Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải cứu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải cứu ngân hàng lớn nhất nước Mỹ

Việc sở hữu Merrill Lynch đã đưa Bank of America lên vị trí công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới – Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Chính phủ Mỹ đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 20 tỉ đô la Mỹ cho Bank of America – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đồng thời còn đảm bảo 98,2 tỉ đô la Mỹ tài sản có vấn đề cho ngân hàng này.

Kế hoạch trợ giúp của chính phủ

Trước hết, Bank of America sẽ sử dụng khoản tiền được lấy từ kế hoạch 700 tỉ đô la Mỹ được thông qua vào tháng 10-2008 vào việc hoàn thành thương vụ thâu tóm Merrill Lynch. Theo AP, với việc tiếp quản ngân hàng Merrill Lynch, ngân hàng Bank of America đã vượt JPMorgan Chase & Co. và Citigroup Inc.  để trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với tổng giá trị tài sản lên tới 2.700 tỉ đô la Mỹ.

Bank of America đã lên tiếng yêu cầu chính phủ trợ giúp khoản thua lỗ từ thương vụ với Merrill Lynch sau khi nhận biết giá trị tài sản của Merrill trong quí 4 chỉ còn giảm từ 15-20 tỉ đô la Mỹ. Ngân hàng này sẽ mua 44 tỉ đô la Mỹ cổ phiếu phổ thông và 6 tỉ đô la Mỹ các hợp đồng quyền chọn, chứng khoán chuyển đổi… của Merrill. Đặc biệt, số tiền trợ cấp từ chính phủ còn được dùng vào việc bù đắp các khoản thua lỗ khác.

Kết quả lợi nhuận quí 4-2008 của Bank of America, sẽ được công bố vào ngày 20-1-2009, có thể là mức thua lỗ theo quí lần đầu tiên trong 17 năm. Theo điều kiện thỏa thuận, Bank of America chỉ chịu trách nhiệm với 10 tỉ đô la Mỹ thua lỗ trong khoản tài sản thiếu tính thanh khoản đã lên tới 118 tỉ đô la Mỹ nằm ở các bất động sản nhà ở và thương mại, các khoản vay doanh nghiệp… Cổ phiếu của ngân hàng này sụt giảm 27% chỉ từ đầu năm 2009 cho đến nay và rơi xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua.

Tuy nhiên, đổi lại sự ủng hộ này, Bank of America sẽ trao thêm cho chính phủ một lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 4 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ lên 45 tỉ đô la Mỹ. Chính phủ Mỹ trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, nắm giữ 6% cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng phải đồng ý giảm cổ tức hàng quí và giảm lương của các vị trí điều hành.

“Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các nguồn lực để bảo tồn sức mạnh của các thể chế ngân hàng và thúc đẩy tiến trình khôi phục cũng như quản lý rủi ro”, một nhà điều hành trong chính phủ nói. Với việc thua lỗ gia tăng trong ngành tài chính, người ta dự đoán các ngân hàng khác sẽ nằm dưới sự quản lý của chính phủ để đổi lấy sự trợ giúp, kể cả với ngân hàng lớn.

Chứng khoán châu Á phản ứng nhanh

Thị trường chứng khoán châu Á vào ngày thứ Sáu, 16-1 đã có một phiên tăng điểm đồng loạt ngay sau thông tin chính phủ Mỹ đồng ý bơm thêm tiền vào ngân hàng Bank of America. Quyết định này giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư rằng, chính phủ Mỹ sẽ làm bất cứ việc gì cần thiết để ngăn chặn nền kinh tế lớn nhất thế giới lún sâu vào suy thoái.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 206,84 điểm (tương đương 2,6%) đạt 8.230,15 điểm do cổ phiếu của các hãng sản xuất xe hơi và nhà xuất khẩu cùng lúc tăng. Cổ phiếu của Toyota tăng 6%, Honda Motor tăng 8% và hãng điện tử Nikon tăng 6,7%.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng thêm 12,55 điểm(tương đương 0,1%), đạt 13.255,51 điểm. Chỉ số hỗn hợp Thượng Hải tăng 1,8%. Các chỉ số chuẩn ở các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Singapore, Úc, Đài Loan và Ấn Độ đồng loạt tăng điểm.

Cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc đặc biệt tăng mạnh nhờ thêm thông tin rằng quỹ tài sản quốc gia sẽ mua lại cổ phiếu của các công ty. Cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tăng 3,6% còn Bank of China tăng 4,6%.

Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,1%, chỉ số DAX của Đức tăng 2,6% và chỉ số CAC của Pháp tăng 2,7%.

MỸ HẠNH (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới