Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải ngân vốn đầu tư công: thách thức đổi mới nơi ngành giao thông

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ tiêu giải ngân tối thiểu 94.161 tỉ đồng vốn đầu tư công – cao hơn 1,7 lần năm 2022. Nhiệm vụ nặng nề, chưa từng có tiền lệ đòi hỏi cơ quan này phải nỗ lực cao độ, mạnh dạn thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua.

Nhiệm vụ lớn của ngành giao thông

Gặp nhiều khó khăn do yếu tố thời tiết, biến động giá, thiếu hụt các nguyên vật liệu đầu vào, nhưng nỗ lực cao độ của các chủ đầu tư và nhà thầu, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đã giúp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiệm cận rất sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với chiều dài hơn 109 km, đi qua các tỉnh gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Để đạt được kết quả này, Bộ GTVT đã phát động kế hoạch thi đua nước rút “120 ngày đêm” nhằm tạo nên bước đột phá trên các công trường, đặc biệt là tại 3 dự án thành phần là đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Băc – Nam giai đoạn 2017-2020.

Trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công “3 ca’, “4 kíp”. Số lượng máy móc các nhà thầu huy động đã vượt số lượng yêu cầu trong hợp đồng.

Trong đó, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đã  huy động thêm: 7 trạm trộn bê tông nhựa, 6 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 5 dây chuyền rải cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 8 máy san, 8 máy ủi, 34 lu rung; đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã huy động thêm: 62 lu rung, 5 máy san, 10 máy rải, 1 trạm bê tông xi măng, 3 trạm bê tông nhựa, 100 xe vận chuyển; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây  đã huy động thêm 3 trạm trộn bê tông nhựa, 7 dây truyền thi công bê tông nhựa, 10 dây truyền thi công cấp phối đá dăm và cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 4 máy khoan đá, 22 máy lu nền đường, 70 xe ôtô vận chuyển các loại…

Sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó từ khoảng 2%-2,5% đã tăng lên khoảng 4- 4,5%. Tiến độ trên các công trường đã có chuyển biến rõ rệt, từ sản lượng khoảng 50% vào tháng 9-2022 đã tiệm cận mức 80% của toàn dự án và 90% của tuyến chính vào  ngày 31-12-2022.

Những nỗ lực trên, theo Bộ GTVT, đã giúp đoạn Cam Lộ – La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đã hoàn thành và được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31-12-2022 theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Còn đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây cũng được thông xe kỹ thuật 3 vào ngày 31-12-2022, tiến tới hoàn thành và vào khai thác vào ngày 30-4-2023.

Với năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã giao Bộ GTVT chỉ tiêu giải ngân tối thiểu 94.161 tỉ đồng vốn đầu tư công để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cao hơn 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021. Trong đó, 12/25 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng giá trị khoảng 52.280 tỉ đồng đã chính thức khởi công vào ngày 1-1-2023, với các liên danh nhà thầu được Bộ GTVT chỉ định. Cơ quan này cũng đặt kế hoạch lựa chọn xong nhà thầu tại 13 dự án còn lại trước ngày 10-1 và khởi công trong ngày 15-1.

Yêu cầu đổi mới tư duy thực hiện dự án

Khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ nặng nề, chưa từng có tiền lệ này đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực cao độ, hoàn thành dứt điểm việc bàn giao đầy đủ mặt bằng tại các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 và 2; giải quyết vấn đề về nguồn vật liệu thông thường như đất đắp, đá cát sỏi để tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 tăng tốc ngay sau khi khởi công công trình. Ngoài ra, cần đổi mới tư duy ngay từ việc khởi công dự án.

“Dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo ông Huy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm tính từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44/2022, Bộ GTVT đã hoàn thiện toàn bộ thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, một dự án nhóm A thường mất tối thiểu 2 năm tính từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu đến khởi công.

Nhưng với dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép áp dụng. Bên cạn đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT, sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương có dự án đi qua. Tất cả đã giúp một khối lượng công việc khổng lồ đã được giải quyết, rút ngắn một nửa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư so với dự án thông thường.

Để đảm bảo dự án được hoàn thành vào năm 2025, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, giao nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.

Trong đó, có việc áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Rút kinh nghiệm từ Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, để hỗ trợ các đơn vị thi công có thể vào cuộc ngay, Bộ GTVT cũng kiến nghị và được Chính phủ cho phép rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ Khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Về việc lựa chọn nhà thầu, ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT, cho biết ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, Bộ còn xây dựng bộ tiêu chí mẫu. Chẳng hạn, về năng lực hành nghề thi công xây dựng, khảo sát thiết kế, các nhà thầu phải là hạng I. Với các gói thầu xây lắp có quy mô 3.000-8.000 tỉ đồng, nhà thầu phải có năng lực tài chính tương ứng với quy mô gói thầu.

Về chí kinh nghiệm, theo quy định cũ, nhà thầu từng thi công hợp đồng có giá trị bằng 70% giá trị gói thầu đang xét. Nhưng thông tư 08 của Bộ KHĐT đã nới hơn, cho phép nhà thầu phải thực hiện gói thầu có giá trị bằng 50% giá trị gói thầu đang xét.

“Nếu áp dụng quy định cũng sẽ khó lựa chọn được nhà thầu phù hợp. Nhưng với tiêu chí mới, chỉ có những nhà thầu thi công dự án quy mô lớn mới đáp ứng được”, ông Tiến phân tích.

Ngoài ra, các nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng tại các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 sẽ không được tham gia thi công giai đoạn 2.

“Bộ đã lựa chọn, ký hợp đồng của 14 gói thầu, đáp ứng điều kiện khởi công”, ông Tiến cho biết.

Thách thức nguồn vật liệu

Trong số 25 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, Gói thầu XL01 thuộc Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có quy mô lên khoảng 7.555 tỉ đồng, là gói thầu giá trị lớn nhất với công trình đường bộ tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Ban Quản lý dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn gói thầu này, liên danh nhà thầu tham gia gồm” Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng 36, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất tại gói thầu triển khai ở vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long là việc tìm đủ nguồn vật liệu thông thường như đất đắp, cát, sỏi đảm bảo chất lượng và số lượng. Đây cũng là khó khăn chung của các nhà thầu tại 25 gói thầu xây lắp toàn Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng), cho rằng để bảo đảm tiến độ dự án, yếu tố vật liệu rất quan trọng.

Theo tính toán, Dự án Cần Thơ – Hậu Giang cần trữ lượng cát khoảng 18,5 triệu mét khối. Trong hơn 1 tháng qua, nhà thầu, chủ đầu tư và Bộ GTVT đã làm việc với các tỉnh trong khu vực để xác định trữ lượng cát của địa phương. Kết quả cho thấy các địa phương đáp ứng được trữ lượng vật liệu, nhưng lượng cấp phép cho các mỏ còn thấp.

Để giải quyết vấn đề, các địa phương như tỉnh An Giang đã khẳng định sẽ mở rộng cấp phép cho các mỏ để đáp ứng yêu cầu của dự án.

“Chúng tôi sẽ sớm phối hợp với địa phương, Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT để nhận được quyết định cấp phép mở rộng mỏ, đủ điều kiện thi công dự án ngay. Trước mắt, nguồn vật liệu sẽ lấy ở các mỏ của doanh nghiệp địa phương đang khai thác, sau đó binh đoàn sẽ chủ động khai thác các mỏ”, ông Ngọc thông tin.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới