Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp về đất và vốn để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải pháp về đất và vốn để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đang trở thành một yêu cầu. Đây cũng là vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo về đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành diễn ra hôm 28-3.

Giải pháp về đất và vốn để đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành – Ảnh: Lê Anh

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cơ quan này đã lập các mốc tiến độ để có sơ sở thực hiện dự án. Cụ thể, từ tháng 12-2017 đến tháng 12-2019 sẽ nghiên cứu khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua vào năm 2019. Năm 2020 sẽ tập trung thiết kế kỹ thuật.

Về tiến độ khởi công, có thể sẽ khởi công sớm hạng mục san lấp mặt bằng vào tháng 6-2020, đối với khu bay khởi công vào năm 2021 để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Ông Đông cho biết, trong quá trình nghiên cứu khả thi hiện gặp khó khăn về phần vốn xây dựng vì phải làm rõ các nguồn vốn như vốn tư nhân bao nhiêu, vốn nhà nước bao nhiêu?

Đề cập đến khâu giải phóng mặt bằng, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng ở dự án sân bay Long Thành cần thay đổi tư duy về bồi thường, tái định cư; thay việc bồi thường hỗ trợ bằng tiền sang thực hiện bồi thường hỗ trợ bằng đất.

Để có thể đổi mặt bằng bằng đất, cần chuyển phần đất giải phóng mặt bằng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, khi đó giá trị đất sẽ tăng lên nhiều lần. Sau đó, người dân sẽ được nhận một phần đất mới theo một tỷ lệ nhất định với giá trị cao gấp nhiều lần so với phần đất nông nghiệp ban đầu. Còn phần đất thừa đem ra đấu giá để có nguồn thu cho việc xây dựng sân bay.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, ở dự án Long Thành nếu dùng đất đổi đất thì rất khó nhưng ít nhất có thể được 50-70%.  Để thực hiện được giải pháp này thì phải quy hoạch lại huyện Long Thành thì mới đổi được đất có giá trị cho người dân. Ngoài ra, Quốc hội phải ra nghị quyết dựa trên luật đất đai hiện tại để có khung áp dụng.

Nhìn ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng việc tạo nguồn vốn để xây dựng sân bay Long Thành dù rất khó khăn nhưng vẫn có thể áp dụng hình thức đầu tư như sân bay Vân Đồn. Tức là làm theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), khi ấy sẽ giảm đáng kể ngân sách nhà nước. Theo ông Hòa, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, từ nay đến năm 2025 cần tập trung hoàn chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng để giữ đất bằng vốn mà Quốc hội thông qua. Sau khi có quỹ đất, bài toán về vốn để xây dựng sân bay cũng sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức hợp tác công- tư tách ra từng hạng mục để làm.

“Nếu sân bay Long Thành xây 10-15 năm trước thì đã thành sân bay trung chuyển trong khu vực, còn trong 5-10 năm tới đưa vào khai thác thì chậm. Tôi lo ngại nhất là xây sân bay xong không có khách vì việc cân đối giữa Tân Sơn Nhất và Long Thành là rất khó. Vì thế, sân bay Long Thành nên lùi lại sang giai đoạn 2025-2030 mới xây ” ông Hòa lo ngại.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho rằng, ngay từ ban đầu có vẻ dự án xác định là đầu tư công chứ chưa phải đầu tư công-tư. Quy trình làm dự án có vẻ đang làm ngược, lẽ ra cần mời gọi đầu tư trước rồi mới làm các bước tiếp theo.

"Tôi cho rằng, việc huy động vốn cho dự án Long Thành không khó vì kinh doanh sân bay là độc quyền, lợi nhuận tương đối đảm bảo. Vấn đề hiện nay cần làm rõ mô hình đầu tư công-tư để thu hút nhà đầu tư tham gia" ông nói.

Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, nếu làm tuần tự theo trình tự hiện nay thì đầu năm 2021 mới khởi công được và khó hoàn thành giai đoạn 1 vào 2025. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ ACV đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận cơ chế đặc thù, có thể làm trước một số hạng mục.

Ông Bình cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành làm càng nhanh càng tốt, vì kinh nghiệm về xây sân bay của ACV cho thấy, sau 5 năm chi phí có thể tăng gấp đôi. Đối với sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vốn đầu tư là 5,4 tỉ đô la Mỹ, giá này được tính toán vào năm 2015 có tính trượt giá đến năm 2020.  Tuy nhiên nếu lùi dự án lại thì vốn có thể lên 10 tỉ đô la Mỹ cho giai đoạn 1.

Mời xem thêm:

Rút ngắn quy trình để đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới