Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải cứu, công bằng và độc quyền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải cứu, công bằng và độc quyền

Hồ Lê

(TBKTSG) – Hàng loạt gói giải cứu, hỗ trợ và kích thích kinh tế giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đô la Mỹ đã được chính phủ các nước hứa tung ra trong những tuần gần đây. Dù vậy, không ít người vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của các chương trình trên, cũng như tính công bằng và liệu điều đó có làm gia tăng thêm tình trạng độc quyền trong nền kinh tế.

Giải cứu, công bằng và độc quyền
Các tổ chức tài chính lớn nhỏ khắp thế giới đều đòng lòng về những gói cứu trợ cho nền kinh tế.

Từ Á, Âu sang Mỹ, các chính phủ từ những nền kinh tế phát triển nhất đến mới nổi hay đang phát triển, các ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu, từ những tổ chức khổng lồ như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ECB của châu Âu, BOJ của Nhật Bản hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cho đến các NHTƯ nhỏ hơn trải dài khắp thế giới, đều đồng lòng về những gói cứu trợ cho nền kinh tế, xã hội, doanh nghiệp và người dân. Đáng lưu ý là những nền kinh tế vốn được cho là theo cơ chế tự do thị trường nhất lại luôn tích cực nhất trong các biện pháp rót tiền hỗ trợ và can thiệp vào nền kinh tế, với niềm tin tuyệt đối vào các học thuyết kinh tế của trường phái Keynes mỗi khi khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhiều người lại đặt ra vấn đề về tính công bằng từ các chương trình này. Thứ nhất, đối với việc giải cứu các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, đó phải chăng là việc chính phủ đang sử dụng tiền thuế của dân, phần lớn thuộc nhóm có thu nhập trung bình, để hỗ trợ cho các ông chủ doanh nghiệp, hầu hết thuộc nhóm những người giàu nhất trong xã hội.

Quá khứ cho thấy, việc chính phủ các nước định kỳ giải cứu cho các công ty mỗi khi khủng hoảng xảy ra đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp mạo hiểm rủi ro với hàng loạt dự án, giải pháp kinh doanh, rồi mặc sức vay vốn, sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận và rót đầy túi, khi chi phí vay vốn là lá chắn thuế hữu hiệu. Lợi ích mang lại chỉ cho một nhóm người là chủ sở hữu doanh nghiệp, các cổ đông, và đến khi rủi ro xảy ra thì cả nền kinh tế phải gánh chịu chung.

Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, chính phủ đã quốc hữu hóa những doanh nghiệp này và nắm lấy quyền kiểm soát, tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc những khoản nợ khổng lồ, lỗ lớn của công ty giờ đây cũng thuộc về chính phủ.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm bắt nguồn từ các sản phẩm cho vay thế chấp nhà dưới chuẩn của Mỹ, Chính phủ Mỹ khi đó đã phải bơm hàng trăm tỉ đô la để mua lại các công ty cổ phần như Fannie Mae và Freddie Mac, hãng bảo hiểm AIG, dù sau đó những công ty này đã phục hồi và chính phủ đã lấy lại được phần lớn khoản tiền đã bỏ ra, nhưng số doanh nghiệp làm được như vậy có lẽ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Thật ra, trước đây khi chính phủ rót tiền giải cứu cho các doanh nghiệp cũng nhằm mục đích muốn doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ lại việc làm cho người lao động, như là một chính sách gián tiếp hỗ trợ đến từng cá nhân trong xã hội. Nhưng việc giám sát và kiểm soát sau đó không phải lúc nào cũng đảm bảo hiệu quả, nên việc các ông chủ doanh nghiệp sử dụng tiền giải cứu cho những mục đích khác mang lại lợi ích cho riêng mình cũng trở nên phổ biến.

Trong cuộc khủng hoảng lần này, các gói giải cứu hướng đến các đối tượng đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở các công ty mà đến cả những người dân yếm thế, khi dịch bệnh đang càn quét đến mọi ngóc ngách của xã hội. Những giải pháp hỗ trợ đến từng cá nhân là cần thiết khi cuộc khủng hoảng lần này khác xa các cuộc khủng hoảng trước đây, mà nếu không xử lý khéo léo có thể dẫn đến những mầm mống bất ổn và rối loạn xã hội, nguy cơ đến sự tồn tại của các thể chế hiện nay.

Dù vậy, không phải ai cũng có thể nhận được những lợi ích hỗ trợ như mong đợi. Đơn cử như một trong những gói cứu trợ gần đây của Mỹ trị giá đến 1.800 tỉ đô la đang bị chỉ trích là ưu ái nhà giàu và bỏ qua người nghèo, khi nhiều người sẽ không đủ điều kiện về thu nhập để nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, hầu hết rơi vào nhóm có thu nhập thấp dưới 2.500 đô la.

Đó là còn chưa nói đến việc có những ngành nghề, cá nhân dù không chịu mấy thiệt hại, hoặc thậm chí còn kiếm lợi được trong cuộc khủng hoảng, cũng khăng khăng tìm cách để nhận được hỗ trợ. Cũng có những doanh nghiệp thay vì phải nhanh chóng tái cấu trúc, đẩy mạnh giảm giá hàng bán để ưu tiên cải thiện dòng tiền, thì vẫn cố tìm cách giữ giá sản phẩm cao nhất có thể đến mức bất hợp lý và kêu gọi được giải cứu, mà ngành bất động sản gần đây đã được nhắc đến như là một ví dụ cụ thể.

Thậm chí ngay cả khi từng người đều đã nhận được tiền cứu trợ của chính phủ, tiền mặt được bơm ra ồ ạt nhưng các hoạt động sản xuất không kịp phục hồi và chạy theo kịp với tốc độ mở rộng cung tiền, hậu quả là giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát phi mã. Ở góc độ kinh tế, lạm phát được xem là thuế ngầm đánh lên nền kinh tế, trong đó những người nghèo phải chạy ăn từng bữa, có thu nhập cố định sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do thiếu các công cụ, nguồn lực đầu tư như người giàu để bảo vệ giá trị tài sản trước sự mất giá của đồng tiền. Như vậy, hiệu quả của các chương trình hỗ trợ dường như không đạt được như kỳ vọng.

Đứng ở góc độ các doanh nghiệp, mỗi cuộc khủng hoảng xảy ra sẽ quét sạch rất nhiều doanh nghiệp ra khỏi nền kinh tế, khi không phải công ty nào cũng có thể tiếp cận được các chính sách giải cứu và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, hoặc nếu có thì cũng đến quá muộn tại thời điểm mà doanh nghiệp đã không còn có sức để gượng dậy và phục hồi.

Đáng buồn thay phần lớn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà luôn được tán dương là xương sống của nền kinh tế, lại là những nạn nhân phổ biến nhất. Với tiềm lực nhỏ bé, năng lực tài chính có hạn, thiếu các khả năng chống đỡ khi khủng hoảng xảy ra và suy thoái kéo dài, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay hay hỗ trợ tài chính, những doanh nghiệp này rõ ràng khó có thể sống sót trong những cơn thủy triều khủng hoảng kinh tế luôn có tính chu kỳ.

Về phía các chính phủ, việc chọn lọc và quyết định hy sinh những doanh nghiệp nhỏ hơn để dồn nguồn lực giải cứu cho các doanh nghiệp lớn có vẻ là lựa chọn hợp lý, dù không ít trong số các doanh nghiệp này đã bất chấp rủi ro và đánh đu với các phương án kinh doanh mạo hiểm. “Quá lớn nên không thể sụp đổ” dường như trở thành câu thần chú hiệu nghiệm để các tập đoàn ra sức mở rộng quy mô, thâu tóm hàng loạt và rót tiền vào các dự án mà không cần cân nhắc đến tính khả thi về mặt kinh tế, thậm chí trong nhiều trường hợp là mang tính chính trị nhiều hơn.

Việc sử dụng một lực lượng lao động khổng lồ, mang lại rất nhiều công ăn việc làm cho nền kinh tế, có những mỗi quan hệ làm ăn chằng chịt với hệ thống ngân hàng, các tập đoàn “quá lớn” này đã đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế là không thể chối cãi, nhưng trong những thường hợp cần thiết các ông chủ cũng lấy đó làm con tin để mặc cả và buộc các chính phủ phải ra tay giải cứu mỗi khi bất ổn xảy ra.

Một tâm lý phổ biến là khi ta đã dồn sức và chịu đau khổ, hy sinh quá nhiều vào một điều gì đó, thì ta càng cố gắng bám víu lấy nó và giúp nó vẫn tồn tại, bởi vì có như thế những hy sinh của chúng ta, nỗi đau khổ mà chúng ta đã trải qua mới có ý nghĩa. Với những tập đoàn lớn đã hút cạn một nguồn lực quá lớn của nền kinh tế, từ tài chính cho đến nhân lực, rõ ràng không dễ để bị bỏ rơi khi các chính phủ phải đứng trước lựa chọn và quyết định.

Sau mỗi một cuộc khủng hoảng, trong khi hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và một số công ty lớn nhưng thiếu các mối quan hệ chính trị bị quét sạch ra khỏi nền kinh tế, hoặc đã suy yếu đáng kể, thì một bộ phận các tập đoàn khổng lồ khác nhờ được giải cứu (dù nhiều khi không cần thiết) nên tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh và gia tăng thị phần, có thêm nguồn lực để đi thâu tóm các đối thủ khác đã hay đang ngắc ngoải, cần phải được “trợ thở” và cấp cứu nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Hệ quả là điều này sẽ càng làm gia tăng tính độc quyền trong nền kinh tế, với những doanh nghiệp quá lớn sẽ còn phì đại, phình to hơn nữa và vòng xoáy cứ thế tiếp tục, để rồi khi một cuộc khủng hoảng khác lại xảy đến, những doanh nghiệp này sẽ là ưu tiên số 1 trong bất kỳ danh sách cần được giải cứu nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới