Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải cứu Vietnam Airlines như thế nào cho hợp lý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải cứu Vietnam Airlines như thế nào cho hợp lý?

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) – Việc giải cứu Vietnam Airlines tiếp tục là chủ đề nóng với việc ngày càng có nhiều tiếng nói có trọng lượng thiên về hướng Nhà nước bỏ vốn để cứu doanh nghiệp này(1).

Phương cách nào giúp Vietnam Airlines thoát 'cơn bĩ cực'?

Vietnam Airlines, nếu được cứu trợ thì chắc chắn sẽ phục hồi và phát triển tốt. Ảnh: LÊ ANH

Một trong những lập luận chủ yếu cho việc kêu gọi giải cứu Vietnam Airlines là do đây là doanh nghiệp nhà nước, chủ sở hữu là Nhà nước nên nếu không cứu, trong trường hợp Vietnam Airlines không vượt qua được thì Nhà nước sẽ mất vốn.

Lập luận trên thoạt nghe thì thấy thuyết phục, nhưng ông chủ sở hữu trong trường hợp này khác rất xa những chủ sở hữu thông thường khác.

Nếu chỉ vì đó là doanh nghiệp nhà nước mà phải cứu thì chắc Nhà nước sẽ còn phải cứu cả những doanh nghiệp nhà nước khác trước đây và hiện nay, bao gồm cả những doanh nghiệp đã phá sản trên nghĩa đen như Vinashin và những doanh nghiệp đang “đắp chiếu” thuộc Bộ Công Thương.

Nhưng Quốc hội và Chính phủ đã xác định không bỏ vốn nhà nước để cứu giúp, tái cơ cấu những doanh nghiệp này và doanh nghiệp nhà nước nói chung nữa, nên việc giải cứu Vietnam Airlines, nếu muốn thực hiện, thì yếu tố doanh nghiệp nhà nước không thể là lý do để xem xét.

Cũng có lập luận rằng Vietnam Airlines khác với các doanh nghiệp nhà nước yếu kém khác ở chỗ đây là một doanh nghiệp lành mạnh, nếu được cứu trợ thì chắc chắn sẽ phục hồi và phát triển tốt. Nhưng cần biết rằng, ngay cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), dù rất muốn bỏ vốn ra để giúp Vietnam Airlines, cũng không dám đảm bảo 100% khả năng thu hồi lại khoản chi để giải cứu này trong tương lai.

Tóm lại, không nên đặt vấn đề cứu Vietnam Airlines chỉ vì đây là doanh nghiệp nhà nước, vì ngoài lý do như nêu ở trên thì nó còn vi phạm nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đó là chưa kể đến yêu cầu phải giữ kỷ luật thị trường, tránh rủi ro đạo đức khi doanh nghiệp được Nhà nước bảo bọc có xu hướng “làm liều” vì rủi ro thế nào đã có Nhà nước gánh chịu.

Việc giải cứu, nếu quyết định thực hiện, cần phải dựa vào các yếu tố kinh tế, bao gồm triển vọng phục hồi của Vietnam Airlines, khả năng thu hồi nguồn vốn cứu trợ cũng như tác động của việc giải cứu này đối với ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Cho đến nay, có nhiều khả năng Chính phủ sẽ hỗ trợ Vietnam Airlines bằng cách này hay cách khác, chứ không để mặc cho hãng hàng không lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam này tự vật lộn với những khó khăn hiện hữu. Câu hỏi đặt ra là nên giải cứu Vietnam Airlines như thế nào cho hợp lý nhất?

Trước hết, cần lưu ý là Vietnam Airlines dù vẫn còn là doanh nghiệp nhà nước trên danh nghĩa khi Nhà nước vẫn nắm giữ trên 80% cổ phần, nhưng ngoài Nhà nước thì Vietnam Airlines còn có các cổ đông khác như ANA và Vietcombank… Nên nguyên tắc giải cứu trước tiên là cần có sự “đồng giải cứu” của tất cả cổ đông, nhất là những cổ đông lớn như ANA và Vietcombank, chứ không chỉ có mỗi cổ đông là Nhà nước.

Nhưng đến đây thì lại có thể có ý kiến cho rằng ANA cũng đang gặp khó khăn, phải đi vay cả chục tỉ đô la từ Chính phủ Nhật nên không trông chờ được gì vào họ. Nếu sau khi đã xác định được rằng những cổ đông lớn của Vietnam Airlines không muốn, hoặc không thể bỏ tiền ra cùng với Nhà nước cứu trợ Vietnam Airlines, thì cần phải thực thi nguyên tắc thứ hai về cứu trợ, đó là ai (trong số cổ đông hiện hữu) bỏ vốn ra cứu trợ thì phải được đặt ra điều kiện, phải được lợi từ việc cứu trợ này.

Hãy xem kinh nghiệm từ việc Chính phủ Đức cứu trợ Lufthansa. Trước tiên, cần lưu ý rằng sau khi cứu trợ 10 tỉ đô la Mỹ thì Chính phủ Đức sẽ nắm 20% cổ phần của hãng này. Có nghĩa là Lufthansa trước và kể cả sau khi được giải cứu hoàn toàn không phải là doanh nghiệp nhà nước, kể cả với định nghĩa rộng như của Việt Nam.

Quan trọng hơn, Chính phủ Đức bỏ ra 10 tỉ đô la cho hãng này với điều kiện đổi lấy 20% cổ phần, tức là chính phủ mua cổ phiếu của hãng với giá chiết khấu rất lớn, chỉ chưa bằng một phần ba thị giá. Điều này ban đầu đã bị chính các cổ đông lớn của hãng phản đối, nhưng sau đành chấp nhận vì nhận ra rằng thà bán rẻ còn hơn bị phá sản(2).

Do vậy, việc giải cứu này thực chất chỉ là một vụ mua bán đơn thuần. Chính phủ Đức rót vốn cho cho Lufthansa, nhưng hành động “cứu trợ” này phải được đảm bảo bằng lợi ích tài chính để giảm thiểu khả năng hao hụt tiền của Nhà nước, thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phần cao với phần thiệt nghiêng về doanh nghiệp. Dẫu vậy, cần lưu ý rằng đây mới chỉ là đề xuất song phương.

Thương vụ này còn phải đợi phê chuẩn của cơ quan quản lý cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU). Điều này có nghĩa là cứu trợ gì thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tương tự như với Lufthansa, nếu chỉ có mỗi Nhà nước Việt Nam đứng ra giải cứu Vietnam Airlines thì Vietnam Airlines cũng như các cổ đông khác phải chấp nhận điều kiện là sẽ trả cho Nhà nước số cổ phần giá trị lớn hơn nhiều số tiền cứu trợ theo thị giá. Điều này đồng nghĩa với việc các cổ đông lớn khác của Vietnam Airlines sẽ bị thiệt hại nặng nề (giảm cổ phần). Nếu các cổ đông này vẫn đồng ý, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt hại này thì Chính phủ xem xét cứu trợ.

Đồng thời, cũng cần đảm bảo sự rót vốn nhà nước không đi kèm với những hành động ngăn cản cạnh tranh lành mạnh, mang tính phân biệt đối xử giữa các hãng hàng không chỉ vì để đạt mục đích giúp cho một doanh nghiệp có thêm cơ hội hồi phục.

(1) https://cafef.vn/to-truong-to-tu-van-cua-thu-tuong-vi-sao-can-cuu-vietnam-airlines-20200718114721408.chn

(2) https://www.aljazeera.com/ajimpact/takeoff-lufthansa-shareholders-10bn-government-bailout-200625152754936.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới