Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giấc mơ bá chủ công nghệ của Trung Quốc có thành hiện thực?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giấc mơ bá chủ công nghệ của Trung Quốc có thành hiện thực?

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trung Quốc vừa công bố chương trình kích thích tài khóa trị giá 1.400 tỉ đô la Mỹ, đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng mới và đô thị hóa mới với tham vọng vượt qua Mỹ để vươn lên thống lĩnh công nghệ toàn cầu Mỹ.

Tuy nhiên tính hiệu quả của kế hoạch chi tiêu khổng lồ này bị hoài nghi vì nội dung còn chung chung, mơ hồ.

Kinh tế Trung Quốc hứng đòn nặng do khủng hoảng dịch nCoV

Kinh tế Trung Quốc đối mặt với khó khăn luẩn quẩn

Giấc mơ bá chủ công nghệ của Trung Quốc có thành hiện thực?
Các công nhân kỹ thuật của Công ty viễn thông China Telecom lắp đặt trạm cơ sở 5G gần sông Hoàng Hà ở TP Lan Châu, Cam Túc, tây bắc Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tham vọng từ hạ tầng 5G

Theo một báo cáo công bố hôm 22-5 khi kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc, chính phủ nước này cho biết sẽ đầu tư 10.000 tỉ nhân dân tệ (1.400 tỉ đô la Mỹ) trong 6 năm tới cho “các sáng kiến đô thị hóa mới, hạ tầng mới và các dự án lớn” để thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng và xa hơn nữa là thống lĩnh công nghệ toàn cầu, theo nhận định của giới quan sát.

Thuật ngữ “hạ tầng mới” ám chỉ đến mạng 5G, hệ thống điện siêu cao áp, giao thông nội đô, trạm sạc xe điện, trung tâm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet công nghiệp, sản xuất thông minh.

Cụ thể, trong những năm tới, các kế hoạch cấp quốc gia sẽ bơm 2.500 tỉ nhân dân tệ (352 tỉ đô la) để xây dựng 550.000 trạm cơ sở, một kết cấu quan trọng của hạ tầng mạng 5G. Ngoài ra, 500 tỉ nhân dân tệ khác sẽ được đầu tư vào mạng lưới điện siêu cao áp.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng mới ở Trung Quốc có thể tiêu tốn 2.000 nhân dân tệ (281 tỉ đô la) trong năm nay và sẽ tăng gấp đôi trong năm 2021. Nguồn vốn phục vụ các dự án này sẽ được huy động thông qua các ngân hàng lớn và các chương trình phát hành trái phiếu đặc biệt của các chính quyền địa phương.

“Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Đây là chiến lược của Trung Quốc để giành thắng lợi trong cuộc đua công nghệ toàn cầu”, Maria Kwok, Giám đốc hoạt động Công ty Digital China Holdings, nhận xét về chương trình chi tiêu cho sáng kiến hạ tầng mới của Bắc Kinh.

“Sáng kiến hạ tầng mới” sẽ chủ yếu thúc đẩy các công ty công nghệ khổng lồ trong như Alibaba, Huawei, SenseTime Group. Trung Quốc muốn tích hợp công nghệ vào công cuộc xây dựng hạ tầng nòng cốt để đưa nền kinh tế thoát ra thời kỳ ảm đạm một phần do tác động của dịch Covid-19.

Chi tiêu lớn liệu có mang lại lợi nhuận lớn?

Cây bút bình luận của Bloomberg, Anjani Trivedi, cho rằng chương trình đầu tư khổng lồ của Trung Quốc có thể không tạo ra hiệu quả như kỳ vọng. Bà đánh giá kế hoạch của Trung Quốc rất tham vọng nhưng lại mơ hồ. Một đất nước được phủ sóng 5G sẽ mở ra một xã hội công nghệ nhưng vẫn chưa rõ số tiền đầu tư khổng lồ có nâng cao sáng tạo công nghiệp hay thậm chí năng suất công nghiệp hay không, chứ chưa bàn đến mục tiêu thống trị công nghệ toàn cầu.

Theo Anjani Trivedi, xây dựng các dự án lớn là một phương án dự phòng để kích thích tăng trưởng đã được thực hiện nhiều lần và được chứng minh tính hiệu quả ở Trung Quốc từ mạng lưới đường xá, đường sắt cho đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm kết nối tuyến giao thương giữa Á – Âu – Phi, tuy nhiên chưa rõ chi tiêu lớn cho các dự án công nghệ có mang lại hiệu quả tương tự hay không.

Anjani Trivedi cho rằng kế hoạch đầu tư mới của Trung Quốc thiếu trọng tâm và tính thuyết phục. Hàng ngàn trạm sạc cho xe điện không làm thay đổi một thực tế là Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa thể sản xuất được một chiếc xe điện có chất lượng hàng đầu thế giới và nhu cầu xe điện ở Trung Quốc suy giảm khi các chương trình trợ giá xe điện bị cắt bỏ.

Với doanh thu hầu như không tăng trưởng, các “ông lớn” viễn thông Trung Quốc dường như e ngại chi tiêu vốn thêm cho tầm nhìn tham vọng về mạng 5G.

Trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh hồi tháng 3, Yang Jie, Chủ tịch công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, China Mobile, cho biết công ty ông sẽ không mở rộng chi tiêu vốn dù đang bước vào thời kỳ cao điểm đầu tư cho mạng 5G. Ông nói, China Mobile sẽ chi tiêu 179,8 tỉ nhân dân tệ trong năm nay, tăng 8,4% so với năm ngoái, kém mức dự báo tăng hơn 20% của giới phân tích.

Thiết lập nền tảng mới cho nền kinh tế, bao gồm tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực như dịch vụ tiện ích và đường sắt đô thị đòi hỏi mất nhiều thời gian, chứ không chỉ đơn giản là các cam kết vốn.

Anjani Trivedi cho rằng rất khó sớm thấy kết quả của các dự án đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng mới so với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng truyền thống. 

Các công ty nhà nước Trung Quốc có thể tự hào với những khoản lợi nhuận lớn nhờ bán xi măng và máy móc cho các dự án xây dựng hạ tầng truyền thống như đường xá, cầu cống. Nhưng giờ đây, họ không thể hái ra tiền dễ dàng từ những dự án liên quan đến công nghệ kết nối.

Nói cách khác, chi tiêu lớn sẽ không còn có thể mang lại lợi nhuận lớn như trước đây. Các lĩnh vực như ô tô, vật liệu, vốn được hưởng lợi lớn nhờ các chương trình trợ giá và hỗ trợ vốn của nhà nước Trung Quốc, đang chứng kiến mức sinh lời trên vốn đầu tư giảm sút.

Cuộc vận động đầu tư ồ ạt trong nhiều năm đã giúp Trung Quốc xây dựng hệ thống tàu điện và mạng lưới đường sắt, đường bộ rộng khắp trên khắp cả nước. Nhưng khối nợ để xây dựng chúng vẫn chưa trả xong và nhiều dự án trong số đó vẫn chưa tạo ra lợi nhuận.

Thống lĩnh công nghệ có lẽ đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sáng tạo hơn, chứ không chỉ đơn thuần là những cột phát sóng mạng 5G. Một vấn đề gây cản trở sáng tạo rộng rãi ở Trung Quốc vẫn tồn tại qua nhiều năm đó là sáng tạo được dẫn dắt bởi nhà nước và được định hướng từ trên xuống.

Bắc Kinh quyết định lĩnh vực sáng tạo nào được ưu tiên và điều này cũng đồng nghĩa với việc định đoạt những công ty nào được hưởng lợi. Các ví dụ rõ ràng nhất là Kế hoạch xã hội sáng tạo 2020 được công bố vào năm 2006 và Chương trình sản xuất tại Trung Quốc 2025 được công bố vào năm 2015 nhằm chuyển đổi các ngành công nghiệp và sản xuất nhưng hiệu quả của hai chương trình này chưa thực sự rõ rệt.

Cây bút Anjani Trivedi cho rằng, Trung Quốc khó có thể nhận được cú huých lớn nhờ chương trình chi tiêu khổng lồ dành cho công nghệ.

Bà kết luận: “Rốt cục, nền kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở về những gì mà nó hiểu rõ nhất, đó là: bất động sản, ô tô, đường xá và các khu công nghiệp”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới