Thứ Tư, 29/03/2023, 04:18
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giải pháp nào cho nhà đầu tư đến trước?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải pháp nào cho nhà đầu tư đến trước?

Tuyến đườing ven biển Phước Tân- Bãi Ngà đã được mở để nối liền thành phố Tuy Hòa với Vũng Rô  – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Sự kiện UBND tỉnh Phú Yên thu hồi đất dự án khu du lịch sinh thái Bãi Môn – Mũi Điện để dọn đường cho dự án nhà máy lọc dầu của một đối tác nước ngoài đã ít nhiều gây xôn xao dư luận những ngày qua. Chủ đầu tư khu du lịch dọa khởi kiện nếu không được giải quyết thỏa đáng.

Theo những văn bản chính thức trong hồ sơ “Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Bãi Môn – Mũi Điện” do Công ty cổ phần Sơn Dũng Bảo (SDB) cung cấp, sự việc này bắt đầu từ năm 2005, thời điểm mà SDB bắt đầu khảo sát cơ hội đầu tư ở Phú Yên theo lời mời gọi của tỉnh.

SDB đã “mua” quyền sử dụng đất

Ngày 11-8-2005, công ty này gửi một văn bản lên UBND tỉnh Phú Yên để xin chủ trương và địa điểm xây dựng khu du lịch sinh thái biển.

Ngày 6-10-2005, SDB chính thức xin đầu tư khu resort tại bãi đất hoang ven biển dưới chân núi Mũi Điện (thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa), cách vịnh Vũng Rô khoảng 3km về phía Bắc.

Ngày 12-12-2005, UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận cho SDB lập thủ tục đầu tư dự án, và ngày 26-1-2006 thì thông qua địa điểm ở Bãi Môn- Mũi Điện.

Thế nhưng do thủ tục hành chính khá phức tạp, mãi đến ngày 7-9-2007, nhà đầu tư mới có thể đóng 2,83 tỉ đồng để “mua” quyền sử dụng 8,3377 héc ta đất trong thời hạn…70 năm. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ “đến ngày 13-11-2076”, được cấp cho SDB ngày 20-9-2007.

Ngày 10-10-2007, chủ tịch SDB Trần Hùng Bảo đã báo cho UBND tỉnh và các sở ngành có liên quan rằng “công ty đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, xin phép được tập kết vật tư, thiết bị và nhân lực” và thời điểm khởi công dự kiến là đầu tháng 11-2007.

Đáp lại thông báo này, ngày 15-10-2007, UBND tỉnh Phú Yên đã họp với lãnh đạo công ty để các sở ngành cùng nghe về quy mô dự án… Trong văn bản kết luận buổi họp được gửi cho SDB sau này, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch tỉnh, cũng có nói: “Đề nghị nhà đầu tư tích cực hơn nữa trong công tác triển khai xây dựng dự án”.

Nhưng phải nhường đất cho nhà máy lọc dầu

Thế nhưng, ngày 20-11-2007, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã có văn bản (số 729/SXD-KTQH) trả lời SDB rằng chưa thể cấp phép xây dựng cho công ty vì “UBND tỉnh đang xem xét thỏa thuận địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Vũng Rô, vì gần ranh giới của khu du lịch sinh thái Bãi Môn-Mũi Điện nên sẽ ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ môi trường giữa 2 dự án (khoảng 1km, theo báo cáo số 148/BC-SXD của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên gửi UBND tỉnh Phú Yên)”.

Và đến ngày 7-12-2007, UBND tỉnh đột ngột mời ông Bảo lên để thông báo “dừng triển khai dự án, thống nhất trả lại toàn bộ số tiền thu sử dụng đất kể cả lãi suất ngân hàng”.

Tòan cảnh khu đất bãi Môn, nơi SDB dự định đầu tư xây dựng khu resort – Ảnh: KINH LUÂN

Theo thông báo (số 788/TB-UBND) về “Ý kiến kết luận của Đ/c Nguyễn Bá Lộc tại buổi làm việc với Công ty SDB” thì Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.

Thông báo này cũng giải thích: “Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với tổng diện tích sử dụng đất 200 héc ta và mặt nước 210 héc ta, bao trùm cả khu dự án du lịch Bãi Môn-Mũi Điện của SDB. Đây là dự án có quy mô lớn, mang tầm quốc gia theo đúng định hướng phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến 2020. Tổng vốn đầu tư của dự án là trên 1,7 tỉ USD, tạo ra doanh thu dự kiến trên 2,23 tỉ USD/năm, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 96 triệu USD/năm, đồng thời tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh và giải quyết nhiều lao động”.

Theo ông Bảo, UBND tỉnh nên xem xét lại yếu tố “vành đai an toàn 1km” vì cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định nào về chuyện này. “Ngay đến nhà máy lọc dầu Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đưa ra giới hạn 50m, còn ở đây nếu chỉ chọn 700m thì dự án của SDB cũng đã lọt ra ngoài rồi”, ông Bảo nhấn mạnh.

Trong trường hợp không thể thay đổi con số “1km” thì ông Bảo đề nghị hai giải pháp:

1. Giai đoạn 1, nhà máy lọc dầu Vũng Rô chỉ cần một diện tích xây dựng là 140 héc ta, nếu tính luôn cả vành đai an toàn 1km thì vẫn cách xa khu du lịch Bãi Môn – Mũi Điện 100m. Còn giai đoạn 2 thì đến năm 2020 mới tính tới. Vì vậy, UBND tỉnh có thể xem xét để chấp thuận cho SDB tiếp tục đầu tư và khai thác dự án đến năm 2020 để công ty có thời gian hoàn vốn tối thiểu 10 năm.

2. SDB có quyền đàm phán trực tiếp với chủ đầu tư dự án lọc dầu để đạt được một mức bồi thường thỏa đáng. “Tôi cũng yêu cầu họ gửi một văn bản chính thức xác nhận sự cần thiết phải dừng dự án resort lại”, ông Bảo cho biết.

Diễn biến gần đây nhất là ngày 24-1-2008, Chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã giao cho Chánh thanh tra tỉnh Tạ Sơn Hùng thẩm tra lại toàn bộ sự việc, sau đó đề xuất hướng giải quyết trong vòng 45 ngày. Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Bảo cho biết nếu “cách giải quyết không thỏa đáng” thì ông sẽ khởi kiện.

                                                                        KINH LUÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới