Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Giải phóng sân sau” để giảm lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Giải phóng sân sau” để giảm lãi suất

Hải Lý

Khách hàng theo dõi bảng lãi suất ở HD Bank- Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2010, thêm một lần nữa Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “tiếp tục giảm lãi suất cho vay”. Đây là lần yêu cầu thứ 8 kể từ đầu năm đến nay trong hầu hết các cuộc họp Chính phủ hàng tháng và nó được nhắc lại ngay cả khi chỉ số CPI tháng 9-2010 tăng 1,31% so với tháng trước đó. Điều đó chứng tỏ đây là một yêu cầu cấp bách, cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay phổ biến, như “Thông tin về hoạt động ngân hàng quí 3-2010” của NHNN đăng tải trên website, vẫn ở mức 13-15%/năm. Với lãi suất này, phần lớn các doanh nghiêp không thể làm ăn có lời. Lãi suất sẽ còn đứng ở mức cao cho đến bao giờ?

Ngày 29-9-2010, trong cuộc họp báo công bố Thông tư 19 ban hành nhằm sửa đổi một số điều của Thông tư 13, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nói với báo chí: “Lãi suất khó hạ vì ngân hàng có “sân sau”.

“Sân sau”, như Thống đốc giải thích là: “Lãi suất trái phiếu cao, trở thành “sân sau” của ngân hàng. Ngân hàng kinh doanh có lãi (nhờ trái phiếu) nên họ không cần phải hạ lãi suất để cho vay” (nguồn: Lãi suất khó hạ vì ngân hàng có “sân sau”, Thanh Niên ngày 30-9-2010). Vậy trái phiếu có thực sự là “sân sau” của ngân hàng thương mại và ai là người tạo nên “sân sau” đó?

Trước hết, lãi suất trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến nay chưa bao giờ cao hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng. Lãi suất trái phiếu cao nhất được ghi nhận là đợt phát hành ngày 3-6-2010 ở mức 11,3%/năm cho kỳ hạn 10 năm. Còn lãi suất kỳ hạn ba năm cao nhất cũng chỉ 10,95%/năm.

Đến cuối tháng 7-2010, lãi suất trái phiếu ba năm chỉ còn 9,8%/năm và sau đó dao động trong khoảng 10%/năm. Với mức lãi suất này, các ngân hàng hầu như ngừng mua trái phiếu, dẫn đến các đợt phát hành trái phiếu trong tháng 8 và 9 phần lớn không thành công.

Lãi suất trái phiếu, rõ ràng, thấp hơn lãi suất huy động của các ngân hàng và lấy vốn huy động để mua trái phiếu là lỗ. Thế nhưng các ngân hàng vẫn mua, vì sau đó họ đem trái phiếu lên giao dịch trên thị trường mở, nơi NHNN cho vay tiền đồng với lãi suất chỉ có 7,5-8%/năm, tức họ vẫn lời 2-3%/năm.

Cách kinh doanh tiền tệ này vừa an toàn, vừa có lợi lại không tốn công sức thẩm định khách hàng như cho vay, hà cớ gì ngân hàng không làm? Không thể trách ngân hàng thương mại khi phương thức đầu tư có lợi thì họ thực hiện.

Cũng không thể trách cứ Bộ Tài chính vì cơ quan này đã buộc phải nâng lãi suất trái phiếu đấu thầu lên mức trên 10%/năm tùy kỳ hạn. Còn nhớ sáu tháng đầu năm 2009, trái phiếu chính phủ chỉ phát hành được cả thảy 7.500 tỉ đồng vì Bộ Tài chính cứ giữ trần lãi suất 7%/năm. Gần đây nhất, khi lãi suất tụt xuống dưới 10%/năm, trái phiếu lại không phát hành được.

Vấn đề nằm ở đâu? Ở cơ chế điều hành của NHNN. Theo Luật Ngân sách, NHNN có quyền tạm ứng cho ngân sách và ngân sách sẽ hoàn trả trong năm tài chính. Ở đây, NHNN có thể trực tiếp mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, thí dụ 3-6-9 tháng, với lãi suất thấp. Với cách này, ngân sách có lợi vì không phải vay của dân, của ngân hàng với chi phí cao. Còn sau đó, nếu muốn hút tiền về, NHNN có thể bán ra trái phiếu (trong thời gian chờ ngân sách hoàn trả), thậm chí có thể bán với lãi suất cao hơn lãi suất đã mua trực tiếp nếu cần, để điều tiết lượng tiền cung ứng vào ra trên thị trường.

Dễ nhận thấy là năm nay NHNN sử dụng liên tục và thường xuyên công cụ thị trường mở với mục đích rất rõ là cung ứng thanh khoản cho các ngân hàng khi cần thiết, đồng thời giúp họ có vốn giá rẻ tài trợ cho doanh nghiệp (nhưng ngân hàng không mặn mà cho doanh nghiệp vay vì kỳ hạn vốn vay được từ thị trường mở quá ngắn, tối đa chỉ 28 ngày) và đây cũng là công cụ dễ áp dụng nhất để bơm tiền ra hoặc hút tiền về.

Vai trò của thị trường mở đã lớn hẳn lên trong khi vai trò của thị trường liên ngân hàng dường như lu mờ bởi những động thái điều hành từ phía NHNN. Cũng trong cuộc họp báo ngày 29-9-2010, Thống đốc Giàu nói rằng NHNN không có một quy định chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được huy động tối đa 20% vốn trên thị trường liên ngân hàng so với tổng vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp.

Nhưng giới quan sát khó có thể quên rằng ngay từ quí 1-2010, NHNN đã tuyên bố không dưới một lần sẽ thanh tra và có biện pháp xử lý ngay lập tức những ngân hàng có mức huy động vượt 20% nói trên. Chính tỷ lệ 20% và những tuyên bố về thanh tra đã khiến thị trường liên ngân hàng rơi vào tình trạng giảm mạnh cường độ hoạt động, không thể điều tiết chi phí vốn (lãi suất) một cách tự động như bản chất mà nó vốn có, nơi mà ngân hàng cần vốn có thể mua, thừa vốn có thể bán.

Bây giờ với Thông tư 19, tỷ lệ 20% đã bị vô hiệu hóa, thị trường liên ngân hàng sẽ nhộn nhịp trở lại và lãi suất sẽ giảm xuống. Thực tế giao dịch trong tuần qua đã đi theo hướng đó. Tuy nhiên lãi suất không thể giảm đột ngột vì có ngân hàng thừa vốn, nhưng là vốn đã huy động với lãi suất cao. Còn ngân hàng thiếu vốn thì lại không vội vay với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng.

Cần thời gian để cung cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng tiệm cận nhau. Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét lại cội nguồn xuất phát của “sân sau” đang tồn tại. Kiểm soát cung tiền có lẽ cần sự sử dụng hài hòa, phối hợp của nhiều nghiệp vụ, chứ không đơn thuần là ưu tiên quá nhiều cho thị trường mở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới