Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải ngân vốn ODA vượt chỉ tiêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải ngân vốn ODA vượt chỉ tiêu

Hà Nội và TPHCM cần rất nhiều vốn ODA để cải tạo hạ tầng và các công trình thoát nước. Nhưng thực tế là việc dùng vốn này chưa hiệu quả nên ngập lụt gây ảnh hưởng nặng nề ở thủ đô đầu tháng 11 – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Theo tính toán của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, mức giải ngân vốn ODA năm 2008 dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và cao hơn mức năm 2007.

Ước tính, năm nay sẽ giải ngân được 2.200 triệu đô la Mỹ, cao hơn con số 2.176 triệu đô la năm trước. Trong số đã và đang giải ngân, vốn vay ODA đạt khoảng 1.950 triệu đô la, viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 250 triệu đô.

Kế hoạch giải ngân nguồn vốn này được giao trong năm nay là 1.900 triệu đô. Thực tế giải ngân 10 tháng đầu năm dự kiến đạt khoảng 1.576 triệu đô, bằng 83% kế hoạch năm 2008.

Những dự án có tỷ lệ giải ngân khá là vốn vay trong các ngành điện, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các dự án khác trong lĩnh vực phát triển đô thị, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng có mức giải ngân chưa đạt yêu cầu.

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, mặc dù có những chuyển biến lớn về con số nhưng tỷ lệ giải ngân ODA của Việt Nam còn thấp so với mức trung bình của khu vực. Chẳng hạn, với vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ giải ngân của ta chỉ đạt 11,6% so với mức 19,4% của khu vực. Hay với vốn của JBIC, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 13,6% so với mức 16,6% của quốc tế. Sự chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã làm giảm hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, tình hình thu hút vốn ODA giữa các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ cạnh tranh gay gắt trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung ODA bị hạn chế  hơn.

Theo ước tính, tổng giá trị ODA ký kết năm 2009 dự kiến khoảng 5.200 triệu đô la (4.630 triệu đô là vốn vay, 570 triệu đô là viện trợ không hoàn lại). Nhật  Bản, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và WB vẫn là những nhà tài trợ có khả năng ký kết 70 – 80% tổng giá trị ODA.

Bộ Kế hoạch-Đầu tư tính toán rằng, với điều kiện triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt đầu tư hạ tầng ở Việt Nam với tiến độ chậm như hiện nay thì nguồn vốn giá rẻ sẽ trở thành nguồn vốn giá cao do bị kéo dài thời gian. Do vậy, cần mở rộng sang các khoản vay khác kém ưu đãi hơn như khoản vay thông thường (OCR) của ADB, khoản vay IBRD của WB để tối đa hóa nguồn vốn ODA, hỗ trợ phát triển nhanh cơ sở hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại, làm chất xúc tác cho đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các cơ quan quản lý nguồn ODA và các bộ, ngành cần có chính sách cụ thể, rõ ràng, chủ động để tiếp cận các khoản vay này.

 NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới