Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá yếu vì thiếu khách mua?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá yếu vì thiếu khách mua?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Niên vụ cà phê 2017-2018 đã qua đúng một tháng rưỡi nay, bắt đầu từ ngày 1-10-2017. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng hoạt động mua bán xuất khẩu vẫn chưa thực sự nhộn nhịp.

Thị trường xuất khẩu: im lặng đáng sợ

Kết thúc niên vụ cà phê 2016-2017, ước tính Việt Nam xuất khẩu 1,48 triệu tấn cà phê, giảm mạnh so với niên vụ trước đó là 1,75 triệu tấn.

Khối lượng cà phê xuất khẩu cả nước giảm một phần được cho là do chất lượng cà phê kém do hậu quả của đợt mưa kéo dài trong thời kỳ thu hoạch rộ của niên vụ cũ.

Hàng cà phê bấy giờ bán không chạy do tỷ lệ đen vỡ và hư thối nhiều, mặt khác muốn bán được hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường chế biến, thải loại các hạt hư như đen, nâu, sâu và vỡ nên chi phí làm hàng và thải loại cao, trong khi giá đầu ra không đủ bù cho giá đầu vào. Đó chính là lý do khiến lượng xuất khẩu cà phê niên vụ cũ kết thúc vào ngày 30-9 giảm mạnh so với trước đó.

Rút được bài học kinh nghiệm mua hàng sớm vẫn có thể gặp rủi ro lớn, nhất là không thể đoán được chất lượng thế nào khi gặp phải thời tiết thất thường như trường hợp năm ngoái, năm nay nhiều nhà nhập khẩu tỏ ra thận trọng hơn, đến nay có người vẫn chưa có kế hoạch mua hàng.

Sự cẩn thận của người mua có phần hợp lý khi đầu tháng 11-2017, siêu bão số 12, tên quốc tế là Damrey, sau khi tàn phá các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, đã lên càn quấy vùng cà phê hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Ngay sau đó, được tin cơn bão 13 hình thành và theo đường đi cũ của cơn bão 12. Tuy nhiên, cơn bão số 13 chưa kịp đổ bộ thì đã tan ngoài khơi Biển Đông.

Bão tan, nhiều nơi đang tập trung thu hoạch cà phê, dự kiến không bao lâu nữa hàng hóa được tung mạnh ra thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chủ vựa thu mua cà phê, sức mua rất chậm, có lẽ một số nhà nhập khẩu đang chờ một khi mùa mưa dứt hẳn mới bắt đầu ký hợp đồng mua vào.

Chất lượng cà phê vụ mới: chẳng phải lo!

Cơn bão số 13 tan nhanh và chuyển thành một đợt áp thấp nhiệt đới rất nhẹ, ngay sau đó một số bà con tại vùng sản xuất cho hay nắng đã về.

Từ hơn một tuần nay, bà con nhà vườn nhiều nơi tranh thủ hái và phơi phóng nhờ có nắng lớn. “Mỗi ngày công ty tôi mua được 100 tấn là chuyện thường,” bà Hương, một chủ vựa thu mua cà phê ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết.

Trong khi đó, giám đốc một công ty kinh doanh đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho rằng sức công ty chị mua mỗi ngày chừng từ 300-500 tấn. “Chất lượng cà phê nguyên liệu đợt này rất tốt, tỷ lệ hạt đen vỡ chưa tới 3%, so với năm ngoái là một trời một vực”, chị Hà nói đầy lạc quan.

Một trong những tiêu chuẩn đo lường chất lượng cà phê xuất khẩu được tính trên tỷ lệ hạt đen, nâu, sâu, vỡ và hư thối. Tỷ lệ này càng thấp, chất lượng cà phê được cho là tốt và được mua giá cao hơn. Thật vậy, so với năm ngoái, tỷ lệ hạt đen vỡ hư thối có khi lên đến 15-20%.

Như vậy, nếu tỷ lệ đen vỡ trong hàng cà phê nguyên liệu năm nay giữ vững tối đa 3%, đó được xem là năm cà phê đạt chất lượng tốt nếu không muốn nói là lý tưởng.

Giá yếu vì thiếu khách mua?

Nói cho xác đáng rằng khối lượng xuất khẩu niên vụ cũ ở mức 1,48 triệu tấn, ngoài lý do mất mùa, còn có nguyên nhân mất khách hàng nhập khẩu do chất lượng cà phê nhiều hợp đồng không đạt, bị từ chối.

Tâm lý e ngại của người mua và thái độ thận trọng khi quyết định mua hàng lại là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, không phải là người mua không có nhu cầu. Vấn đề là người bán phải chứng minh cho được rằng chất lượng hàng năm nay tốt thực sự.

Chính sự dè dặt này của phía người mua đã làm giá cà phê trên thị trường nội địa yếu dần từ đầu niên vụ đến nay. Nếu như giá cà phê nguyên liệu những ngày đầu tháng 10-2017, tức đầu niên vụ chừng 43-44 triệu đồng/tấn thì đến ngày 14/11/17 chỉ còn quanh 39 triệu đồng/tấn.

Trên thị trường kỳ hạn robusta London, nơi những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham khảo, giá đầu vụ ở mức 1.977 đô la Mỹ/tấn thì đóng cửa ngày 13-11-2017 chỉ còn 1.824 đô la/tấn, thậm chí trong mấy ngày trước đó có lúc giá sàn này mất mốc 1.800 để còn 1.799 đô la/tấn (xem đồ thị bên trên).

Một điều rất đáng ngạc nhiên là dù lượng hàng thực cà phê xuất khẩu của Việt Nam chưa bán được bao nhiêu, giá trên sàn robusta vẫn rớt.

Giải thích vì sao có hiện tượng này, một chuyên gia cho rằng dù hàng thực nước xuất khẩu robusta số 1 của thế giới là Việt Nam chưa ra mạnh do chỉ mới đầu mùa, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn đang có trào lưu bán khống rất mạnh. Không chỉ giá robusta London, mà giá cà phê arabica New York và nhiều sàn nông sản khác lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch. 

Trước đây, cứ mỗi khi giá cà phê giảm, ta hay nói do cung-cầu. Tuy nhiên, giới kinh doanh hàng hóa thời gian qua đang chịu trận với một đợt giá nông sản giảm do đồng đô la Mỹ phục hồi trên thị trường ngoại hối. Khi đồng đô la tăng, giá hàng hóa nông sản thường giảm vì chi phí tài chính, lãi suất ngân hàng cao hơn, đặc biệt khả năng vay tín dụng giảm nên sức mua hàng hóa yếu, vị chuyên gia giải thích.

Giá cà phê không nằm ngoài qui luật đó.

Xem thêm

>>Thị trường cà phê thay đổi nhiều

>> 2017: giá cà phê sẽ ra sao?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới