Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải bài toán hội nhập cho ngành hậu cần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải bài toán hội nhập cho ngành hậu cần

Hoàng Xuân Phương

(TBVTSG) – Nổi lên trong nền kinh tế tri thức là việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên – bao gồm công sức con người, nguyên-nhiên-vật liệu và cả không gian, thời gian – nhờ áp dụng biện pháp phân công tri thức dưới dạng dây chuyền số (digital taylorism). Trong bối cảnh này hậu cần điện tử (e-logistics) là một bộ phận không thể thiếu của dây chuyền thương mại điện tử vì nó tác động trực tiếp lên cơ sở vật chất nhằm điều khiển quá trình di chuyển các dòng nguyên liệu khai thác đến nhà máy và sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Một hệ thống e-logistics tốt đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh cao nhờ tiết kiệm tài nguyên, chi phí và nâng cao uy tín của thương hiệu.

Trên thực tế hệ thống logistikas được hình thành rất sớm dưới thời La Mã nhằm thực hiện chức năng cung ứng lương thực, quân nhu, quân khí và có khi cả việc huy động các đội quân dự bị vào một mặt trận hay chiến trường. Khởi đầu thời kỳ công nghiệp, hậu cần (logistics) được coi là loại hoạt động nội bộ nhằm tiếp liệu cho một nhà máy sản xuất hoặc cung ứng, cất trữ hàng hóa cho một cơ sở kinh doanh. Nối giữa nhà máy và kho hàng là phạm vi hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Phải đến các năm 1950 thì cả ba hoạt động riêng lẻ này mới từng bước hợp nhất tạo nên hệ thống (logistics system), hoặc được vận hành bởi chính công ty, hoặc tách riêng thành loại hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (logistics service provider). Với một phạm trù bao quát và thay đổi nhanh như vậy chúng ta không chỉ có một mà nhiều định nghĩa cho logistics, gây nên khó khăn cho việc chuyển ngữ logistics sang tiếng Việt.

Từ logistics đến e-logistics

Sự hợp nhất logistics thành hệ thống cho phép các doanh nghiệp chủ động và dễ dàng trong việc tự quản trị chuỗi cung ứng SCM (supply chain management), tiến tới tự động hóa một số công đoạn và cải tiến quy trình nhằm gia tăng lợi nhuận. Người ta nhận ra rằng lượng hàng tồn kho giảm đến mức hợp lý làm giảm nhu cầu đầu tư sản xuất số hàng chưa cần dùng và cả tiết giảm chi phí xây dựng hay thuê mướn kho bãi. Dẫu vậy các chi phí SCM, bao gồm vận chuyển, bốc dỡ, kiểm kê cùng phí hành chính và lương nhân viên vẫn còn rất lớn. Tổng chi phí này ở Mỹ chiếm tới 11% tổng sản phẩm quốc nội GDP trong năm 1997, trong khi ở châu Âu cũng không thể hạ xuống dưới 10%.

Hệ thống e-logistics một cửa ở Thái Lan.

Nhưng cũng từ giữa các năm 1990 cuộc cách mạng số đã làm thay đổi cơ bản môi trường kinh doanh. Nền kinh tế tri thức đi vào vận hành với hệ thống thương mại điện tử. Logistics cũng nhanh chóng tiếp nhận công nghệ thông tin để hình thành hệ thống e-logistics với ba định hướng: giảm suất đầu tư trên mỗi sản phẩm, chuyển qua phương pháp quản trị điện tử e-SCM để giảm chi phí trong khi nâng cao chất lượng phục vụ. Trên thực tế e-logistics không phải là sự kéo dài của hệ thống logistics cứng nhắc một chiều mà là sự tái cấu trúc để lượng thông tin có thể phát đi và nhận lại ở mỗi điểm trên suốt dây chuyền. Người ta có thể biết khối lượng khai thác ở khu mỏ, các trở ngại trên đường vận chuyển, và nhất là khối lượng cùng chủng loại hàng hóa phải giao vào từng thời gian và địa điểm. Với e-logistics, động lực vận hành hệ thống đã thực sự chuyển từ lực đẩy của người bán sang sức hút của những người mua.

Câu chuyện Đài Loan: tăng sức cạnh tranh

Đài Loan được biết tới như một trung tâm lớn sản xuất các mặt hàng công nghệ cao từ notebook đến keyboard, monitor, modem, các linh kiện nội vi và trang bị ngoại vi của máy tính cùng các mặt hàng bán dẫn. Trên cơ sở này các nhà sản xuất Đài Loan là đối tác của các công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin như IBM, Compaq, HP, Dell, Gateway, Ericsson, Motorola, NEC và Nintendo. Khi đặc trưng của nền kinh tế tri thức là sức kéo mạnh hơn lực đẩy, khách hàng gồm các tập đoàn lớn vừa kể mạnh hơn chủ hàng thì các nhà sản xuất Đài Loan phải nhanh chóng tích hợp vào dây chuyền cung ứng hàng công nghệ cao toàn cầu để có thể đứng vững và tăng sức cạnh tranh.

Vì vậy hệ thống e-logistics của Đài Loan phát triển rất nhanh và luôn đạt điểm cao trong bốn tiêu chí giao hàng đúng hẹn, cung cấp thông tin chính xác, vận hành hệ thống thông minh và sẵn sàng đưa vào dây chuyền cung ứng các lượng hàng theo yêu cầu dù có lên kế hoạch trước hay không. Các cuộc cạnh tranh luôn khắc nghiệt và từ đó người ta nhận ra rằng tính chất thông minh linh hoạt là đặc trưng của e-logistics nhờ luôn tiếp nhận các luồng thông tin phát đi từ các điểm trên toàn chuỗi cung ứng để làm cơ sở cho việc phân tích dự báo.Ở các nhà cung cấp dịch vụ này hàng đầu như DHL, UPS, FedEx người ta thấy có sự trao đổi qua lại các luồng thông tin hỗ trợ nhau. Nơi các tập đoàn công nghiệp lớn như Ford Motor mỗi một thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng từ các đơn vị trực thuộc được chuyển ngay về một trung tâm phân tích để làm cơ sở hoạt động cho công ty kho vận.

Câu chuyện Thái Lan: Chính sách một cửa

Quá trình toàn cầu hóa nay được hiểu là tất yếu và cộng đồng ASEAN đã đạt được sự thỏa thuận hướng tới chính sách một cửa chung cho hệ thống kinh doanh xuyên biên giới. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong khuôn khổ chương trình e-logistics một cửa (single-window e-logistics). Đó là kế hoạch hành động phát triển trên các nền tảng trao đổi dữ liệu (data exchange platforms) giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp liên hệ đến tiến trình xuất nhập khẩu.

Tại buổi làm việc vào cuối năm 2007 ở Bangkok, Thái Lan UNESCAP đã công bố chương trình cho thời khóa 2007-2011, theo đó giảm chi phí logistics từ 19% GDP của năm 2007 xuống còn 16% trong năm 2011 này, đồng thời làm giảm thời gian xuất khẩu cho mỗi lô hàng, chỉ còn 14 ngày thay vì 22-24 ngày. Năm mục tiêu được đặt ra gồm hạ chi phí logistics trong khi nâng cao sự tin cậy và mức độ an toàn, cải tiến hiệu năng logistics bên trong các doanh nghiệp, nâng cao hiệu suất khâu cung ứng và chuyên chở, xây dựng hệ thống cung ứng dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho nền mậu dịch, và đào tạo chuyên viên cho ngành logistics.

Vào thời điểm các nước như Đan Mạch, Estonia, Singapore hay Mỹ chỉ cần từ ba đến bốn văn bản và mất 5-6 ngày cho một lô hàng xuất nhập khẩu thì ở Thái Lan cần đến hàng chục văn bản cùng khoảng 22-24 ngày để thực hiện. Một lô tôm đông lạnh xuất khẩu cần điền 30 hồ sơ gửi cho 15 cơ quan và mất hết 30 ngày, trong đó có đến 14 ngày dành cho việc lấy mẫu và kiểm tra kỹ thuật vì các dữ liệu liên quan đã không được tự động nạp vào dây chuyền cung ứng!. Trong 30 văn bản nói trên có 788 dữ liệu mà một số lớn trong chúng được viết đi viết lại đến 30 lần. Nhưng chỉ sau một năm thực hiện chương trình số hồ sơ phải lập trong năm 2008 chỉ còn lại bảy cho xuất khẩu và chín cho nhập khẩu, số ngày lần lượt giảm xuống 17 và 14 trong khi chi phí logistics cho một container giảm thấp tương ứng đến 615 và 786 đô-la Mỹ.

Từ đây người ta nhận ra rằng ở các nước đang phát triển không thể nói đến một hệ thống e-logistics tốt nếu không có sự tham gia của chính phủ, không chỉ bằng các chính sách mà bằng hành động cụ thể. Thái Lan đã rất quyết tâm và Thủ tướng Chính phủ là người trực tiếp lãnh đạo trong khi các bộ ngành liên quan dốc hết toàn lực. Hải quan được chỉ định là đơn vị tiên phong bằng việc dứt khoát sử dụng văn bản trực tuyến thay cho hồ sơ cầm tay, và việc cải tiến dữ liệu EDI chuyển sang nền tảng ebXML và MS/XML cùng chữ ký số được thực hiện khẩn trương. Một hệ thống hòa hợp dữ liệu quốc gia (national data harmonization) được thiết lập để dùng chung cho tất cả các cơ quan và doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Câu chuyện Việt Nam: Bài toán hội nhập

Có nhiều ý kiến khác nhau về khả năng hội nhập e-logistics của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng phần lớn ý kiến chỉ dựa trên quan điểm chủ quan hoặc nhận xét từ các hoạt động cá biệt mà không xét tới quy luật sức hút và quá trình toàn cầu hóa của nền kinh tế tri thức. Trên thực tế e-logistics là một hệ thống, chẳng những thống nhất trong mỗi công ty mà chung nhất cho cả môi trường kinh doanh của một nước. Các chính phủ đều biết rằng không tái cấu trúc logistics để trở thành những chuỗi e-logistics và không hội nhập e-logistics quốc gia vào dây chuyền cung ứng thế giới là sự thiệt thòi rất lớn vì làm mất khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Không thể nói tới một nền thương mại điện tử vững mạnh nếu không có một hệ thống e-logistics tương ứng.

Trên thực tế nền kinh tế Việt Nam ít nhiều đang bị phân mảnh bởi các chính sách khác nhau cho từng loại doanh nghiệp và việc cải cách hành chính vẫn diễn ra khi nhanh khi chậm. Nhiều chương trình liên quan đến công nghệ thông tin như Đề án 112 đã bị bỏ qua hoặc chậm trễ, lãng phí những thời gian quý báu. Tại một cuộc hội nghị tầm khu vực diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 8-2010 với Việt Nam đóng vai trò chủ tịch ASEAN, các thành viên đều công nhận rằng hội nhập logistics là chìa khóa tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Chúng ta có ba nội dung cần phải làm ngay: Một là hội nhập quan điểm xây dựng hệ thống e-logistics để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hai là hội nhập chính sách để tăng cường khả năng toàn cầu hóa và phát triển bền vững cho nền kinh tế. Cuối cùng là hội nhập hành động bằng trách nhiệm cụ thể của mỗi cơ quan nhà nước và hệ thống doanh nghiệp, bao gồm kế hoạch thiết lập hệ thống và đào tạo nhân lực vận hành.

_________________________________________________

Tài liệu tham khảo:

– Taking advantage of e-logistics to strengthen the competitive advantage of high-tech manufacurers in Taiwanhttp://www.mercatela.com/html/solution/e-logistics.pdf

– Utilization of e-logistics in multinational companies to overcome difficulties of today’s economic environment.http://www.managementmarketing.ro/pdf/articole/177.pdf

– Single-window e-logistics: Policy initiatives and projects in Thailandhttp://www.unescap.org/tid/projects/tradedata_s4somnuk.pdf

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới