Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá vàng, dầu và yếu tố tâm lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá vàng, dầu và yếu tố tâm lý

Giá vàng liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan khi thị trường có dấu hiệu đi xuống – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Thị trường tài chính (TTTC) bao gồm các thị trường chứng khoán (TTCK), hối đoái, phái sinh, tiền tệ… cũng liên tục biến động không ngừng cùng với vàng và dầu. Do vậy, nhà đầu tư nên cảnh giác, tránh tâm lý chủ quan khi một số thị trường có dấu hiệu đi xuống.

Giá vàng, dầu lao dốc: thử thách tâm lý nhà đầu tư

Năm 2008 chứng kiến giá vàng, dầu biến động phức tạp. Dầu thô từ dưới ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng (gần 159 lít) hồi đầu năm, đã liên tiếp chinh phục các đỉnh cao cho đến lúc chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 147,24 đô la Mỹ/thùng.

Giá vàng cũng có lúc đạt 1.032 đô la Mỹ/ounce (khoảng 0,83 lượng) trước khi cả hai lao dốc dữ dội. Với các nhà đầu tư (NĐT) nhắm đến giá lên trên thị trường vàng, dầu gần đây đã chịu một đợt “tra tấn” khi phải chứng kiến bốn tuần sụt giảm liên tiếp và đang phải đối mặt với khả năng tuần thứ năm sụt giảm của giá dầu và vàng.

Đây cũng là một sự thử thách quá lớn với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật khi vàng, dầu liên tục phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ.

Cho đến ngày 16-8 giá dầu đã ở dưới ngưỡng 120 đô la Mỹ/thùng, giá xăng giảm từ ngưỡng 4 đô la Mỹ/gallon (tương đương 3,785 lít) xuống sát ngưỡng 2 đô la Mỹ/gallon, dầu thô ngọt nhẹ giao ngay tại New York chạm ngưỡng 111 đô la Mỹ/thùng.

Đặc biệt giá dầu thô Brent biển Bắc giao ngay tại London đã có lúc chạm ngưỡng 110 đô la Mỹ/thùng. Giá kim loại màu cũng giảm mạnh, trong đó giá vàng giảm từ 988 đô la Mỹ/ounce xuống sát 770 đô la Mỹ/ounce vào ngày 15-8.

Với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản tình hình cũng không khá hơn khi nền kinh tế thế giới nhìn chung vẫn rất ảm đạm, chưa kể tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông trong tháng 7 và 8 khi Iran cương quyết không dừng chương trình làm giàu uranium của họ. Đầu tháng 8, các nước phương Tây đã tiếp tục tăng thêm biện pháp trừng phạt nước này và Iran nói trong trường hợp bị tấn công họ sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi trung chuyển 40% lượng dầu cung cấp ra thế giới bằng đường thủy.

Ngoài ra, trong tháng 8-2008, chiến tranh giữa Georgia – Nam Ossetia là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu khi Georgia vốn là nơi trung chuyển khí đốt quan trọng từ biển Caspean sang phương Tây với tuyến đường ống dẫn dầu BTC (Baku-Tbilisi-Ceyhan) dài 1.774 ki lô mét chuyển dầu từ các mỏ của Azerbaijan với dung lượng 1,2 triệu thùng/ngày trên biển Caspean đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải.

Mặc dù, tình hình thế giới còn nhiều khó khăn nhưng giá vàng, dầu vẫn không thoát khỏi đà sụt giảm.

Ngược lại với các NĐT trên thị trường vàng, dầu, các NĐT trên TTCK vui mừng khi thị trường tăng điểm. Các NĐT trên thị trường tiền tệ nắm giữ đồng đô la Mỹ còn vui hơn trước sự hồi phục mạnh mẽ của đồng tiền này nhờ sự giảm giá của các đồng tiền khác.

Giá vàng, dầu giảm có phải tín hiệu đáng mừng?

Đa số người dân đều vui mừng khi giá dầu hạ, kéo giá vàng giảm theo. Điều này sẽ góp phần kéo giá cả hàng hóa xuống, giảm áp lực lên lạm phát cũng như cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc giá dầu hạ trong bối cảnh nền kinh tế phát triển ổn định thì quả thực là tin mừng vì người dân sẽ đẩy mạnh tiêu dùng hơn.

Nhưng với tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn thì điều này còn phải xem lại. Vì sao? Vì việc giá hàng hóa đi xuống chứng tỏ kinh tế thế giới cũng đi xuống, là dấu hiệu tiêu cực về nhu cầu tiêu dùng. Khi giá hàng hóa giảm, các nhà sản xuất thiếu động lực để sản xuất và phát triển sản phẩm. Ngoài ra, với việc giá dầu giảm mạnh liên tục có khả năng OPEC sẽ giảm lượng cung ra thị trường để tránh ảnh hưởng đến nguồn thu lợi nhuận của các quốc gia này.

Đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh lần này không phản ánh tình hình kinh tế Mỹ mạnh lên mà là do các đồng tiền khác yếu đi. Điều này thể hiện qua việc hàng loạt chỉ số kinh tế của các nền kinh tế mạnh như EU, Úc, Nhật, Canada không khả quan. Tình hình kinh tế tại Mỹ cũng không khá hơn khi danh sách thua lỗ của các doanh nghiệp ngày càng dài hơn, tỷ lệ thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp vẫn tăng cao, Chính phủ Mỹ vẫn phải kéo dài thời gian cho các khoản vay thế chấp.

TTCK Mỹ tuy có tăng điểm nhẹ nhưng các chỉ số vẫn còn ở mức thấp như chỉ số Dow Jones vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng 11.000 sau khi có lúc đạt 14.000, mặc dù vẫn có một số thông tin khả quan như tín dụng tiêu dùng, dự trữ dầu thô đầu tháng 8, chỉ số sản xuất đều tăng có chiều hướng tăng.

Ngoài ra, việc Ủy ban điều hành thị trường mở của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED (FOMC) trong cuộc họp lãi suất gần nhất vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 2% và ông Ben Bernanke, Chủ tịch FED, cảnh báo nguy cơ đi xuống của nền kinh tế Mỹ vẫn còn và thị trường tài chính tiếp tục căng thẳng.

Như vậy có thể thấy việc đồng đô la Mỹ tăng mạnh, vàng dầu giảm giá thê thảm từ nửa cuối tháng 7 đến nay mang nặng yếu tố đầu cơ, khi đồng loạt nhiều nhà đầu tư bán vàng, dầu ra để đẩy giá đồng đô la Mỹ tăng vọt. Trong đó việc ECB trong tháng 8 bán ra 1,5 tấn vàng (theo hiệp ước bán vàng), Quỹ giao dịch vàng hoán đổi lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares trong ngày 5-8 bán ra 15,32 tấn vàng (trước đó quỹ này cũng đã có một số động thái bán ra) kéo theo sự bán ra ồ ạt của các nhà đầu tư khác.

Và nếu dõi theo lịch sử sẽ dễ nhận thấy là mỗi khi vàng, dầu giảm giá mạnh thì đó là dấu hiệu cho một đợt tăng giá kỷ lục khác. Bởi vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác tránh tối đa tâm lý chủ quan và những chính sách kinh tế vĩ mô càng phải tiếp tục bám sát với thị trường.

PHAN DŨNG KHÁNH

Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam, chi nhánh TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới