Thứ Bảy, 30/09/2023, 23:37
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn thấp

Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản như một giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả trong đầu tư các công trình trọng điểm – Ảnh: vietnam.gov.vn

(TBKTSG Online) – Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, quyết toán, giải phóng mặt bằng lẫn việc đánh giá năng lực nhà thầu nhằm giải quyết tình trạng vốn xây dựng cơ bản giải ngân thấp.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nêu ra yêu cầu trên tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành vào ngày 3-5, tại trụ sở Chính phủ (Hà Nội) nhằm kiểm điểm công tác xây dựng cơ bản và giải ngân vốn trong bốn tháng đầu năm.

Trong bốn tháng đầu năm, nhìn chung tình hình xây dựng cơ bản của hai ngành chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn là giao thông vận tải và nông nghiệp, phát triển nông thôn đều phát triển khá so với cùng kỳ năm 2007. Lãnh đạo các bộ cho rằng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các vướng mắc chính dẫn đến tình trạng giải ngân thấp đã được khắc phục cơ bản, tiến độ thi công các công trình được đẩy mạnh và có trọng tâm hơn so thời gian trước.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng đánh giá, xây dựng cơ bản nói chung và công tác giải ngân vốn công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách trong bốn tháng đầu năm vẫn chưa đạt kết quả tương xứng với yêu cầu đặt ra. Ông đề cập đến mối liên hệ giữa tình hình giải ngân và bài toán đầu tư trọng điểm cùng hiệu quả của nền kinh tế, trong khi những vướng mắc về mặt cơ chế đã được tháo gỡ, từ thủ tục đầu tư đến việc điều chỉnh giá xây dựng…

Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ phải nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục những tồn tại trong công tác chuẩn bị các dự án, các quyết định điều chỉnh dự toán cụ thể, về năng lực nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng thi công… Đặc biệt, ông nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực các ban quản lý các dự án. Theo đó, trong công tác điều hành thời gian tới cần đề cao hơn nữa trách nhiệm các ban quản lý dự án bằng việc thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xem xét cụ thể trách nhiệm người đứng đầu.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương hữu quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vấn đề khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng thi công. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành sớm các quy hoạch dự án xây dựng cơ bản, lập danh sách các dự án dự kiến sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ mới để có kế hoạch chuẩn bị chủ động và đầy đủ.

Công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản bốn tháng đầu năm:

– Bộ Giao thông vận tải: Vốn ngân sách nhà nước đạt 12,6%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 9,8%.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vốn ngân sách nhà nước đạt 31%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 12%.

* Theo dòng sự kiện, TPHCM cũng đang đẩy mạnh việc giải ngân các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA), nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển và sử dụng hiệu quả vốn ODA cho các công trình giao thông trọng điểm. 

Hiện nay, thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện 23 dự án sử dụng vốn ODA với tổng kinh phí đầu tư 51.543 tỉ đồng (tương đương với 3,2 tỉ đô la Mỹ). Trong số này, vốn ODA là 39.095 tỉ đồng (tương đương 2,44 tỉ đô la Mỹ) còn lại là vốn đối ứng trích từ ngân sách. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải ngân được hơn 940 tỉ đồng (tương đương 60 triệu đô la Mỹ), tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có hơn 896 tỉ đồng là vốn vay ODA, đạt 27,8% kế hoạch cả năm.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, TPHCM đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do khâu chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, do hạn chế về năng lực nhà thầu và tư vấn, do khâu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và nguyên nhân khách quan đến từ việc giá vật tư tăng cao… Mặt khác, thành phố cũng tập trung giải quyết các phát sinh cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện như: khối lượng tăng thêm, giá vật tư tăng, giá dự thầu thấp nhất cao hơn giá dự toán, thay đổi nhân sự của các nhà thầu tư vấn, kế hoạch đấu thầu và tập trung nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tổng hợp

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới