Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải phóng hàng tại cảng TPHCM trước 15-6

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải phóng hàng tại cảng TPHCM trước 15-6

Container hàng tồn ứ tại Cảng Cát Lái, TPHCM – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – UBND TPHCM vừa yêu cầu các ngành chức năng, các cảng và các doanh nghiệp phối hợp, tập trung giải phóng hầu hết lượng hàng tồn đọng tại các cảng trên địa bàn thành phố trước ngày 15-6.

Sau hơn một tuần các ngành chức năng và doanh nghiệp cùng giải quyết lượng hàng trong container tồn ứ tại các cảng, tuy nhiên đến nay, qua phản ánh của nhiều doanh nghiệp, vẫn còn một lượng lớn hàng tồn đọng tại các cảng trên 30 ngày.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 5-6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lượng hàng tồn đọng lâu ngày là do hầu hết các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, trong thời gian gần đây, lãi suất vay ngân hàng ngày càng tăng cao và nhiều ngân hàng đã cắt giảm hạn mức tín dụng, thậm chí không giải quyết cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn, nên doanh nghiệp không đủ tiền để thanh toán cho các đối tác nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp không thể lấy hàng về, buộc phải để lưu kho, lưu bãi.

Theo bà Hồng, trong những tháng đầu năm vào thời điểm tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ xuống thấp, đồng đô la Mỹ mất giá thì doanh nghiệp tranh thủ nhập hàng, làm khối lượng hàng nhập về mỗi lúc một tăng trong khi hạ tầng cơ sở các cảng vẫn chưa được nâng cấp đã dẫn đến quá tải. 

Bên cạnh đó, việc bố trí kho bãi, sắp xếp container tại các cảng hiện nay chưa hợp lý và khoa học, các container được xếp lên nhau từ 4-6 tầng làm mất nhiều thời gian cho công tác bốc dỡ.

Theo báo cáo của các cảng, lượng hàng hóa tồn đọng tại Công ty Tân Cảng còn khoảng 21.000 container, trong đó tại Cảng Cát Lái – thuộc quyền quản lý của Công ty Tân Cảng – có đến khoảng 17.000 container. Hiện lượng hàng hóa tồn đọng tại Công ty Tân Cảng tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảng VICT cũng đang có lượng hàng tồn đọng khoảng 12.000 container. Do công suất tiếp nhận tối đa của Cảng VICT là 13.000 container, do đó, có thể nói cảng này đã sắp đạt đỉnh điểm công suất tiếp nhận.

Theo Cục Hải quan TPHCM, tính đến cuối tháng 5-2008, lượng sắt thép tồn kho quá 30 ngày tại các cảng cũng đã lên đến khoảng 340.000 tấn, nhiều nhất là tại Cảng Tân Thuận với khoảng 134.000 tấn. 

Theo bà Hồng, nhiều doanh nghiệp đã trình bày rằng trong tháng 5 và tháng 6 này, họ buộc phải tái xuất toàn bộ lượng sắt thép đang tồn đọng tại các cảng do giá sắt thép trong nước đang thấp hơn các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp cho biết thậm chí có bán được thép cho khách hàng trong nước thì cũng rất lâu mới được thanh toán trong khi phí kho, lưu bãi, và lãi vay ngân hàng đang dồn ép từng ngày.    

Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, đối với mặt hàng sắt thép, Công ty Nam Tiến đã tái xuất 20.000 tấn, Công ty Thép Cửu Long tái xuất 20.000 tấn, Công ty Nguyễn Minh tái xuất 25.000 tấn…

Các doanh nghiệp này cho rằng, mặc dù họ biết rõ tái xuất thép trong thời gian này là rất bất lợi do giá sắt thép trên thị trường thế giới dự báo sẽ còn tăng cao, nhưng tình trạng tài chính của doanh nghiệp đang rất khó khăn buộc họ phải tái xuất để có vốn tiếp tục tái đầu tư.

Để giải quyết nhanh tình trạng tồn đọng hàng tại các cảng, UBND TPHCM yêu cầu Cục Hải quan thành phố bố trí tăng thêm giờ làm việc của nhân viên luôn cả thứ Bảy và Chủ nhật và có thông báo bằng văn bản cho các doanh nghiệp biết.

Trong báo cáo trình Thủ tướng, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng trọng yếu được vay đủ hạn mức tín dụng đã được ngân hàng thỏa thuận. Đồng thời, gia tăng hạn mức tín dụng cho phù hợp với biến động giá hiện nay cho doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của thành phố, trước mắt có thể yêu cầu Tổng công ty Thép Miền Nam hoặc các doanh nghiệp nhà nước có khả năng về vốn tập trung thu mua lượng hàng sắt thép đang tồn đọng tại các cảng với giá cả hợp lý để đưa vào dự trữ.

VĂN NAM  

 

 

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới