Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp điện cho Trường Sa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải pháp điện cho Trường Sa

Hệ thống pin điện mặt trời tại Trường Sa sau khi Solarlab lắp đặt. Ảnh do Solarlab cung cấp.

(TBKTSG Online) – Kể từ nay, quân và dân trên quần đảo Trường Sa không còn phải dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel, lúc có lúc không do phụ thuộc vào nguồn dầu ở đất liền chuyển ra. Thay vào đó, là dòng điện từ năng lượng mặt trời vốn rất dồi dào ở huyện đảo này.              

Nguồn điện chạy bằng dầu diesel trên quần đảo thường bị gián đoạn do sự hạn chế đi lại vào mùa bão tố và do máy phát trục trặc.

Trong suốt “ mùa giông tố”, từ tháng 7 năm trước đến tháng 2 năm sau hàng năm, quần đảo gần như bị gián đoạn mọi nguồn tiếp tế.

Mặt khác khí hậu biển nhanh chóng hủy hoại máy phát điện, nên tuổi thọ máy phát điện ngắn, chỉ trong vòng vài tháng đến một năm đã phải sửa chữa hoặc thay mới.    

Hai năm trước, đoàn cán bộ lãnh đạo TPHCM ra thăm quần đảo Trường Sa, thấy được khó khăn về nguồn điện ở nơi đầu sóng ngọn gió này, đã quyết định hỗ trợ giải quyết vấn đề nan giải này của huyện đảo và một dự án năng lượng cho Trường Sa được ra đời.  

Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chủ trì với sự tư vấn và thực hiện một phần dự án của Phòng Phát triển năng lượng điện mặt trời (Solarlab) thuộc Viện Vật lý TPHCM. Ông Trịnh Quang Dũng, Giám đốc Solarlab, cho biết mục tiêu của dự án là tìm tòi thử nghiệm các dạng năng lượng mới thích hợp nhất đối với Trường Sa để tiến tới một giải pháp tổng thể cho nguồn năng lượng điện bền vững cho quần đảo Trường Sa.  

Theo ông Dũng, giải pháp năng lượng cho Trường Sa chỉ có thể bền vững trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhưng năng lượng gió với quần đảo bão tố này là một thách thức về công nghệ cho các nhà khoa học Việt Nam, và do vậy,  nguồn năng lượng khả dĩ nhất, bền vững nhất cho Trường Sa chính là điện mặt trời.  

Solarlab được giao nhiệm vụ lắp đặt nguồn điện mặt trời với tổng công suất 4 KWp (gọi nôm na là ki lô watt pin) để cấp điện tập trung cho đảo Trường Sa Lớn và cấp điện cho một đảo nổi.  

Thực ra, điện mặt trời cho Trường Sa không phải là mới đối với ông Dũng, vì năm 1994, ông đã từng đưa điện mặt trời ra đảo Trường Sa nhưng quy mô nhỏ, chỉ 1 KWp phục vụ cho thông tin viễn thông qua chảo thu phát vệ tinh. Lần này thì khác, quy mô lớn hơn, hệ thống điện cung cấp rộng rãi hơn, bao gồm mạng điện 3 KWp cho đảo Trường Sa Lớn và 1 KWp cho một đảo khác.

“Khó khăn vấp phải đầu tiên là phải lắp đặt thử nghiệm trong đất liền và hiệu chỉnh trước khi mang ra Trường Sa, chứ không thể mang vật liệu, thiết bị ra đó làm mà không thành công thì hao tốn công sức không kể hết”, ông Dũng nói và cho biết, Solarlab phải lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại bán đảo Cam Ranh – nơi có ánh mặt trời và khí hậu biển na ná như Trường Sa – vào giữa năm ngoái để theo dõi và hiệu chỉnh.  

Thách thức trong nghiên cứu, lắp đặt điện mặt trời cho Trường Sa đến với ông Dũng và các kỹ sư của Solarlab là sử dụng thiết bị, vật liệu, nước sơn như thế nào để tránh bị môi trường khí hậu mặn của biển ăn mòn, phải tạo ra nguồn điện ổn định tương tự điện lưới quốc gia để quân và dân trên đảo có thể sử dụng ổn định cho các thiết bị điện thông thường như trên đất liền như TV LCD, tủ lạnh, chảo vệ tinh, máy bơm nước, lò sóng, các thiết bị kỹ thuật số.  

Các kỹ sư của Solarlab cùng chiến sĩ ở Trường Sa tham gia lắp đặt pin điện mặt trời. Ảnh do Solarlab cung cấp.

Việc chống ăn mòn của khí hậu muối biển là bài toán nan giải chỉ có thể khắc phục giảm thiểu tối đa chứ khó lòng triệt để. Đối với hệ thống dàn giá thép đỡ pin mặt trời, Solarlab tiến hành quét phủ lớp dung dịch INOCO. Dung dịch này sẽ tạo lớp vỏ bọc bền vững trước khí hậu biển. Sau đó là 3 lớp sơn đặc chủng dùng trong sơn tàu biển có tác dụng chống hà, chống sét và kéo dài tuổi thọ của dàn giá thép. Chưa yên tâm, Solarlab còn bọc thêm lớp composit bên ngoài để có thể tăng cường tối đa tuổi thọ của khung thép giá đỡ.

Với các hệ thống điện tử, việc bảo vệ các linh kiện khó khăn hơn nhiều. Sau khi kiểm định chất lượng máy móc ổn định, các bo điện tử trong máy được tẩm phủ một lớp vecni cách điện, tỏa nhiệt tốt, đảm bảo các mối hàn, linh kiện điện tử không bị khí hậu muối biển ăn mòn.  

“Khó nhất là làm sao điện mặt trời nhưng phải ổn định cho sử dụng cả ngày lẫn đêm, tức phải có hệ thống tích trữ điện ban ngày khi có ánh sáng mặt trời để phân phối đều cho sử dụng suốt ngày đêm”, ông kể lại.

Đó chưa kể phải tính làm sao để sử dụng điện tiết kiệm, thích hợp với công suất của điện mặt trời, do vậy Solarlab thiết kế hệ thống đèn tiết kiệm năng lượng dù chỉ cần công suất 11 watt nhưng cho nguồn sáng tương đương bóng đèn 60 watt thông thường. Rồi đèn xách tay tuần tra bằng điện mặt trời là một phương tiện mới hỗ trợ các chiến sĩ tuần tra bảo vệ đảo ban đêm thay cho đèn pin truyền thống.  

Song hành với chế tạo thiết bị điện và chạy thử nghiệm trên đất liền, Solarlab còn cử các kỹ sư ra Trường Sa xây dựng chương trình huấn luyện các chiến sĩ trên đảo cách thức sử dụng và bảo quản các thiết bị điện mặt trời.  

Hơn nửa năm trời nghiên cứu, mày mò và phát điện thử nghiệm ở Cam Ranh, cuối tháng 4 năm nay, Solarlab mang cả dàn pin điện mặt trời và thiết bị ra Trường Sa lắp đặt. Ông Dũng cho biết, cuối tháng 7 qua, xem như việc lắp đặt và hiệu chỉnh đã kết thúc, quân và dân trên đảo đã có nguồn điện cho sinh hoạt không khác gì điện lưới ở đất liền.  

Là người nghiên cứu và ứng dụng điện mặt trời trong hàng chục năm qua nhưng ông Dũng cho biết, hệ thống điện mặt trời mà ông và các kỹ sư của Solarlab lắp đặt ở Trường Sa là “một công trình đáng để anh em chúng tôi nhớ đời”.  

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới