụng những nghiệp vụ trái nguyên tắc an toàn để kiếm lợi nhuận cao, cho những người không có đủ tiêu chuẩn được vay tiền mua nhà trả góp. Rồi những khoản tín dụng này được chuyển nhượng và biến thành cổ phiếu trên khắp các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ.

Và việc phải đến đã đến: những con nợ địa ốc đã không có khả năng trả nợ khiến thị trường chứng khoán nhiều nước bị thiệt hại nặng, nhiều ngân hàng trên thế giới bị phá sản, kích hoạt một cuộc khủng hoảng kinh tế trên khắp thế giới. Thủ phạm ở đây cũng chính là cái giá trị giả của thị trường địa ốc do các ngân hàng Mỹ tạo nên.

Tại Việt Nam, giá trị đồng tiền vài năm nay đã được kiểm soát, tạo ra giá trị cao hơn cả giá trị thật của nó so với đô la Mỹ. Điều này trước đây chưa gây hậu quả gì vì nguồn đô la do Nhà nước nắm giữ còn dồi dào, đủ để tung ra can thiệp, kiểm soát thị trường.

Nhưng từ khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Nhà nước phải tung ra các gói kích thích kinh tế tốn kém thì nguồn đô la Mỹ trở nên khan hiếm. Điều này đã tạo ra cách biệt lớn giữa tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ của hệ thống ngân hàng và trên thị trường tự do (có lúc đến hơn 1.000 đồng trên 1 đô la).

Nhu cầu sử dụng đô la Mỹ cho nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, đi du học, du lịch, chữa bệnh… không được đáp ứng đầy đủ vì ngân hàng không có nhiều để bán, người cần đô la phải mua ngoài thị trường tự do với giá cao. Trong khi đó, người nắm đô la lại không muốn bán cho ngân hàng với giá thấp, mà bán ra bên ngoài để thu lợi cao hơn.

Vì thế, việc dùng biện pháp hành chính cấm trao đổi, mua bán ngoại tệ bên ngoài ngân hàng lúc này là việc làm đi ngược lại quy luật thị trường, sẽ tạo ra giá trị giả cho đồng tiền Việt Nam. Bóng dáng của thời kinh tế bao cấp trong lĩnh vực ngoại hối đã tái xuất hiện và chắc hẳn sẽ không đem lại lợi ích về lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới