Giá vàng trong nước vẫn tăng bất thường
Thanh Thương
(TBKTSG Online) - Khoảng cách 3 triệu đồng/lượng đã tái lập sau khi giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới trong hôm qua và hôm nay (2-10). Theo những người trong ngành vàng, việc thiếu nguồn cung đang khiến giá vàng trong nước tăng bất thường.
Giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới. Diễn biến giá vàng trong 3 tháng qua. |
Giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 16 giờ chiều 2-10 ở mức 47,55 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra là 47,85 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua. Cùng lúc, giá vàng thế giới tại www.kKitco.com là 1.778,9 đô la Mỹ/ounce. Nếu quy đổi giá trong nước cao hơn giá thế giới gần 3 triệu đồng/lượng (chưa tính phí).
Giao dịch tại SJC từ cuối tháng 8 đến nay vẫn chủ yếu là bán ra, chỉ có một vài ngày sau ngày 20-9, ngày Ngân hàng Nhà nước cho phép dập thêm 350.000 lượng vàng móp méo và vàng phi SJC của các ngân hàng và doanh nghiệp, người dân mới bán vàng ra nhiều, kéo gần hơn khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh vàng của SJC cho biết lượng vàng bán ra hôm 2-10 chỉ khoảng 1.700 lượng, rất thấp so với con số tháng trước, nhưng một phần do công ty này không dễ mua vàng vào nên số lượng bán ra cũng phải hạn chế.
Việc mua vàng của người dân là do giá vàng đã tăng khá mạnh trong 2 tháng qua, mức tăng là hơn 14%, khá hấp dẫn so với lãi tiền gửi của ngân hàng trong thời điểm hiện tại và sự lình xình của thị trường chứng khoán từ tháng 6 trở lại đây. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo một nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, số lượng vàng dập trong đợt 20-9 có gần 45.000 lượng là vàng móp méo, (trong đó, SJC có 9.000 lượng, số còn lại là của ngân hàng và doanh nghiệp). Trong 305.000 lượng vàng phi SJC thì các doanh nghiệp vàng chỉ dập có 32.000 lượng, số còn lại trên 270.000 lượng là các ngân hàng chuyển đổi loại vàng khác thành SJC. Như vậy, lượng vàng của các ngân hàng trên thực chất chỉ là chuyển đổi từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, không làm tăng thanh khoản vàng ở các ngân hàng, vì vậy không làm giảm đi lực mua từ phía các ngân hàng.
Mặc dù chưa có thông tin chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc có gia hạn thời hạn huy động và cho vay vàng sau ngày 25-11 hay không, nhưng hiện tại nếu muốn phát hành chứng chỉ huy động vàng, các ngân hàng phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. Theo đại diện một ngân hàng lớn, hiện tại ngân hàng ông đã không thể phát hành chứng chỉ huy động vàng nữa vì không được phép. Như vậy, việc mua vàng vào để gia tăng thanh khoản là cách duy nhất, tuy vậy cũng chỉ dám mua từ từ vì lo ngại cầu tăng sẽ đẩy giá tăng lên cao, đồng thời rất khó tìm vàng để mua trên thị trường vì không ai muốn bán vàng ra. Ông cho biết ngân hàng gia tăng lượng vàng nắm giữ là để nếu phải ngưng huy động và cho vay vào 25-11, người dân có nhu cầu rút thì ngân hàng có vàng sẵn sàng để trả.
“Giá vàng thế giới trong trung hạn sẽ tiếp tục tăng”, đó là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam. Trung hạn ở đây, theo ông Hải, là vào khoảng giữa tháng 11 trở đi, sau khi Mỹ bầu cử xong tổng thống. Còn trong tháng 10, khả năng vàng đi xuống là có, vì các thông tin chính được xem là hỗ trợ giá vàng như việc Mỹ đưa ra gói QE3; Trung Quốc, Nhật Bản tăng cung tiền, nợ công châu Âu chưa giải quyết được thì đã được phản ánh vào giá trong tháng 9. Ông Hải cũng cho rằng mốc 1.800 đô la Mỹ/ounce là ngưỡng cản lớn cho giá vàng nên giá sẽ không dễ qua khỏi mốc này, nhưng khả năng giá vàng về mức 1.560 đô la Mỹ/ounce như hồi thnág 7 vừa qua là khó.
Trong khi đó, giá vàng trong nước lại khó dự báo hơn vì nếu thị trường tiếp tục khan vàng như hiện tại thì giá trong nước có thể tăng nhanh hơn và giảm chậm hơn giá thế giới như trong thời gian qua.
Thận trọng với vàng Theo phân tích tại báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, giá vàng biến động mạnh, một mặt do tác động của giá vàng thế giới tăng cao, mặt khác do hiệu ứng chính sách về vàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại vào 25-11, nhưng thị trường chưa có thông tin về chính sách cụ thể sẽ xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau ngày này như thế nào. Theo báo cáo, nếu không khắc phục sớm tình trạng này sẽ rất dễ tạo hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm. Hơn nữa, nếu thị trường vàng biến động làm thay đổi cân đối cung cầu về vàng tất yếu sẽ tác động đến thị trường ngoại hối và gây biến động đến tỷ giá. Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25-11, khi các ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế liên quan đến vàng bao gồm quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế… |