Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải ngân chậm đe dọa nguồn vốn ODA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải ngân chậm đe dọa nguồn vốn ODA

Nhân Tâm

Giải ngân chậm đe dọa nguồn vốn ODA
Một đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1 TPHCM. Tuyến metro này sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Trải qua 5 giai đoạn thu hút vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 1993 đến nay, Việt Nam ký kết vay hơn 80 tỉ đô la Mỹ nhưng chỉ giải ngân khoảng gần 56,7 tỉ đô la, còn hơn 23,7 tỉ đô la cần phải được giải ngân.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc hội thảo “Thực trạng quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2011-2016” được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 5-3. Trong đó, chỉ riêng giai đoạn 2011-2016, Việt Nam ký kết hơn 33,8 tỉ đô la Mỹ và giải ngân được gần 27 tỉ đô la Mỹ.

Những bất cập trong quản lý và sử dụng vốn ODA

Tại cuộc hội thảo do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, các đại biểu trong nước và quốc tế đã chỉ ra những bất cập trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA, đặc biệt là chính sách và pháp lý, dẫn đến việc chậm trễ trong việc thực hiện các dự án ODA một cách hữu hiệu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thể chế quản lý và sử dụng vốn ODA chưa theo kịp với những thay đổi về luật pháp trong nước về đầu tư công và những thay đổi trong chính sách của các nhà tài trợ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. “Có những dự án, quy trình và thủ tục chuẩn bị và thực hiện kéo dài 3-5 năm dẫn đến không đáp ứng được tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu (bao gồm vốn dự toán) trở nên không còn phù hợp,” ông Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hà Hải An, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu lên những bất cập trong việc ban hành các quy định về vốn ODA. Ông cho biết trong giai đoạn 2011-2016 đã ban hành mới và sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn ODA nhưng các văn bản pháp luật này có những chồng chéo và vướng mắc, dẫn đến cản trở thực hiện các dự án.

“Ví dụ, trong Hiến pháp 2013 có quy định ‘Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế nhân danh nhà nước’. Như vậy, theo quy định mới, sẽ bổ sung thêm một bước Chủ tịch nước xem xét quyết định đàm quán, ký kết, thay cho việc Chính phủ quyết định như trước đây. Điều đó, khiến cho thời gian đàm phán, ký kết kéo dài hơn, khoảng 50-60 ngày,” ông An cho biết và chia sẻ thêm Luật Đầu tư công 2014 cũng đề ra những quy định mới về thẩm quyền quyết định đầu tư, dẫn đến mâu thuẫn trong việc thực hiện các dự án trong gia đoạn 2011-2016.

Ông Christian Haas, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), nêu lên ví dụ về các dự án mà KfW đang tài trợ tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 ở TPHCM. KfW đã ký kết tài trợ 240 triệu euro cho dự án (2014) và đề xuất cho vay thêm 200 triệu euro vào năm ngoái. “Nhưng công tác thực hiện dự án bị chậm trễ nghiêm trọng,” ông nói, và khuyến nghị "việc tăng vốn bổ sung của dự án cần được phê duyệt trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội vào tháng 5, nếu không việc thực hiện dự án sẽ tiếp tục bị đình trệ và làm tăng chi phí".

Quản lý vốn ODA; cần có luật và quy về một mối

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đề đưa ra những ý kiến cần có luật quản lý vốn ODA và quy về một đầu mối quản lý nguồn vốn này nhằm sử dụng có hiệu quả.

“Chúng ta cần thấy rằng 2 nút thắt trong quản lý và sử dụng vốn ODA là sự thống nhất trong các quy định của pháp luật và cơ chế nhằm thúc đẩy giải ngân số vốn ODA khổng lồ hiện nay. Những chồng chéo trong quy định pháp luật làm cản trở việc thực hiện các dự án sẽ được tháo gỡ khi 2 nút thắt này được tháo gỡ,” tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chia sẻ.

Ý kiến của ông Hùng cũng trùng khớp với ý kiến của ông Lê Quang Thuận, Trưởng ban Tài chính quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Ông Thuận đề nghị: “Cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, sử dụng vốn ODA theo hướng ban hành ‘Luật về quản lý sử dụng vốn ODA’ nhằm đảo bảo tính công khai, minh bạch khi sử dụng đồng vốn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hào, Phó cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước Trung ương, đề xuất ý kiến tập trung đầu mối quản lý khoản vay ODA để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý vốn vay theo Luật nợ công, đảm bảo cân đối vốn ngoài nước với vốn trong nước.

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho biết ý kiến của các chuyên gia cũng như đại diện các nhà tài trợ quốc tế sẽ được ghi nhận, xem xét và chọn lọc để trình Quốc hội vào kỳ họp vào tháng 5 tới.

Nhà tài trợ: nếu chậm trễ, sẽ hủy bỏ

Buổi hội thảo đã thu hút đại diện của 6 ngân hàng quốc tế hiện đang tài trợ vốn ODA cho Việt Nam, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam và là đại diện cho nhóm 6 nhà tài trợ quốc tế nói trên, cho biết các nhà tài trợ đang theo dõi sát sao quá trình thực hiện vốn ODA của Việt Nam. “Chúng tôi sẵn sàng hủy bỏ tài trợ nếu thấy bất kỳ dự án nào không hiệu quả và chậm trễ để dành vốn cho các dự án khác,” ông Sidgwick nói và cho biết thêm đại diện nhóm 6 nhà tại trợ mong muốn Chính phủ Việt Nam tích cực tháo gỡ các nút thắt, thúc đẩy thực hiện các dự án để không xảy ra tình trạng chậm trễ như trong thời gian qua đồng thời sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả hơn để thu hút các nguồn vốn đầu tư.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới