Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá xăng có thể tiếp tục tăng vào đầu tuần tới, vượt mốc 30.000 đồng/lít

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu dự báo rằng giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 23-5 tới có thể tăng khoảng 600 – 700 đồng/lít, đưa giá xăng RON95 có thể lập đỉnh mới và vượt mốc 30.000 đồng/lít.

Giá xăng tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, mức kỷ lục trong 8 năm trở lại đây

Dự báo giá xăng có thể vượt mốc 30.000 đồng/lít khi điều chỉnh vào đầu tuần tới? Ảnh minh họa: TL

Theo Nghị định 95, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ, ngày lễ thì sẽ chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Như vậy, kỳ điều hành lần này, giá xăng sẽ được điều chỉnh vào ngày đầu tuần tới, tức thứ Hai (23-5-2022) thay vì định kỳ vào lúc 15 giờ chiều nay (21-5).

Xăng RON95 sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít

Theo dự báo của các nhà nhập khẩu và kinh doanh cho thấy, giá xăng kỳ này sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng, trong khi giá dầu giảm.

Dự báo trên được dựa trên dữ liệu giá xăng dầu thế giới trong 10 ngày qua tăng. Cụ thể theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu tham chiếu từ thị trường Singapore đến ngày 19-5 vẫn còn cao. Xăng RON92 (dùng pha chế xăng E5 RON92) 141,6 đô la Mỹ/thùng, xăng RON95 146,74 đô la/thùng, dầu diesel 132,62 đô la/thùng. Mức giá xăng này đang cao hơn tại kỳ điều hành trước, nhưng giá dầu thấp hơn.

Từ dữ liệu này, các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu dự báo rằng, giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh vào ngày 23-5 tới có thể sẽ tăng khoảng 600 – 700 đồng/lít (nếu không trích Quỹ bình ổn), đưa giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít; giá dầu giảm mức tương đương.

Hiện nay, giá bán các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường với xăng E5 RON92 là 28.950 đồng/lít; xăng RON95 là 29.980 đồng/lít; dầu diesel là 26.650 đồng/lít, dầu hỏa là 25.160 đồng/kg, dầu mazut là 21.560 đồng/kg. Nếu đúng như dự báo trên, thì giá xăng RON95 sẽ ghi nhận lần đầu vượt mốc 30.000 đồng, lên khoảng 30.500 đồng/lít.

Doanh nghiệp “đau đầu”, người dân “đau túi”

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 8 lần tăng, 3 lần giảm giá. Giá xăng tăng liên tục thời gian qua, tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Người dân có thu nhập thấp và trung bình “đau đầu” với chi tiêu khi giá xăng tăng. Ảnh minh họa: TL

Ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, bởi giá xăng, dầu trong nước tăng liên tiếp nhiều tháng trước đó. Ngày 11-5 vừa qua, khi giá xăng dầu lập đỉnh mới khiến nhiều mặt hàng không thể không tăng giá.

Với sức ép từ giá xăng, giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng, một số doanh nghiệp tính toán đến việc tăng giá bán sản phẩm.

Với mức giá xăng xấp xỉ 30.000 đồng/lít, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Bởi, xăng dầu là đầu vào của đa số ngành nghề này, khi chi phí vận tải tăng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.

Không riêng gì các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp bán lẻ cũng đang phải đối diện với việc xăng dầu tăng giá khiến lợi nhuận bị ăn mòn.

Đáng lo ngại, giá xăng tăng cao đã tác động đến tâm lý chung của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều gia đình đã phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày.

Xăng dầu thế giới tăng

Trên thế giới, giá dầu thô kết thúc phiên cuối tuần tăng nhẹ. Hợp đồng dầu Brent tiến 0,46% lên 112,55 đô la Mỹ/thùng; hợp đồng dầu WTI cộng 0,9% lên 113,23 đô la/thùng.

Như vậy, trong tuần qua, hợp đồng dầu WTI ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp; dầu Brent tăng 1%.

Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào đối với kế hoạch kết thúc đợt phong tỏa toàn thành phố dự kiến vào ngày 1-6 tới, cho dù thành phố này đã công bố các ca nhiễm mới Covid-19 đầu tiên ngoài các khu vực cách ly trong 5 ngày.

Các nhà phân tích cho rằng, thị trường đang kỳ vọng nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc tăng từ tháng 6 sau khi các thành phố nới lỏng lệnh phong tỏa. Trong khi đó, Ấn Độ – quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới – trong tháng 4 đã nhập khẩu dầu thô từ Nga tăng vọt.

Tại Mỹ, theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ 9 liên tiếp.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thế giới bị hạn chế bởi đồng đô la Mỹ phục hồi mạnh và tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo đạt thấp hơn các dự báo được đưa ra trước đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới